Tối 21-7, Đội Cảnh sát giao thông đường thủy (Phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng) tổ chức ra quân tuần tra, mật phục bắt nóng nạn hút trộm cát trên sông, mà dân gian thường gọi là sa tặc.
Trên từng đoạn sông vắng, Trung tá Hiệp (phải) luôn pha đèn pin để phát hiện mục tiêu. |
Tuần tra trên sông
Thực hiện kế hoạch truy quét “sa tặc” của Phòng CSGT, lực lượng CSGT đường thủy bí mật mọi hành động đến phút cuối cùng. 21 giờ 30, tổ làm nhiệm vụ xuất phát thì 21 giờ chúng tôi mới nhận được điện thoại của đơn vị để lên đường. Khi có mặt tại trụ sở đơn vị, 6 cán bộ, chiến sĩ do Trung tá Ngô Văn Hiệp, Đội phó Đội CSGT đường thủy chỉ huy đã chỉnh tề quân phục, vũ khí, áo phao, đèn pin, các giấy tờ biên bản phục vụ cho quá trình làm nhiệm vụ. Đúng giờ, cả tổ lên ca-nô nổ máy hướng về dòng sông Vĩnh Điện – nơi “sa tặc” thường lộng hành.
Trời tối, nhưng để đảm bảo bí mật, các anh không được bật đèn. Đến đoạn sông vắng, rộng, địa bàn giáp ranh giữa 2 phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) và Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), tổ dừng lại quan sát. Trung tá Hiệp cho biết: “Đây là đoạn sông mà “sa tặc” hay tổ chức hút cát; bởi ở đây cát nhiều, sông vắng, không có nhà dân nên không sợ bị phát hiện”.
Không có động tĩnh, Trung úy Trần Quốc Anh nổ máy cho ca-nô chạy về hướng xã Hòa Phước. Trên từng đoạn sông vắng, nhiều luồng cây rậm, Trung tá Ngô Văn Hiệp và Thượng tá Võ Huy Trinh liên tục pha đèn pin quan sát.
“Các chủ phương tiện “sa tặc” rất tinh quái, nếu phát hiện có lực lượng tuần tra thường cho ghe hút cát dạt vào các luồng cây rậm rạp để trốn. Khi đã an toàn, họ mới ra hút. Vì vậy những đoạn sông này anh em làm nhiệm vụ đều phải xem xét kỹ”, Thượng tá Trinh nói. Dọc hai bên bờ sông, thỉnh thoảng đèn pha phát hiện những ghe nhỏ, nhưng theo con mắt nghề nghiệp của các anh thì đó là ghe thả lưới của người dân.
Đến 24 giờ, chiếc ca-nô đưa tổ làm nhiệm vụ đến sát cầu Tứ Câu. Những đoạn đường đi qua, không một mục tiêu nào được bỏ sót. Nguy hiểm nhất là lái ca-nô không bật đèn, nhiều lần ca-nô suýt va phải cọc tiêu dưới lòng sông. Hết địa phận Đà Nẵng, chiếc ca-nô từ từ quay đầu trở ra.
Đến đoạn sông vắng, nghi nhiều thuyền hút cát trộm hoạt động, tổ cho ca-nô dừng sát bên luồng cây rộng để mật phục. Dòng sông lặng ngắt, không một bóng đèn, không một tiếng động cơ máy móc của tàu thuyền đang hoạt động. Hơn 1 giờ trôi qua, sông vẫn yên ắng.
Trung tá Hiệp ra lệnh cho Trung úy Quốc Anh nổ máy, tiếp tục đến sát địa bàn phường Hòa Quý. Vẫn không có gì khác thường, tổ công tác cho ca-nô tuần tra dọc tuyến sông theo hướng về Đà Nẵng; sau đó chạy dọc tuyến sông Cẩm Lệ lên đến tận cầu Đỏ rồi quay về đơn vị. Lúc đó, kim đồng hồ chỉ 3 giờ 30 sáng.
Khó bắt “sa tặc”
Thực tế cho thấy, thời gian qua, công tác truy quét các đối tượng hút trộm cát trên sông được các lực lượng chức năng triển khai khá quyết liệt. Tuy nhiên, kết quả đem lại không cao, số lượng bị bắt giữ ít trong khi “sa tặc” vẫn lén lút khai thác trên các sông, gây sạt lở, lãng phí nguồn tài nguyên của thành phố. Vậy nguyên nhân bắt nguồn từ đâu? Trong đêm thực tế với Đội CSGT đường thủy, được các anh chia sẻ mới thấy việc truy quét, vây bắt “sa tặc” là không dễ dàng chút nào, đòi hỏi phải kiên trì, nhẫn nại.
