.

Tộc họ góp phần xây dựng nếp sống văn hóa

.

Các tộc họ đã thúc đẩy cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư phát triển, thiết thực góp phần xây dựng nếp sống văn hóa văn minh.

Thi gói bánh tại lễ hội đình làng Túy Loan (xã Hòa Phong).
Thi gói bánh tại lễ hội đình làng Túy Loan (xã Hòa Phong).

Xây dựng nếp sống văn hóa trong quy ước gia tộc

Trên địa bàn huyện Hòa Vang có hơn 300 tộc họ; trong đó, 228 tộc có quy ước gia tộc và trên 200 tộc có quy ước xây dựng tộc họ văn hóa. Trong quy ước của các gia tộc đều có quy định trách nhiệm của con cháu đối với gia đình, tộc họ và xã hội; chú trọng giáo dục đạo lý, thuần phong mỹ tục, ý thức tuân thủ pháp luật và các quy định của chính quyền địa phương.

Quy ước của các gia tộc thể hiện rõ các tiêu chí xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, giáo dục con cháu chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Nhà nước, giữ gìn đạo đức, nhân nghĩa, truyền thống gia tộc và được chính quyền địa phương phê duyệt. Cụ thể như trong quy ước của tộc Nguyễn Văn ở thôn An Trạch (xã Hòa Tiến) nêu rõ: “Gia tộc khuyến khích con cháu giữ gìn tục lệ cổ truyền, tôn trọng tự do tín ngưỡng hoặc không tín ngưỡng của mọi người; kiên quyết bài trừ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, các hành vi trái với luân thường đạo lý và pháp luật..”.

Còn tộc Đinh ở thôn Quá Giáng (xã Hòa Phước) dựa vào hướng dẫn của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, xây dựng quy ước gia tộc với 8 chương, 49 điều và phổ biến cho toàn thể con cháu thực hiện. Tộc Alăng, tộc Trương ở xã miền núi Hòa Bắc quy định con cháu không được khai thác gỗ trái phép, không tiếp tay cho lâm tặc và nêu cao ý thức phòng, chống cháy rừng…

Vai trò và hiệu quả thiết thực

Những năm qua, nhiều tộc họ nêu gương sáng về giáo dục con cháu phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội. Hội đồng gia tộc tộc Ngô ở thôn Cẩm Nê (xã Hòa Tiến) giáo dục con cháu phát huy nền nếp gia phong, xây dựng nếp sống văn minh trong gia tộc, xây dựng tộc họ văn hóa, góp phần xây dựng thôn văn hóa. Theo quy ước của tộc Đỗ Hữu (thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn), nếu con cháu sai, trước hết Hội đồng gia tộc tự giải quyết, lần thứ hai sẽ mời đoàn thể giáo dục. Nếu qua hai bước này vẫn không tiến bộ thì mới đến chính quyền giải quyết.

Các tộc họ ở Hòa Vang đã giáo dục, cảm hóa thành công hàng trăm trường hợp vi phạm và tạo điều kiện giúp đỡ người lầm lỗi ổn định cuộc sống. Nhiều tộc họ giải quyết tốt những vụ việc trong tộc mình, không để chuyển lên chính quyền. Đặc biệt, công tác khuyến học và giúp nhau vượt khó vươn lên là hai lĩnh vực được các tộc họ rất chú trọng. Hội đồng gia tộc tộc Nguyễn Văn ở thôn Xuân Phú (xã Hòa Sơn) tích cực vận động con cháu đóng góp quỹ khuyến học và quy định cụ thể mức khen thưởng cho học sinh giỏi ở từng bậc học. Tộc Lâm ở xã Hòa Phong, tộc Phan ở xã Hòa Tiến năm nào cũng mời con cháu làm ăn thành đạt ở các nơi về họp tộc, kêu gọi những người này tạo việc làm cho con cháu trong tộc và vận động quỹ khuyến học để hỗ trợ những học sinh nghèo khó.

Trên quê hương vành đai diệt Mỹ, các tộc họ tích cực vận động quỹ khuyến học và tổ chức nhiều hình thức khuyến học, khuyến tài. Hằng năm, các tộc họ tổ chức lễ phát thưởng học sinh giỏi, có tác dụng thiết thực trong việc động viên con cháu ra sức thi đua học tập. “Các tộc họ đã thúc đẩy cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư phát triển, thiết thực góp phần xây dựng nếp sống văn hóa văn minh và vun đắp tình làng nghĩa xóm”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang Nguyễn Hơn chia sẻ.    

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.