.

Làm rõ trách nhiệm, vai trò của cơ quan chức năng

.

Ngày 9-7, kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ điều hành phiên chất vấn với 36 phiếu chất vấn gồm 38 ý kiến của 20 đại biểu (ĐB)HĐND thành phố; đã có 29 ý kiến được trả lời tại phiên chất vấn, trả lời bằng văn bản 7 ý kiến, không trả lời 2 ý kiến vì UBND thành phố đã trả lời trong báo cáo trả lời ý kiến cử tri.

Nhiều vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tế-xã hội của thành phố được đặt ra; từ đó đại biểu yêu cầu làm rõ trách nhiệm quản lý, vai trò tham mưu của các cơ quan chức năng.

Đại biểu Huỳnh Bá Cử phát biểu tại kỳ họp.  Ảnh: V.N
Đại biểu Huỳnh Bá Cử phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: V.N

Bãi biển Đà Nẵng thì dân Đà Nẵng phải được hưởng

Phiên chất vấn nóng ngay từ đầu với hàng loạt câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Trần Văn Sơn liên quan đến công tác quản lý các dự án chiếm đất ven biển bỏ hoang trong nhiều năm. Theo các ĐB HĐND thành phố, doanh nghiệp (DN) không chỉ “vẽ” dự án để chiếm đất mà độc chiếm luôn các bãi biển không cho người dân địa phương đi dạo, giải trí hay tắm biển.

ĐB Nguyễn Quốc Bình nêu rõ, các khu nghỉ mát 5 sao đã “cát cứ bãi biển”, cấm dân đi vào bãi biển trước khu đất của mình đầu tư. ĐB Bình chất vấn: DN được giao sử dụng đất và mặt nước chứ không giao quản lý mặt nước mà ngăn cản dân đi vào bãi biển khu vực này?

Đồng chí Trần Thọ đặt câu hỏi trực tiếp: Dân có được tắm biển ở trước các lô đất dự án này không? Dự án không triển khai sao lại quản lý cả bãi biển? Sở KHĐT có lừng khừng, cả nể, sợ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư trong việc quản lý việc các dự án chậm triển khai, có triển khai hay không?

Trả lời chất vấn, ông Trần Văn Sơn thừa nhận, các dự án chưa thực hiện nhưng việc giao cho các khách sạn ven biển quản lý bãi biển, không cho người dân đi vào là bất hợp lý. Ông Sơn giải trình, qua rà soát hiện có 52 dự án được cấp phép đầu tư tại các khu vực ven biển với tổng diện tích 1.640ha, trong đó có 14 dự án đầu tư nước ngoài. Đến nay, đã có 20 dự án được đưa vào hoạt động hoặc hoạt động một phần, số còn lại là chậm triển khai hoặc chưa triển khai.

Những dự án chậm hoặc chưa triển khai là do tình hình tài chính khó khăn, thành phố cũng chia sẻ với DN nhưng sắp tới sẽ siết chặt quản lý. Theo quy định pháp luật, dự án được cấp phép quá hạn mà không triển khai thì xử phạt và thu hồi đất. Sở đã tham mưu UBND thành phố sẽ xử lý 3 dự án không triển khai theo quy định pháp luật. Đến nay, thành phố đã hoàn thành thủ tục thu hồi 2 dự án để kêu gọi nhà đầu tư mới.

Đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND kết luận: Đối với dự án thành phố đã có chủ trương và được cấp phép thì Sở KH-ĐT phải đốc thúc thực hiện ngay. Đồng thời phải rà soát lại các dự án để lâu chậm triển khai, tham mưu cho thành phố xử lý theo tinh thần bãi biển của Đà Nẵng thì dân Đà Nẵng phải được hưởng.

Cứ “đã, đang, sẽ” thì bao giờ mới xong?

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Nguyễn Điểu nhận được khá nhiều ý kiến chất vấn xoay quanh xử lý ô nhiễm môi trường, công tác quản lý đối với hoạt động khai thác khoáng sản, giải quyết các lô đất sau khi di dời mồ mả ra khỏi trung tâm thành phố.

