Tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương giải tỏa, đền bù, thi đua lao động sản xuất, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội và phong trào giúp nông dân làm giàu, thực hiện an sinh xã hội là những điểm sáng trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại huyện Hòa Vang.
Chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Hòa Vang đã tạo cú hích để nhiều gia đình vươn lên làm giàu. ảnh: Diệu Minh |
Đặc biệt, từ dân vận khéo, nhân dân Hòa Vang đóng góp 375 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới và tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất, tường rào, vật kiến trúc để xây dựng các công trình đã làm cho diện mạo Hòa Vang ngày càng khởi sắc, thay đổi về chất.
Chấp hành chủ trương giải tỏa, xây dựng nông thôn mới
5 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và hội, đoàn thể của huyện Hòa Vang đã lãnh đạo, tổ chức, phối hợp tuyên truyền sâu rộng về các chủ trương phát triển kinh tế của huyện đến cộng đồng dân cư, vận động nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi, chuyển các mô hình phân tán nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất chuyên canh, cải tạo vườn tạp.
Nhiều phong trào thi đua hướng về cơ sở như: xây dựng mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, mô hình “3 trong 1” của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện; phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”; “Thanh niên xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng” và “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”; “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo”; công nhân với phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”… Phong trào thi đua làm kinh tế đã nâng thu nhập trung bình người dân Hòa Vang lên gần 28 triệu đồng/người/năm.
Đặc biệt, người dân tích cực hưởng ứng chủ trương quy hoạch, giải tỏa khi Trung ương, thành phố triển khai 179 dự án, với 15.000 ha đất thu hồi trên địa bàn huyện Hòa Vang. Đã có 5.524 hộ dân thuộc diện giải tỏa, bố trí tái định cư tích cực chấp hành chủ trương nhằm thực hiện đúng tiến độ nhiều dự án trọng điểm về hạ tầng góp phần phát triển của thành phố và huyện Hòa Vang như: đường Nam Hải Vân-Túy Loan, ĐT602, đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, đường Hoàng Văn Thái nối dài, đường vành đai phía Nam, đường Nguyễn Tất Thành nối dài, khu đô thị Quan Nam-Thủy Tú, khu công nghệ cao... Ở lĩnh vực này, “Dân vận khéo” được 11 xã vận dụng thực hiện bằng việc vận động mở rộng kiệt, hẻm, đường làng, ngõ xóm theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Đối với các dự án quy hoạch, tập trung vận động nhân dân không xây dựng nhà trái phép, thực hiện việc giao đất, bàn giao mặt bằng đúng thời gian để thực hiện kịp tiến độ các dự án. Đi liền với đó, huyện đã có nhiều cố gắng trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa như việc làm, đào tạo nghề, an sinh xã hội ở các khu vực giải tỏa...
Dân chủ ở cơ sở được phát huy
Song song phát triển kinh tế, huyện Hòa Vang chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, xóa nhà tạm, sửa chữa nhà chính sách, góp phần tích cực vào chương trình “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có”.
Trong thực hiện Chỉ thị 24CT/TU và Chỉ thị 25-CT/TU của Thành ủy, Hòa Vang đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh, tạo hiệu quả thiết thực, cụ thể, nhất là trong việc giúp đỡ hộ đặc biệt nghèo. Trong 5 năm qua, các cấp, các ngành đầu tư hơn 114 tỷ đồng để thực hiện giảm 8.133 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của Hòa Vang giảm từ 6,3% xuống còn 0,52%.
Huyện xóa 193 nhà tạm, xây dựng mới và sửa chữa 1.405 nhà chính sách, hỗ trợ xây dựng 2.415 nhà vệ sinh tự hoại. Cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, mức độ tiếp cận và hưởng lợi từ các dịch vụ công cộng được nâng lên rõ rệt, nhất là các xã miền núi, các thôn đồng bào dân tộc.
Sau khi huyện thành lập 119 tổ dân vận thôn, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy. Đội ngũ làm công tác dân vận ngày càng sát dân, gắn bó với dân, nắm bắt và kiến nghị giải quyết kịp thời những vướng mắc của nhân dân, nhất là vấn đề liên quan đến chương trình xây dựng nông thôn mới, việc bồi thường, di dời, giải tỏa, bố trí tái định cư các dự án.
Các chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc, tôn giáo được cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nghiêm túc, hoạt động của các tôn giáo tuân thủ đúng pháp luật, quyền tự do tín ngưỡng được bảo đảm, những vấn đề nổi lên có liên quan đến tôn giáo được giải quyết kịp thời, không để phát sinh phức tạp.
Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội của Hòa Vang thường xuyên tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Một khi dân chủ trong hệ thống chính trị được coi trọng và phát huy tốt thì vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận và các đoàn thể được thể hiện rõ nét, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố niềm tin trong nhân dân, tạo sự đoàn kết thống nhất, thực sự là cầu nối quan trọng giữa nhân dân với Đảng và chính quyền.
Diệu Minh