Chiều 29-7, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Thủ tướng Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (Anh) David Cameron đang ở thăm chính thức Việt Nam. Thủ tướng David Cameron đã khẳng định: Chính phủ Anh coi trọng quan hệ với Việt Nam, xem Việt Nam là một đối tác quan trọng trong khu vực
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Anh David Cameron thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Tại buổi tiếp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng gặp lại Thủ tướng David Cameron, đồng thời cho rằng chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Thủ tướng Anh là dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 42 năm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá tích cực sự phát triển năng động của quan hệ Việt Nam - Anh trong thời gian qua, nhất là từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào tháng 9-2010. Tổng Bí thư bày tỏ mong muốn chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Anh sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực của quan hệ Đối tác chiến lược; trong đó có quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các chính đảng của Anh, các hoạt động thương mại - đầu tư, hợp tác về giáo dục - đào tạo.
Tổng Bí thư cảm ơn Anh đã hỗ trợ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, hội nhập quốc tế của Việt Nam; đánh giá cao và mong muốn Anh tiếp tục có tiếng nói tích cực đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới.
Thủ tướng David Cameron bày tỏ ấn tượng về sự đón tiếp của Nhà nước, Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam. Ông khẳng định Chính phủ Anh sẽ nỗ lực thúc đẩy các cam kết với Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên theo tinh thần Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.
Anh duy trì hỗ trợ Việt Nam thông qua tổ chức quốc tế
Cùng ngày, tiếp Thủ tướng Anh David Cameron, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tin tưởng khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký kết giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Anh sẽ chuyển biến tích cực. Kim ngạch song phương hai nước sẽ tăng trưởng tương xứng với tiềm năng.
Thủ tướng David Cameron nhấn mạnh, Hiệp định FTA giữa EU và Việt Nam có ảnh hưởng quan trọng trong việc củng cố quan hệ thương mại của Anh với Việt Nam. Theo ông David Cameron, một trong những thành công của Việt Nam là tạo được môi trường ổn định để các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; đồng thời hy vọng hai bên sẽ tăng cường hợp tác và đạt được nhiều thỏa thuận hơn nữa để thu hút đầu tư. Nhà lãnh đạo Anh cam kết duy trì sự hỗ trợ thông qua các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới để giúp đỡ Việt Nam.
Giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình
Cũng trong ngày 29-7, tại cuộc hội đàm sau lễ đón chính thức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chào mừng Thủ tướng David Cameron sang thăm Việt Nam đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 5 năm thiết lập Đối tác chiến lược Việt Nam - Anh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với Anh và bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sẽ tạo xung lực mới, đưa quan hệ hợp tác hai nước lên tầm cao mới.
Trong khi đó, Thủ tướng David Cameron đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế cũng như những nỗ lực trở thành nền kinh tế thị trường. Hai bên khẳng định hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược và nhất trí khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước tăng cường tiếp xúc, tìm hiểu hiểu thị trường, kết nối hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và nhu cầu như: cơ sở hạ tầng, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, dầu khí, tăng trưởng xanh thông qua các hình thức hợp tác như đầu tư trực tiếp, liên doanh và đối tác công - tư.
Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo; nhất trí thúc đẩy việc triển khai hiệu quả hoạt động của Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt - Anh, hướng tới thành lập trường Đại học Việt - Anh tiêu chuẩn quốc tế tại Đà Nẵng.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng gần đây ở Biển Đông, đặc biệt là các hoạt động trên quy mô lớn xây dựng, mở rộng, thay đổi nguyên trạng các bãi đá ngầm ở Biển Đông, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải tại khu vực. Hai bên nhấn mạnh lập trường chung về việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ tại khu vực bằng các biện pháp hòa bình, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phấn đấu sớm có Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
TTXVN