Ông Nguyễn Điểu thừa nhận triển khai công trình trạm xử lý nước thải Thọ Quang đã chậm 2 năm so với nghị quyết của HĐND thành phố. Trong tháng 7 này, thành phố sẽ tiến hành khởi công công trình và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 9-2016. Tuy nhiên, khi ĐB Huỳnh Bá Cử yêu cầu phải cam kết thực hiện đúng thời hạn thì người đứng đầu Sở TN-MT trả lời không cam kết được; vì chủ đầu tư là Sở Giao thông vận tải, Sở TN-MT chỉ chịu trách nhiệm về công nghệ và thiết bị.

Nguyên nhân ô nhiễm ở thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên  (huyện Hòa Vang) được lãnh đạo Sở TN-MT lý giải kéo dài nhiều năm là do hệ thống xử lý nước thải của Khu công nghiệp Hòa Khánh quá tải, hệ thống cống dẫn xuống cấp làm tràn nước thải ra ngoài; DN không đấu nối vào hệ thống này mà xả trộm ra môi trường.

Ông Nguyễn Điểu cũng cho biết đã tham mưu để thành phố xử lý các điểm ô nhiễm môi trường mà ĐB nêu: Trạm bê-tông Hòa Cầm của Công ty Dinco, Khe Cạn tại phường Hòa An, Trạm xử nước thải Hòa Cường. Chủ tọa kỳ họp không đồng tình mà chất vấn tiếp: Việc xử lý các điểm ô nhiễm môi trường đã nói chấm dứt trong năm 2014 mà đến hôm nay còn nói “đã, đang, sẽ” thì bao giờ mới xong?

Trả lời chất vấn về công tác quản lý khai thác khoáng sản, ông Nguyễn Điểu cho hay đã tham mưu UBND thành phố rà soát các dự án khai thác khoáng sản để lập thủ tục đóng cửa mỏ hết hạn theo quy định pháp luật.

Đến nay, có 9/12 đơn vị làm thủ tục phục hồi môi trường, các đơn vị còn lại đang làm thủ tục. Hiện thành phố có 43 dự án khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Các DN phải đóng ký quỹ 500 triệu đồng để phục hồi môi trường sau khi hết hạn khai thác.

ĐB Cao Thị Huyền Trân chưa hài lòng và đặt câu hỏi vai trò của Sở TN-MT ở đâu khi người dân phát hiện ra những mỏ khai thác hết hạn, chưa làm thủ tục đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường thì sở mới vào cuộc rà soát.

Đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Trần Thọ đặt câu hỏi: “Quản lý khai thác khoáng sản có lỏng lẻo không? Còn tình trạng khai thác trộm cát trên sông Cổ Cò không?” Khi Giám đốc Sở TN-MT trả lời đã hết tình trạng này, chủ tọa kỳ họp đã đưa ra bằng chứng tối 8-7, Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng phát sóng về nạn khai thác trộm cát trên sông Cổ Cò vào ban đêm. Ông Nguyễn Điểu thừa nhận công tác quản lý khai thác khoáng sản còn thiếu sót.

Trả lời ĐB Nguyễn Hoàng Sơn về tình trạng các lô đất trống trở thành nơi ô nhiễm sau khi di dời mồ mả ra khỏi trung tâm thành phố, ông Nguyễn Điểu đánh giá cao sự đồng thuận của nhân dân quận Thanh Khê trong thực hiện chủ trương này và đề nghị thành phố cho chủ hộ gần đó được hợp thửa với lô đất rẻo, còn lô đất lớn để làm nhà sinh hoạt cộng đồng, mở đường kiệt hẻm. Khi đồng chí Trần Thọ hỏi về số lượng lô đất sau khi dời mồ mả ra khỏi khu dân cư của 2 quận Hải Châu và Thanh Khê thì Sở TN-MT không trả lời được.