Theo Trung tá Ngô Văn Hiệp, chủ phương tiện hút trộm cát hết sức tinh vi. Hầu như chúng có “chân rết” để theo dõi động tĩnh của các lực lượng chức năng. Vì vậy, mỗi lần ra quân xử lý, lực lượng bí mật đến phút cuối cùng, kể cả với cán bộ, chiến sĩ đi làm nhiệm vụ. “Một số thuyền nan nhỏ đi lại trên sông cũng là “chân rết” cho bọn “sa tặc”. Do vậy, mỗi lần ra quân mình đã dùng hết tất cả các biện pháp nghiệp vụ nhưng khó phát hiện để bắt giữ”, Trung tá Hiệp bày tỏ.
Một cán bộ chiến sĩ tâm sự rằng, muốn bắt được “sa tặc” thì phải kiên trì, phải có người nằm vùng. Tuy nhiên, đây là một việc cực kỳ khó, vì không thể đêm nào cũng nằm vùng như vậy được; mà “sa tặc” chỉ chờ khi không có động tĩnh gì mới hành động. Khi phát hiện lực lượng chức năng, chúng rất manh động và liều lĩnh, có khi chống trả lại lực lượng nếu bị truy đuổi. Còn ở những vùng giáp ranh thì chúng nổ máy chạy qua địa bàn tỉnh Quảng Nam, khó trong việc truy bắt, xử lý.
Được biết, từ đầu năm đến nay, thực hiện kế hoạch tuần tra, truy bắt “sa tặc” trên sông, Đội CSGT đường thủy đã triển khai nhiều đợt “truy quét”; tuy nhiên, chỉ bắt được 1 trường hợp trên sông Cẩm Lệ và xử phạt 20 triệu đồng. “Tuy khó khăn, song thời gian tới, đội sẽ tiếp tục nhiệm vụ. Dù không bắt được trường hợp nào, nhưng qua những đợt mật phục, tuần tra, truy quét đã hạn chế được tình trạng khai thác cát trái phép trên các sông, góp phần ổn định đời sống xã hội, môi trường và sản xuất nông nghiệp của bà con nhân dân”, Trung tá Ngô Văn Hiệp tâm sự.
Trộm cát ở chân núi Thổ Sơn Vừa qua, người dân phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) phản ánh bức xúc đến các cơ quan thành phố về tình trạng lén lút khai thác cát ở chân núi Thổ Sơn đoạn giáp Tịnh thất Giác Hoàng Viên thuộc địa bàn tổ 36. Theo phản ánh, việc khai thác cát trộm ở cồn cát thuộc địa bàn tổ 36 đã diễn ra 10 năm nay vào lúc rạng sáng hoặc chập choạng tối. Thỉnh thoảng, lực lượng công an, dân phòng đến kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng trộm cát vẫn xảy ra. Theo ghi nhận tại hiện trường của phóng viên, cồn cát này bị xúc trộm đã lâu, để lại nhiều hố sâu, nham nhở, có đoạn đào sâu đến khuôn viên và đường đi vào Tịnh thất Giác Hoàng Viên. Cồn cát rộng hơn 1.000m2 có trữ lượng lớn cát hạt to, thích hợp làm vật liệu xây dựng. Một số người dân cho rằng, cồn cát này lâu nay địa phương không cho khai thác nữa, khi thấy người đến khai thác thì có đơn vị quân đội đóng chân gần đó đến nhắc nhở, xua đuổi. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có một số người kéo xe bò hoặc xe tải nhẹ đến xúc trộm cát. Đại úy Phùng Thảnh, Phó trưởng Công an phường Hòa Hải cho biết: “Vừa qua, tại buổi họp giao ban công tác quý 2, cán bộ khu dân cư đã phản ánh tình trạng này, chủ yếu do người dân khu vực xung quanh khai thác một ít về xây, sửa nhà, công trình. Nhưng cũng đã có một số đối tượng sa tặc đến khai thác hoặc đang chờ cơ hội để trộm cát. Công an phường đã báo cáo và Công an quận chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp với Công an phường tuần tra, phục bắt, không để xảy ra trộm cát”. Trong khi đó, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, ngày 19-6-2015, UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND về công tác quản lý bảo vệ tài nguyên môi trường khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn Đà Nẵng. Theo đó, trách nhiệm thanh tra, kiểm tra xử lý các trường hợp nói trên thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các quận, huyện. Sở cũng đã đề nghị các đơn vị tiếp nhận thông tin phản ánh chuyển thông tin cho UBND quận Ngũ Hành Sơn để xử lý. HOÀNG HIỆP |
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