Họ là những người luôn sẻ chia với những phận đời, kết nối các nhà hảo tâm hỗ trợ. Họ thường được gọi vui là những người “vác tù và hàng tổng” bởi cứ đi hô hào vận động, can thiệp từ nơi này đến nơi khác. Đó là những cán bộ làm công tác xã hội (CTXH) ở các phường, xã tại Đà Nẵng.
Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng khảo sát để hỗ trợ trẻ khuyết tật. |
Cho đi và nhận lại
Bé Bi (10 tháng tuổi, ở quận Ngũ Hành Sơn) bị sốt 4 ngày và không qua khỏi. Em nằm im lìm trên chiếc giường trải ga trắng toát, mặc cho mẹ ngã gục bên chân giường. Em ra đi mang theo cả bầu trời của mẹ và sự sống của ba… Bên cạnh em lúc này không chỉ có những người thân mà còn có cả cán bộ CTXH. “Nỗi đau của người mẹ khi mất con thật quá sức chịu đựng.
Sự hỗ trợ, giúp đỡ đối với chị lúc này đơn giản chỉ là sự thấu hiểu, im lặng, lắng nghe và chia sẻ”, chị Nguyễn Thị Vân Thư, cán bộ gia đình và trẻ em ở phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) nói về trường hợp người mẹ trẻ bị mất con được chị giúp đỡ để vượt qua cú sốc về tâm lý.
Còn chị Lê Thị Tuyết Nhung, cán bộ gia đình, trẻ em ở phường Bình Thuận (quận Hải Châu), người có “thâm niên” nghề CTXH gần 10 năm, nhớ mãi trường hợp một gia đình được chị giúp đỡ. Người cha mất sớm, mẹ rơi vào vòng lao lý nên 3 em nhỏ phải sống trong sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Chị đã đến và sẻ chia với các em, khi thì tấm bánh, lúc là bữa ăn sáng, lúc chỉ là những nụ cười động viên. Chính chị đã kết nối thêm nhiều người cùng giúp đỡ các em.
Đến nay, cả ba em đều đi học và học rất khá. Bây giờ, mỗi ngày chị vẫn xuống từng khu phố để tìm hiểu về cuộc sống của các hộ gia đình trên địa bàn. Khi phát hiện các em có hoàn cảnh khó khăn, chị tìm các suất học bổng từ những tổ chức như: Holt, Hội SEAR…, cũng như từ các mạnh thường quân khác để giúp đỡ. “Tôi cảm thấy mình đã nhận được rất nhiều, đó là niềm vui khi mang lại hạnh phúc cho những mảnh đời kém may mắn”, chị Nhung thổ lộ.
Không chỉ là từ thiện
Nghề nào cũng có những khó khăn nhất định và đôi khi gặp sự cố. Đối với những người làm nghề CTXH, ngoài trái tim yêu thương, cần có bản lĩnh và những kỹ năng nhất định. “Khi đến gặp từng gia đình để nắm tình hình, có gia đình vui vẻ chào đón nhưng cũng có những gia đình không hài lòng và không hợp tác vì họ chưa hiểu hết công việc mình làm, cũng như chưa hiểu rằng những trẻ khuyết tật như con của họ cần sự hỗ trợ của xã hội như thế nào”, chị Lê Thị Mỹ Lệ, cán bộ phụ trách gia đình trẻ em phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) bày tỏ.
Khó khăn là vậy nhưng chị Lệ cho biết, chính vì đi nhiều, tiếp xúc nhiều nên chị càng có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm trong công tác quản lý trẻ và ngày càng giúp được nhiều trẻ hơn. Vừa qua, phường Khuê Trung có 31 trẻ khuyết tật được dự án COV chăm sóc trong 3 năm và được đánh giá là một trong những địa phương hỗ trợ tốt cho trẻ em khó khăn.
Còn theo chị Lê Thị Mỹ Hạnh, cán bộ gia đình trẻ em ở phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê), nhân viên CTXH không chỉ là người làm từ thiện mà còn kết nối, tư vấn, định hướng cho người cần trợ giúp. Đồng thời, người làm CTXH phải biết những kỹ thuật giải quyết vấn đề và xây dựng kế hoạch trợ giúp phù hợp. “Trong quá trình giải quyết vấn đề, phải hướng dẫn đối tượng những kỹ năng tự giải quyết để họ có thể tự mình tháo gỡ vướng mắc”, chị Hạnh cho biết. Cũng theo chị Hạnh, nguyên tắc đạo đức đầu tiên để theo nghề là sự vô tư, không vụ lợi trong công việc.
Bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm) cho biết, ngoài hơn 10 cán bộ, nhân viên Trung tâm, hiện Đà Nẵng có gần 200 cộng tác viên ở phường, xã, quận, huyện. Họ là cán bộ các ngành LĐ-TB&XH, y tế, giáo dục tại cộng đồng. Hiện nay, ngoài phụ cấp lương do ngân sách chi trả không nhiều thì họ làm cộng tác viên của Trung tâm chủ yếu bởi lòng nhiệt tình, chứ không có thù lao. Theo bà Hoa, cần có sự hỗ trợ cho họ để nghề CTXH trở thành cầu nối và trợ giúp những đối tượng yếu thế tiếp cận, thụ hưởng các chương trình, chính sách của thành phố, nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Bài và ảnh: K.NGÂN - M.HOA