Chủ tọa kỳ họp nêu con số cụ thể là 155 lô đất và bình luận: “Lại tiếp tục “đã, đang và sẽ” tham mưu cho thành phố. Trong khi đó UBND thành phố đã có chỉ đạo rồi mà hỏi thì anh không nắm được số lượng”. Đồng chí Trần Thọ chỉ đạo, hết quý 1 năm 2016 phải làm xong việc hợp thửa các lô đất rẻo cho dân, ưu tiên các hộ có diện nhỏ, còn lại làm công trình công cộng.

Xử tột khung để bảo vệ rừng của thành phố

Ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chất vấn về trách nhiệm của sở trong việc để xảy ra phá rừng tại tiểu khu 10, tiểu khu 15 xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang vừa qua cũng như vụ phá rừng Cà Nhông hồi năm ngoái.

Ông Lương nêu tóm tắt diễn biến sự việc các vụ phá rừng và biện pháp xử lý bao gồm chuyển cơ quan điều tra khởi tố vụ án, xử lý trách nhiệm các cán bộ, công chức, nhân viên để xảy ra phá rừng. Sau vụ phá rừng Cà Nhông, lực lượng Kiểm lâm của thành phố đã được kiện toàn lại.

ĐB Tạ Tự Bình không đồng tình: “Lực lượng Kiểm lâm đã kiện toàn rồi tại sao vẫn xảy ra phá rừng? Tại sao họ mở đường, đưa xe cơ giới vào phá rừng gần cả tháng Kiểm lâm mới biết, mới lập chốt. Có phải là mất bò mới lo làm chuồng?”.

Chủ tọa kỳ họp càng không đồng tình với trả lời của ông Lương: “Tại sao chỉ trong vòng 6 tháng liên tiếp xảy ra 3 vụ phá rừng nghiêm trọng. Họ phá rừng quy mô lớn như vậy, đưa xe cơ giới đến làm rầm rầm mà  Kiểm lâm ở đâu mà để xảy ra như thế. Cứ như thế này sẽ còn phá rừng nữa. Có cấu kết không? Có tiếp tay không? Xử lý như vậy đã nghiêm minh chưa?”.

Đồng chí Trần Thọ yêu cầu các ngành nội chính phải xử lý thật nghiêm, đủ sức răn đe với vụ phá rừng Cà Nhông, xử lý mạnh tay vụ phá rừng tại tiểu khu 10 và 15 để giữ rừng, giữ lá phổi thành phố. Huyện Hòa Vang phải xử lý nghiêm trách nhiệm cán bộ xã Hòa Bắc để xảy ra phá rừng.

Không làm du lịch như  “chờ cá vào lờ”

Mặc dù chỉ có một ý kiến chất vấn Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Ngô Quang Vinh về tính hiệu quả của đầu tư cho hạ tầng cơ sở du lịch nhưng gợi thêm cho rất nhiều bình luận và chất vấn khác về du lịch.

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở VH-TT-DL Ngô Quang Vinh nêu những số liệu cụ thể về đầu tư hạ tầng cho du lịch. Đóng góp nguồn thu từ du lịch ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của thành phố, thu thuế từ du lịch cũng tăng lên qua các năm. Sắp tới, sở sẽ tham mưu để ban hành bộ quy tắc ứng xử du lịch áp dụng đối với người dân và du khách.

Nhiều ĐB đánh giá sản phẩm du lịch của Đà Nẵng quá nghèo nàn, chưa có sản phẩm lưu niệm tốt và hiệu quả. ĐB Nguyễn Quốc Bình nêu thực trạng thành phố có con sông Hàn rất đẹp nhưng chưa có sản phẩm du lịch nào đúng nghĩa trên sông. Hiện có 25 con tàu chở du khách trên sông Hàn nhưng nghịch lý là những con tàu này thuộc dạng “3 không”: không bến, không tour nên không được cấp giấy phép (của Sở Giao thông vận tải). Đã có hai trường hợp gặp sự cố trên sông phải yêu cầu tàu của Bộ đội Biên phòng kéo vào bờ.

