Thượng tá Nguyễn Văn Cung (ảnh), Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) - Công an thành phố Đà Nẵng là một trong số ít cá nhân vinh dự đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân” năm 2014.
Cương quyết, mưu trí đấu tranh với tội phạm
Tốt nghiệp chuyên ngành điều tra xét hỏi của Trường Trung học An ninh nhân dân, Nguyễn Văn Cung nhận công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Sau khi chia tách tỉnh, anh nhận nhiệm vụ tại đội trọng án của Phòng CSĐT - Công an thành phố Đà Nẵng. Năm 2004, anh chuyển về Văn phòng Cơ quan CSĐT với chức vụ Đội trưởng đội điều tra, thẩm định án tố tụng. Từ tháng 9-2010, anh giữ chức Phó trưởng phòng PC45, phụ trách trực tiếp đội phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên tuyến - địa bàn. Mới đây, anh tiếp tục được phân công phụ trách thêm đội phòng chống tội phạm cướp và cướp giật tài sản.
Thượng tá Nguyễn Văn Cung tâm sự, tính chất công việc của lực lượng cảnh sát hình sự hết sức nặng nề, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ (CBCS) thể hiện tinh thần đấu tranh kiên quyết với các loại tội phạm. “Tôi vừa làm, vừa chỉ đạo, vừa lắng nghe ý kiến của lãnh đạo cũng như của các CBCS, qua đó tạo thành sức mạnh tập thể và mang lại hiệu quả cao”, Thượng tá Cung bộc bạch.
Minh chứng cho lời tâm sự trên là việc hàng trăm chuyên án, vụ án lớn và đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn được anh cùng tập thể PC45 khám phá thành công, cũng như vô hiệu hóa các nhóm tội phạm nguy hiểm như: bảo kê, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản…
Điển hình là việc anh cùng tập thể CBCS điều tra, khám phá thành công chuyên án 138C, bắt giữ hai “siêu trộm” Đặng Ngọc Tân và Nguyễn Hữu Phước chuyên đột nhập nhà dân lấy tài sản hồi tháng 4-2011. Đây là chuyên án mà Thượng tá Cung trực tiếp tham gia theo dõi, chỉ đạo trinh sát đấu tranh. “Qua nghiên cứu các phương thức, thủ đoạn của các vụ việc xảy ra trước đó tại hiện trường cho thấy, đối tượng khá lưu manh và hoạt động lưu động.
Chưa kể, việc sàng lọc từ 100 đối tượng nghi vấn còn 12 đối tượng là quá trình rất khó khăn, đặc biệt là Đặng Ngọc Tân, vì đây là đối tượng có nhiều dấu hiệu bất minh về kinh tế”, Thượng tá Cung nhớ lại. Ban chuyên án đã tập trung nhiều lực lượng, tốn nhiều thời gian đeo bám và giám sát để có những thông tin xác thực về đối tượng nguy hiểm này.
“Ngay cả khi bị bắt, với bản chất côn đồ, các đối tượng vẫn rất ngoan cố khi suốt quá trình làm việc, chúng cứ khai nhận xong rồi phản cung”, Thượng tá Cung nói. Anh cho biết, các CBCS phải dùng những lý lẽ sắc sảo, tập trung trí tuệ, đấu tranh trực diện và liên tục, các đối tượng sau đó thừa nhận trong vòng 3 năm (2008-2011) đã gây ra hơn 50 vụ trộm cắp, tài sản chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong nhiều chuyên án lớn từng gây rúng động Đà Nẵng như: chuyên án 122T năm 2012 bắt giữ hai “siêu trộm” Nguyễn Tuấn Vũ và Nguyễn Quốc Phú chuyên đột nhập cơ quan, doanh nghiệp ở 16 tỉnh, thành phố khắp cả nước; chuyên án trộm cắp xe máy 009T năm 2012, bắt Trần Văn Quang, Nguyễn Văn Cường, Trần Anh Việt gây ra hàng trăm vụ trộm xe mỗi tháng; chuyên án 412B năm 2012, khởi tố 24 đối tượng chuyên cá độ bóng đá trên mạng với số tiền hàng trăm tỷ đồng…; hay các vụ án giết người nghiêm trọng như: chuyên án 006G năm 2013 do Phạm Văn Hiếu (Hiếu chém) cầm đầu; vụ giết người tình rồi đẩy xuống sông Yên ở xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang); vụ giết người yêu rồi chôn xác ở quận Ngũ Hành Sơn năm 2013… được nhanh chóng làm sáng tỏ, tất cả đều có dấu ấn và công lao của cá nhân Thượng tá Nguyễn Văn Cung.
Hết mình với nghề
Thượng tá Nguyễn Văn Cung tâm sự, để chỉ đạo cụ thể, sát thực và được chính các điều tra viên “tâm phục, khẩu phục”, bản thân người chỉ huy phải thực sự có năng lực, có tư duy nhạy bén, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, có kinh nghiệm trong làm án, đồng thời thường xuyên lăn xả với công việc. Trong hầu hết các vụ án nghiêm trọng, Thượng tá Cung luôn có mặt tại hiện trường. Bởi lẽ, theo anh, khi không xuống thực tế, không trực tiếp thấu hiểu các tình tiết vụ việc thì khó có thể cùng đồng đội phân tích cụ thể các tình tiết vụ án, từ đó có hướng xử lý vụ việc chính xác.
Thượng tá Nguyễn Văn Cung chia sẻ, trong công tác điều tra hình sự, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh bởi tội phạm ngày càng liều lĩnh và hầu như có vũ khí “nóng” trong người, sẵn sàng chống trả. “Mỗi khi điều tra thành công vụ án, nhất là những vụ án khó, CBCS chúng tôi thật sự vui mừng bởi công việc của mình góp phần mang lại sự bình yên cho nhân dân. Đã chọn nghề là phải hết mình với nghề”, anh nói.
Với tình yêu nghề ấy, người phó chỉ huy này từng ngày truyền sự say mê, nhiệt huyết đến từng đồng nghiệp của mình, để cả đơn vị trở thành một tập thể đoàn kết, liên tiếp lập công, xứng đáng với danh hiệu Đơn vị quyết thắng.
Ba năm liên tiếp (2011-2013), Thượng tá Nguyễn Văn Cung đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; năm 2014 đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an. Anh đã được vinh dự nhận 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 1 huy chương “Vì an ninh Tổ quốc” do Chủ tịch nước tặng; 4 Bằng khen của Bộ Công an và nhiều bằng khen, giấy khen của Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng. |
Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH