.

Phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng: Cơ bản hoàn thành

.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng xung quanh việc triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn Đà Nẵng nói chung và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) nói riêng, ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố, cho biết Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành việc phong, truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH.

Lãnh đạo thành phố trao tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH cho các mẹ.
Lãnh đạo thành phố trao tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH cho các mẹ.

* Có nhiều trường hợp người không còn giấy tờ nhưng có vết thương thực thể thì việc xác nhận giúp họ hưởng chế độ chính sách như thương binh như thế nào, thưa ông?

- Đúng là việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ vẫn gặp khó khăn trong việc xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ nhưng có vết thương thực thể.

Hiện nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn về việc thành lập Hội đồng kiểm tra vết thương thực thể nên chưa giải quyết được chế độ cho những đối tượng này. Chúng tôi đang chờ có văn bản hướng dẫn là thực hiện ngay để bảo đảm chính sách, chế độ và quyền lợi của người có công với cách mạng.

* Theo chúng tôi biết, hiện vẫn còn hơn 100 hồ sơ giải quyết chế độ trợ cấp 1 lần đối với người thờ cúng liệt sĩ không còn thân nhân hưởng trợ cấp chưa được giải quyết. Vậy nguyên nhân do đâu, thưa ông?

- Trong quá trình xem xét hồ sơ giải quyết chế độ trợ cấp 1 lần đối với người thờ cúng liệt sĩ không còn thân nhân hưởng trợ cấp, tuy đến nay gần 11.000 đối tượng đã được giải quyết chế độ nhưng vẫn còn hơn 100 hồ sơ chưa được giải quyết.

Nguyên nhân bởi hiện nay, chúng tôi không quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ do liệt sĩ có nguyên quán các tỉnh khác nhưng thực tế thân nhân đang đảm nhiệm thờ cúng liệt sĩ tại Đà Nẵng. Ngoài ra, cũng có trường hợp liệt sĩ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy báo tử nhưng chưa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng Tổ quốc ghi công…

Để khắc phục những vướng mắc nói trên, chúng tôi đã hướng dẫn cụ thể cho thân nhân thờ cúng liên hệ với địa phương quản lý hồ sơ liệt sĩ (bản gốc) để di chuyển theo quy định. Đối với những trường hợp chưa được Thủ tướng cấp Bằng Tổ quốc ghi công, chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương và cơ quan cấp giấy báo tử lập thủ tục trình Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công theo quy định.

* Khi thực hiện Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VNAH, khó khăn thường thấy là thân nhân kê khai tên mẹ trong hồ sơ đề nghị không trùng khớp với tên mẹ trong hồ sơ liệt sĩ đang quản lý. Vì sao có tình trạng này?

- Có nhiều nguyên nhân: Khi xác lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ do các thân nhân khác nhau đứng tên kê khai (hồ sơ khai tên tộc, hồ sơ khai theo tên con đầu); hồ sơ liệt sĩ không khai tên mẹ hoặc vợ của liệt sĩ do từ trần đã lâu; hồ sơ kê khai cho mẹ kế, nay lập hồ sơ nhận danh hiệu Bà Mẹ VNAH thì khai cho mẹ cả (trường hợp cha liệt sĩ có 2 đời vợ); người kê khai hồ sơ không xác định được mẹ kế có công nuôi dưỡng liệt sĩ với người có công nuôi dưỡng liệt sĩ (bác nuôi, dì nuôi)...

Cũng có trường hợp hồ sơ liệt sĩ do 2 địa phương khác nhau quản lý nên việc thẩm tra hồ sơ gặp nhiều khó khăn; khi chuyển trả về địa phương thì chính quyền thẩm tra, xác minh không đến nơi đến chốn nên có hồ sơ phải trả nhiều lần.

Để khắc phục trình trạng trên, chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn cụ thể kèm theo hồ sơ để gia đình bổ sung; đồng thời làm việc với các phường, xã có hồ sơ cần bổ sung hướng dẫn xác minh và lập hồ sơ theo quy định. Trong tháng 8 tới, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở Nội vụ trình UBND thành phố đề nghị Ban Thi đua- khen thưởng Trung ương đề nghị Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu cho số mẹ có trong hồ sơ còn lại. Như vậy, năm 2015, Đà Nẵng cơ bản hoàn thành việc phong và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VNAH.

* Xin cảm ơn ông.

Qua 3 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng đã tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ cho gần 17.000 lượt người có công và thân nhân của người có công; mua và cấp gần 5.500 thẻ BHYT cho thân nhân người có công, chủ yếu là con liệt sĩ.

Như vậy đến nay, thành phố có gần 22.000 lượt người có công với cách mạng và thân nhân của họ được hưởng trợ cấp thường xuyên với tổng kinh phí chi trả gần 300 tỷ đồng/năm và có gần 18.000 người được cấp thẻ BHYT. Đà Nẵng cũng đã đề nghị Chủ tịch nước phong và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VNAH cho 1.489 mẹ; trong đó có 199 mẹ được phong tặng và 1.290 mẹ được truy tặng, nâng tổng số mẹ được Nhà nước phong và truy tặng lên 3.088, trong đó có 282 mẹ còn sống. Hiện nay, 282 Bà mẹ VNAH còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng hằng tháng từ 1 triệu đồng trở lên.

KIM NGÂN thực hiện

;
.
.
.
.
.