Sông Hàn không chỉ mang giá trị về địa lý, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái mà còn nặng dấu ấn về văn hóa, lịch sử và tín ngưỡng của một vùng đất vốn là niềm tự hào của người Đà Nẵng. Không quá khi nhìn nhận rằng, chính sông Hàn làm nên giá trị khác biệt và độc đáo của thành phố đầu biển, cuối sông.
Một trong những phương án kiến trúc theo thiết kế của Công ty Jina. (Ảnh từ trang thông tin điện tử Sở Xây dựng) |
Vì vậy, quy hoạch kiến trúc cảnh quan hai bên sông Hàn theo hướng hiện đại hơn dẫu là yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển nhưng cần phải thực hiện thận trọng, cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng sao cho hài hòa giữa sáng tạo trong quy hoạch, kiến trúc xây dựng với việc quý trọng giữ gìn, bảo tồn các giá trị mà thiên nhiên đã ban tặng. Câu chuyện quy hoạch tổng thể cảnh quan hai bên sông Hàn hiện nay đã và đang trở thành vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm đặc biệt không chỉ của dư luận thành phố.
Tạo điểm nhấn kiến trúc mới
Sau khi Sở Xây dựng thành phố đăng tải phương án Quy hoạch tổng thể cảnh quan hai bên bờ sông Hàn do Công ty Tư vấn thiết kế Jina Architects Hàn Quốc (gọi tắt là Công ty Jina) đề xuất ý tưởng trên trang thông tin điện tử của sở (http://www.sxd.danang.gov.vn) và của Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng (http://danangupi.vn), có khá nhiều ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học đăng tải trên các phương tiện báo chí.
Việc đăng tải phương án nêu trên nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố về việc giao Sở Xây dựng tổ chức lấy ý kiến phản biện một cách công khai, rộng rãi, thấu đáo qua các kênh thông tin đại chúng để giới chuyên môn và người dân có thể góp ý quy hoạch tổng thể cảnh quan hai bên bờ sông Hàn trước khi báo cáo Hội đồng Kiến trúc-Quy hoạch của thành phố để có kết luận, trình UBND thành phố phê duyệt.
Trong phương án mà Công ty Jina đưa ra tại buổi họp công bố quy hoạch và lấy ý kiến của giới chuyên môn, các kiến trúc sư... về đồ án quy hoạch hai bên bờ sông Hàn tổ chức chiều 17-7 vừa qua, các ý tưởng kiến trúc dọc hai bên bờ sông Hàn nhằm phát triển trở thành một điểm nhấn đẹp giữa lòng thành phố ở hai phía bờ Đông và bờ Tây.
Nhìn tổng thể, 4 phân khu phát triển theo thiết kế của Jina bao gồm: Công viên sinh thái; khu vực phát triển năng động; công viên trung tâm và khu vực công viên cổng ngõ. Công viên sinh thái (ecology park zone) được quy hoạch từ cầu Trần Thị Lý đến cầu Rồng với không gian xanh rộng lớn. Công viên năng động (dynamic park zone) từ cầu Rồng đến cầu Sông Hàn, được xem là nơi bố trí nhiều công trình tiện ích như sân khấu biểu diễn ngoài trời, các bể bơi nhân tạo ven sông, các công trình thương mại cao cấp, dịch vụ ăn uống, giải trí…
Khu vực công viên trung tâm (central park zone), từ cầu Sông Hàn đến hết khu vực cảng Sông Hàn cũ, với nhiều ý tưởng như tạo những khu đất hình vảy rồng để tăng không gian cây xanh, đào kênh dẫn nước vào khu công viên trên bờ phía bờ Đông, bố trí công viên sóng tại bờ Tây sông Hàn với không gian mở ra đường Bạch Đằng, bố trí cầu cảng du thuyền, những khu vui chơi dành cho giới trẻ, biểu diễn nghệ thuật đường phố, đi bộ… đồng thời vẫn giữ được công năng là địa điểm thực hiện trình diễn pháo hoa quốc tế.
Khu vực công viên cổng ngõ (gate park zone), đoạn từ cảng Sông Hàn cũ đến cầu Thuận Phước, được bố trí một công viên nước kéo dài, thân thiện với môi trường sông nước và là nơi trình diễn các sự kiện nổi trên mặt nước; trong đó điểm nhấn nổi bật là khu đảo nhân tạo nhằm tăng không gian cây xanh, khu vực công cộng.
Tất cả các ý tưởng của dự án đều hướng đến xây dựng một không gian xanh, thư giãn cho tất cả mọi người, là nơi người dân, du khách có thể thoát khỏi thành phố đông đúc để tận hưởng thiên nhiên. Yếu tố thiên nhiên sẽ là yếu tố đặc trưng, tạo nên nét khác biệt của sông Hàn. Các khu vực ven sông sẽ được liên kết thành một khu vực tuần hoàn liên tục với ý tưởng hướng đến việc xây dựng một không gian xanh, để mọi người dân, du khách có thể thư giãn tận hưởng thiên nhiên.
Cần ý kiến phản biện tâm huyết
Tại buổi công bố, nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn đóng góp về đồ án quy hoạch hai bên bờ sông Hàn cho rằng, việc triển khai lấy ý kiến đóng góp của kiến trúc sư, nhà khoa học là điều rất cần thiết và phù hợp. Bởi một công trình công cộng quan trọng, có ý nghĩa to lớn như quy hoạch cảnh quan hai bên sông Hàn luôn thu hút sự quan tâm và dõi theo không chỉ của người Đà Nẵng. Những quyết sách hôm nay sẽ tạo ra sự khác biệt về hình ảnh sông Hàn trong tương lai.
Các ý kiến cho rằng, dù quy hoạch mang nét kiến trúc độc đáo, sáng tạo và hiện đại thế nào đi nữa thì cũng không nên thu hẹp lòng sông Hàn, không nên lấn dòng chảy của sông Hàn mà đến một lúc nào đó nó sẽ trở thành... con kênh Hàn. Bởi nếu làm hẹp dòng chảy sẽ tác động đến yếu tố tự nhiên, gây nên những xung đột khác, trong đó có xung đột tiêu cực về môi trường do nghẽn dòng chảy.
Một kiến trúc sư cho rằng, sông Hàn là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng bởi nét đẹp hiền hòa, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp làm nên nét đẹp “không lẫn vào ai”, góp phần làm nên bản sắc của đất và người Đà Nẵng. Do vậy, dù có sáng tạo đến đâu cũng phải bảo toàn các giá trị tự nhiên, nhất là hạn chế thu hẹp diện tích mặt nước.
Ở một góc độ khác, có nhiều chuyên gia, hiệp hội đề nghị nên mở rộng việc lựa chọn các phương án thiết kế cảnh quan hai bên bờ sông Hàn thành một cuộc thi để tranh thủ lắng nghe các giải pháp kiến trúc đa dạng, phong phú hơn từ các kiến trúc sư, nhà khoa học trong nước và quốc tế, hơn là giao cho một đơn vị thiết kế độc lập thực hiện.
Có thể thấy, những ý kiến góp ý trên là những tâm huyết trách nhiệm và cần thiết, bởi thay đổi kiến trúc cảnh quan hai bên sông Hàn là một việc làm quan trọng, tác động sâu sắc không chỉ đến nhận thức mà còn là tình cảm của người dân Đà Nẵng. Những ý kiến phản biện luôn rất cần không chỉ cho phương án làm đẹp sông Hàn mà hữu ích cho nhiều công trình công cộng khác của Đà Nẵng.
Nhóm PV