ĐB Nguyễn Quốc Bình chất vấn với tư cách “nhạc trưởng” tham mưu về du lịch, sở tham mưu cho thành phố như thế nào về việc này. ĐB Võ Văn Thương đề nghị làm sản phẩm du lịch dưới hình thức truyền thuyết hóa khi triển khai Khu văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn phục vụ du lịch. Một số ý kiến phản ánh tình trạng người dân mặc đồ bộ đi tắm biển gây phản cảm, hay có DN du lịch chỉ trong 3 tháng phải tiếp tới 6 đoàn thanh tra, kiểm tra của thành phố, ảnh hưởng tới hoạt động.

ĐB Huỳnh Phước lo ngại Khu du lịch Bà Nà phát triển gây nên hiện tượng bê-tông hóa đỉnh núi ảnh hưởng đến môi trường thiên nhiên. Nhiều ý kiến đề nghị phải xây dựng đề án phát triển du lịch, cho biết thời hạn tách Sở Du lịch ra khỏi Sở VH-TT-DL.

Ông Vinh đồng tình với đánh giá của các ĐB rằng sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, những yếu kém của ngành và tiếp thu các gợi ý của các ĐB. Ông Vinh cho hay thành phố đã giao Sở Khoa học-Công nghệ xây dựng Đề án “Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ khu vực và thế giới”. Sở VH-TT-DL đề nghị được giao để xây dựng đề án này. Việc lập Sở Du lịch đã được thành phố phê duyệt nhưng đang bị chậm do Chính phủ yêu cầu xây dựng các tiêu chí cần thiết để lập sở.

Đồng chí Trần Thọ kết luận: Không thể làm du lịch như đặt lờ rồi chờ cá chui vào. Những gì đã làm chưa đủ tầm, chưa đủ mạnh để phát triển du lịch. Chủ tọa kỳ họp yêu cầu Giám đốc Sở VH-TT-DL phải lưu ý để tham mưu đề xuất phát triển du lịch đường sông bài bản; đồng thời phê bình việc tham mưu lập Sở Du lịch quá chậm và thụ động, chưa đeo bám để lập được cơ quan này.

Hiện nay, công tác quản lý treo băng-rôn quảng cáo trên các tuyến đường của thành phố nhếch nhác, phản cảm. Đồng chí yêu cầu chấn chỉnh việc chỉ trong 3 tháng có 6 đoàn kiểm tra đến làm việc với DN ngành du lịch cũng như hiện tượng chặt chém du khách tại Nhà hàng Bé Anh trên địa bàn quận Sơn Trà.

Bố trí 3.025 lô đất sau khi bàn giao mặt bằng

Trả lời chất vấn của ĐB Lê Vinh Quang về nguyên nhân và thời hạn giải quyết dứt điểm 3.025 lô đất đã có quyết định bố trí nhưng chưa phân lô, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, sau khi các hộ trong diện bố trí tái định cư nhận 80% tiền đền bù thì được đăng ký đất tái định cư.

Đến 30-6-2015, có 3.025 lô đất đã có quyết định phê duyệt bố trí tái định cư của UBND thành phố nhưng chưa phân lô là do chủ hộ chưa bàn giao mặt bằng, trong đó quận Sơn Trà có 258 lô, quận Thanh Khê có 10 lô, quận Hải Châu có 59 lô, quận Ngũ Hành Sơn có 772 lô, quận Cẩm Lệ có 1.086 lô, quận Liên Chiểu có 304 lô, huyện Hòa Vang có 536 lô. Nếu các hộ bàn giao mặt bằng sẽ được nhận phiếu và giao đất thực tế trên hiện trường để xây dựng nhà ở. Tiến độ giải quyết các lô đất nói trên phụ thuộc tiến độ bàn giao mặt bằng của các chủ hộ.

Trả lời chất vấn của ĐB Đỗ Thị Kim Lĩnh về vụ việc của 81 hộ dân ở tổ 40, 40a phía nam cầu Cẩm Lệ thuộc dự án đất dự trữ ven sông của thành phố đã được kiểm định từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện và gần 200 hộ ở Tùng Lâm, phường Hòa Xuân thuộc Dự án Khu liên hợp thể thao cũng trong tình trạng tương tự, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, về 81 hộ dân ở tổ 40, 40a ở ven sông là thuộc vùng đệm thoát lũ, không phát triển đô thị, không khai thác quỹ đất, không xây dựng công trình kiến trúc.

