Chính trị - Xã hội
Nỗi lo người tâm thần ngoài cộng đồng
Nhiều vụ án đau lòng xảy ra tại Đà Nẵng do hung thủ là người bị tâm thần. Vấn đề người tâm thần ở cộng đồng chưa được chăm sóc và điều trị đúng cách đang là nỗi lo của cộng đồng.
Khám bệnh cho người tâm thần tại Đà Nẵng. |
Nhóm đối tượng tâm thần rất đa dạng
Đến bây giờ, dù đã nửa năm trôi qua nhưng người dân ở quận Liên Chiểu vẫn còn nhớ vụ án mạng đau lòng khi con sát hại cha. Vào ngày định mệnh ấy, Nguyễn Phước Linh (23 tuổi, ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) đã đến chỗ cha ruột (cha Linh làm bảo vệ tại một nhà máy) nói chuyện. Khi đang dang dở câu chuyện, bỗng Linh nhặt gạch và ném về phía cha rồi đâm liên tiếp mấy nhát dao khiến cha gục ngã tại chỗ. Nhát dao chí mạng của đứa con ruột đã cướp đi sinh mạng của người cha già. Theo điều tra, trước đây, Linh có tiền sử bệnh tâm thần nên không làm chủ được hành vi.
Tương tự Linh, anh N.V.V (ở huyện Hòa Vang) cũng gây án với chính mẹ ruột. Trước đây, anh V. bị tâm thần nhẹ, được gia đình đưa đi điều trị ổn định, nhưng do uống thuốc không đều đặn nên thỉnh thoảng lại lên cơn. Một lần, V. đã dùng cây đánh vào đầu mẹ ruột khiến bà tử vong ngay sau đó...
Chưa có thống kê đầy đủ nhưng số lượng người tâm thần ở cộng đồng hiện nay không nhỏ. Theo thống kê của ngành y tế, hiện có đến 300 mã bệnh của 120 bệnh tâm thần. Tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Đà Nẵng có khoảng hơn 300 người rối loạn tâm thần nặng đang được tiếp nhận, điều trị và nuôi dưỡng. Hầu hết các đối tượng tại đây không có thân nhân, lang thang hoặc không nơi nương tựa. Các trường hợp người tâm thần có thân nhân được Trung tâm đưa về hòa nhập cộng đồng. Đó là chưa kể hàng trăm lượt người đến khám tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng mỗi ngày.
Nhóm đối tượng tâm thần địa bàn Đà Nẵng rất đa dạng, bao gồm trẻ em độ tuổi mầm non, đến học sinh bị stress do áp lực học tập, phụ nữ khủng hoảng giai đoạn mang thai, người rối nhiễu hành vi tâm thần do nghiện chất, nghiện game, rối loạn tâm lý người cao tuổi…
Một câu hỏi khó được đặt ra với cả cộng đồng là cần chăm sóc và quản lý người tâm thần hiện nay như thế nào. “Hầu hết những người có vấn đề về thần kinh đều được gia đình cho uống thuốc và quản lý nhưng đâu thể quản lý 24/24. Bởi vậy, chúng tôi rất lo lắng khi họ đi ra ngoài và lên cơn bất thường”, bà Hoàng Việt Nga, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Xuân Hòa A1, quận Thanh Khê nói. Bà Nga cho biết, chỉ riêng trong khu phố của bà có 5 người tâm thần đang được chăm sóc tại gia đình. Người dân trong khu phố lúc nào cũng lo “né” anh T. “khùng” bởi anh này suốt ngày đi lang thang ngoài đường, gặp ai cũng dọa đánh.
Cần sự phối hợp
Điều 13 Bộ luật Hình sự quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh”. Như vậy, pháp luật hình sự chỉ quy định hình thức bắt buộc chữa bệnh tâm thần khi người bệnh thực hiện hành vi phạm tội, đã gây hậu quả nguy hiểm. Với những trường hợp bị tâm thần nhưng chưa có hành vi gây nguy hiểm thì chưa có quy định phải cách ly họ.
Trong khi đó, tại cộng đồng, hoạt động trợ giúp người tâm thần chưa thật sự hiệu quả. Các dịch vụ hỗ trợ trị liệu tâm lý cho trẻ bị rối nhiễu tâm trí, các mô hình phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho người bệnh tâm thần hòa nhập cộng đồng và các mô hình hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ trầm cảm… đã được triển khai tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội (CTXH) thuộc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng...
Tuy nhiên, theo bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH, các hoạt động này chưa đáp ứng được nhiều nhu cầu của các gia đình và người bệnh. Thực tế, tại nhiều bệnh viện, việc chăm sóc người bệnh chủ yếu do y bác sĩ và điều dưỡng đảm nhiệm mà chưa có sự hỗ trợ của các nhân viên CTXH. Vai trò của nhân viên CTXH trong việc trợ giúp người bệnh hòa nhập cộng đồng chưa được chú trọng.
“Hiện vẫn chưa có sự gắn kết với các dịch vụ như: tư vấn tâm lý, trợ giúp xã hội cho gia đình người tâm thần, nhằm giúp họ vượt qua khủng hoảng về tinh thần và vật chất, yên tâm điều trị bệnh. Chúng tôi đang xây dựng mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí, người tâm thần dựa vào cộng đồng nhằm đánh giá, sàng lọc và trị liệu tâm lý, cung cấp các dịch vụ phòng ngừa cho nhóm đối tượng nguy cơ cao bị rối nhiễu tâm trí và trợ giúp xã hội cho người bệnh tâm thần có hoàn cảnh khó khăn hòa nhập cộng đồng”, bà Hoa cho biết.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