Thời gian qua, tinh thần đồng thuận trong nhân dân đang ngày càng được củng cố vững chắc khi cấp ủy, chính quyền huyện Hòa Vang thực hiện tốt quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở.
Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở giúp người dân ổn định cuộc sống. Trong ảnh: Nông dân Hòa Phú nâng cao chất lượng cuộc sống nhờ mô hình trồng keo lá tràm. |
Hoàn thành các mục tiêu lớn
Nhận thức được vai trò trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, Đảng bộ, chính quyền huyện Hòa Vang đã nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện QCDC ở 34 tổ chức cơ sở Đảng trong toàn huyện.
Theo ông Nguyễn Hữu Long, Phó ban Dân vận Huyện ủy, để việc thực hiện QCDC ở cơ sở được thống nhất, đầy đủ và hiệu quả, Huyện ủy đã ban hành nhiều kế hoạch tổ chức các hội nghị quán triệt, tập huấn về quy trình xây dựng và thực hiện QCDC từ huyện đến các cơ sở với sự tham gia của hàng trăm cán bộ, công chức thuộc các ban, ngành, địa phương.
“Hiện nay, tất cả các xã đều thành lập các Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, các thôn đều có hương ước, quy ước đã được phê duyệt, mỗi tộc họ cũng đều xây dựng được Hội đồng gia tộc và thực hiện theo quy ước tộc họ, hằng năm đều có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Bên cạnh đó, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát cộng đồng cũng được nâng lên, giám sát chặt chẽ, hiệu quả các công trình xây dựng có vốn đóng góp của nhân dân”, ông Long cho biết thêm.
Để việc thực hiện QCDC ở cơ sở có hiệu quả, bám sát thực tế, Ban chỉ đạo đã linh động gắn kết với các chỉ thị, nghị quyết và phong trào thi đua. Đặc biệt, trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhờ thực hiện và phát huy tốt dân chủ cơ sở nên đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong cộng đồng dân cư về chủ trương và thực hiện.
Từ năm 2011 đến nay, khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, nhân dân đã đồng tình hiến hơn 128.000m2 đất để nâng cấp, làm mới hơn 100km đường giao thông kiệt hẻm, nhà văn hóa, các mô hình sản xuất với tổng giá trị hơn 342 tỷ đồng.
“Gần đây, thực hiện các nhiệm vụ về công tác phản biện xã hội, tham gia đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận, đoàn thể của huyện cũng đã phối hợp theo dõi, giám sát kịp thời phản biện, làm rõ một số chủ trương chưa phù hợp với quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đã được các cấp tiếp thu và giải quyết một cách kịp thời, cụ thể như việc giải quyết chế độ đền bù, giải tỏa xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi”, ông Nguyễn Hữu Long nói.
Nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân
Việc thực hiện QCDC tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn huyện có sự chuyển biến rõ nét về cả nhận thức lẫn tổ chức thực hiện. Các quy định, quy chế thường xuyên được bổ sung, sửa đổi phù hợp với tình hình thực tế, gắn liền với công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện Chỉ thị 29-CT/TU của Thành ủy, trong đó có xây dựng đạo đức công vụ trong công tác tiếp dân, chống quan liêu, tham nhũng, vòi vĩnh nhân dân.
Theo kết quả của bộ phận tiếp dân, công tác tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được nhanh gọn, đúng hẹn, năm sau cao hơn năm trước. Bên cạnh đó, công tác tiếp và đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện với nhân dân luôn thực hiện đúng định kỳ. Những kiến nghị, bức xúc của người dân về các vấn đề kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh đều được lắng nghe, giải quyết hợp tình, hợp lý.
Theo ông Phan Văn Tôn, Chánh Văn phòng UBND huyện Hòa Vang, những buổi đối thoại nhằm mục đích cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, góp phần đổi mới nội dung phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy, mở rộng quyền dân chủ của nhân dân.
“Các cơ quan, đơn vị cũng thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại giữa cán bộ, công chức, người lao động với người đứng đầu để làm rõ những quy chế, quy định về tiền lương, khen thưởng, các chế độ phúc lợi, qua đó có sự điều chỉnh hợp lý, kịp thời và có lợi cho người lao động. Điều này tác động tích cực đến lề lối làm việc, năng suất, hiệu quả tại các cơ quan, đơn vị”, ông Nguyễn Hữu Long cho biết thêm.
Bài và ảnh: PHAN CHUNG