Thành phố ghi nhận bức xúc của người dân ở khu vực này, tuy nhiên tình hình ngân sách hiện nay tập trung cho các công trình trọng điểm cho nên ghi vốn 35 tỷ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng và đưa 81 hộ dân lên vị trí đã được lựa chọn và sẽ thực hiện phân kỳ đầu tư dần từng năm để di dời các hộ này.

Tuy nhiên, ĐB Đỗ Thị Kim Lĩnh cho rằng, đây là vùng rốn lũ; số tiền 35 tỷ đồng không phải là áp lực lớn đối với thành phố, do đó thành phố nên trả lời cho biết là sẽ phân kỳ trong thời gian bao lâu để người dân khỏi phải chờ đợi. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, hiện nay ngân sách của thành phố tập trung cho các dự án trọng điểm, do đó, UBND thành phố sẽ trình HĐND thành phố phân kỳ hợp lý và chia theo từng giai đoạn bố trí vốn để di dời và sẽ ghi vốn trong năm 2016.

Sớm bồi thường đất vườn cho các hộ làng Vân

Trả lời chất vấn của ĐB Phạm Tấn Xử về việc các hộ dân làng Vân trên 3 năm vẫn chưa nhận tiền bồi thường đất vườn, cây trồng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nơi ở mới ở tổ 13, 14 khu tái định cư phường Hòa Hiệp Nam và 400 ngôi mộ âm linh vẫn chưa được di dời, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, vào năm 2012, thành phố thực hiện di dời các hộ nói trên và thành phố đã kiểm định vật chất trên khu vực thực hiện dự án.

Tuy nhiên, đến năm 2014, khu vực này liên quan đến quốc phòng-an ninh, có liên quan đến ranh giới sử dụng đất giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng. Do đó, theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 có kiểm tra lại ranh giới dự án. Sau khi kiểm tra thực địa, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chỉ đạo thành phố điều chỉnh ranh giới phù hợp. Sau khi điều chỉnh ranh giới sử dụng đất sẽ phê duyệt lại quy hoạch tổng mặt bằng và chủ đầu tư sẽ chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân.

UBND thành phố giao Sở TN-MT phối hợp với quận Liên Chiểu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ làng Vân đã được bố trí tái định cư nhà liền kề ở tổ 13, 14 trong tháng 8-2015. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ bồi thường phần còn lại. Tuy nhiên, hiện nay thành phố cũng đã bố trí 50 tỷ đồng để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Còn 400 ngôi mộ vô chủ sẽ chờ quy hoạch điều chỉnh và xác định số lượng ngôi mộ cụ thể và sau đó UBND thành phố sẽ chỉ đạo di dời theo quy định chung.

Theo ĐB Phạm Tấn Xử, làng Vân là nơi đặc thù và người dân cũng đã chấp hành tốt chủ trương của thành phố; do đó, thành phố cần chi trả kịp thời tiền bồi thường cho vườn tược của người dân đang bị bỏ hoang nơi đây. Về 400 ngôi mộ, ĐB Phạm Tấn Xử đề nghị, sớm xúc tiến việc di dời hỏa táng, chọn nơi thờ tự để người dân yên tâm.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn bày tỏ sự thống nhất với ý kiến của ĐB Phạm Tấn Xử và cho biết, ngoài việc chi vốn đền bù giải tỏa 50 tỷ đồng, nhà đầu tư sẽ chi trả thêm và sẽ có ý kiến phản hồi sớm cho người dân. Đối với 400 ngôi mộ âm linh, UBND thành phố giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với quận Liên Chiểu xử lý, có thể hỏa táng và xây dựng một biểu tượng để hương khói ngay tại vị trí cất bốc.

Sơn Trung-Đoàn Lương

;
.
.
.
.
.