Đối với công trình xây dựng trái phép của ông Ngô Văn Quang ở khu vực đồi Chim Chim, thuộc tiểu khu 11, Rừng đặc dụng Nam Hải Vân (ĐDNHV), hiện nay, có hai luồng dư luận về vấn đề xử lý.
Hiện khu “biệt phủ” xây dựng trái phép hoành tráng của “đại gia” Ngô Văn Quang vẫn đứng hiên ngang giữa đất trời như một sự thách thức tính nghiêm minh của pháp luật. Ảnh: NHẬT ANH |
Cụ thể, một luồng ý kiến bày tỏ quan điểm phạt hành chính và cho tồn tại vì tháo dỡ sẽ lãng phí tài sản rất lớn của xã hội; luồng ý kiến khác đề nghị các cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng phải thực hiện nghiêm việc tháo dỡ để giữ gìn kỷ cương phép nước, nếu không người dân sẽ mất niềm tin vào pháp luật.
Sau khi vụ xây dựng trái phép biệt phủ ở khu vực đồi Chim Chim bị báo chí phanh phui, từ đầu năm 2015, ông Ngô Văn Quang có nhiều đơn xin cứu xét gửi lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành, lãnh đạo quận Liên Chiểu, phường Hòa Hiệp Bắc, các cơ quan thông tin đại chúng với lời lẽ cầu thị, khác hẳn với thái độ phớt lờ, bất hợp tác với các cơ quan chức năng những năm trước đây trong việc xử lý sai phạm của chính bản thân mình.
Trong đơn, ông Quang xin thực hiện việc nộp tiền xử phạt hành chính, cam kết nộp một khoản tiền để tái tạo rừng, trồng rừng theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước và một lần nữa xin được đầu tư một khu du lịch sinh thái phù hợp với việc bảo vệ môi trường.
Ông Quang bày tỏ “xin chấp hành quy định của quý cấp, lập thủ tục chuyển đổi mục đích khu đất, nộp tiền sử dụng đất, lập thủ tục đầu tư đúng quy định, trình thành phố phê duyệt, quy hoạch để tiếp tục đầu tư khu du lịch sinh thái, vừa phục vụ nhân dân, vừa giải quyết lao động và đóng góp kinh tế địa phương theo đúng quy định tại Luật Đầu tư hiện hành”.
Có lẽ đồng ý với đề nghị của ông Quang và trước công trình đồ sộ với tổng vốn đầu tư lên đến 100 tỷ đồng này mà một số cơ quan như Chi cục Kiểm lâm thành phố, lãnh đạo phường Hòa Hiệp Bắc, Văn phòng UBND quận Liên Chiểu… đề xuất phương án phạt và cho tồn tại.
Đơn cử, trong báo cáo của Chi cục Kiểm lâm thành phố gửi UBND quận Liên Chiểu ngày 26-1-2014, phần đề nghị xử lý viết: Sau khi có quyết định và thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính, đề nghị UBND quận Liên Chiểu và các ngành chức năng xem xét phần diện tích phù hợp với quy hoạch tại khu vực đồi Chim Chim thì có thể cho phép lập hồ sơ dự án du lịch sinh thái…
Dư luận khó hiểu về cách xử lý “nước đôi” của ngành Kiểm lâm vì trong các biên bản xử phạt vi phạm thời gian dài trước đó, ngành Kiểm lâm cùng địa phương luôn tỏ thái độ kiên quyết, mạnh mẽ về những sai phạm của ông Quang trong quá trình xây dựng biệt phủ.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận thẳng thắn về mặt lý rằng, 3ha đất rừng đặc dụng mà ông Quang xây dựng biệt phủ tại đồi Chim Chim là do chuyển nhượng bất hợp pháp mà có. Danh chính ngôn thuận, chủ khu đất này trên giấy tờ là của ông Phan Như Thạch chứ không phải của ông Ngô Văn Quang. Việc ông Quang xây dựng trái phép trên đất chuyển nhượng trái phép là lỗi nghiêm trọng.
Trong báo cáo số 34/BC-STNMT của Sở Tài Nguyên-Môi trường gửi UBND thành phố, hành vi tự ý chuyển nhượng đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất và vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với hộ ông Phan Như Thạch và hộ ông Ngô Văn Quang là vi phạm liên tục có hệ thống, nhiều lần. Chấp nhận đơn cứu xét của ông Ngô Văn Quang là phương hại nghiêm trọng đến tính nghiêm minh của pháp luật.
Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều đại biểu quốc hội, đông đảo bạn đọc bất bình trước thái độ coi thường pháp luật trong quá trình xây dựng biệt phủ trái phép của ông Ngô Văn Quang; có ý kiến yêu cầu ông Quang tháo dỡ công trình này.
Đó là hành xử duy nhất để giữ nghiêm phép nước.
Về góc độ thực thi pháp luật, ngày 10-6, trao đổi với chúng tôi, Luật sư Đỗ Pháp (Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp) cho rằng, về mặt luật pháp, khi đã có quyết định xử lý của cơ quan Nhà nước thì tổ chức hay cá nhân vi phạm phải chấp hành. Mọi công dân phải bình đẳng trước pháp luật. Trong câu chuyện xây dựng trái phép dưới chân núi Hải Vân, cả hai trường hợp ông Thạch và ông Quang đều có hành vi vi phạm là xây dựng công trình trái phép.
Nhưng trường hợp ông Thạch vi phạm đã bị xử lý, gia đình ông đã tháo dỡ công trình, thì ông Quang vi phạm cũng bị xử lý như vậy. Sau khi UBND quận Liên Chiểu ban hành quyết định xử lý, thì cứ theo quyết định này mà thi hành. Vì thế, không thể để xảy ra chuyện cùng hành vi vi phạm, nhưng bên thì bị xử lý nghiêm, bên xử lý không nghiêm.
Đồng tình với ý kiến của luật sư, sau khi xem hình ảnh các hạng mục công trình bên trong khu biệt phủ của ông Ngô Văn Quang, anh Phạm Văn Sỹ, kỹ sư xây dựng làm việc tại một công ty xây dựng trên địa bàn quận Liên Chiểu cho rằng, với kết cấu các hạng mục công trình nhà rường này chủ yếu được xây dựng theo phương thức lắp ghép, nên việc tháo dỡ sẽ không mấy khó khăn, cũng như thiệt hại không nhiều đối với chủ đầu tư. Bởi tất cả các vật liệu như gỗ, ngói… đều có thể tháo dỡ dễ dàng, tận dụng lại được. Vấn đề là các cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng có cương quyết hay không?
TƯỜNG VY - NHẬT ANH