.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đối thoại với dân:

Bảo đảm quyền lợi cho người dân

.

Sáng 31-7, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi đối thoại với các hộ dân có nội dung khiếu nại, kiến nghị liên quan đến đền bù, giải tỏa đất đai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Với các chính sách giải tỏa, đền bù hợp lý và sự đồng thuận của nhân dân, không gian đô thị ngày càng mở rộng và khang trang.  Trong ảnh: Một góc khu đô thị mới ở quận Cẩm Lệ.  							                  Ảnh: Văn Nở
Với các chính sách giải tỏa, đền bù hợp lý và sự đồng thuận của nhân dân, không gian đô thị ngày càng mở rộng và khang trang. Trong ảnh: Một góc khu đô thị mới ở quận Cẩm Lệ. Ảnh: Văn Nở

Tại buổi đối thoại, bà Trương Thị Thủy (trú tổ 19, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) ủy quyền cho cha mình là ông Trương Văn Ngò khiếu nại về việc cưỡng chế thu hồi 304m2 đất và xử phạt vi phạm hành chính để thực hiện dự án Khu công nghiệp Thủy sản Thọ Quang.

Theo giải quyết trước đó, gia đình bà Thủy đã được thành phố hỗ trợ 60% đất ở của 304m2 đất và được đền bù 2 lô đất đường 7,5m và 10,5m. Ông Trương Văn Ngò đề nghị lãnh đạo UBND thành phố chỉ đạo UBND quận Sơn Trà trả lại tài sản tịch thu khi cưỡng chế; đồng thời, quan tâm giúp đỡ hoàn cảnh bà Thủy mua thêm 1 lô đất đường 7,5m.

Sau khi xem xét hồ sơ vụ việc và ý kiến trình bày của gia đình bà Thủy, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho rằng, mặc dù nguồn gốc đất của bà Thủy không phải là đất ở, chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng thành phố đã giải quyết bố trí 2 lô đất tái định cư và hỗ trợ 60% đất ở của 304m2 cho gia đình bà Thủy là quá thỏa đáng và thấu tình đạt lý.

Đặc biệt, cách xử lý như vậy là đã có quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn của bà Thủy, do đó, Chủ tịch UBND thành phố không đồng ý với nội dung khiếu nại của bà Thủy và chấp nhận chấm dứt việc khiếu nại tại đây. Được biết, bà Thủy ly hôn và nuôi 4 người con. Sau khi ly hôn, Tòa án giải quyết phân chia tài sản cho bà Thủy 1 lô đất và chồng bà 1 lô.

Đối với trường hợp của bà Phan Thị Ngoan (91 tuổi, trú tại K10/6 Nguyễn Trường Tộ), ủy quyền cho con trai là ông Dương Văn Nguyện kiến nghị yêu cầu bồi thường thiệt hại liên quan đến thửa đất Nhà Văn hóa Định Thọ, phường Nam Dương, quận Hải Châu; Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho rằng, việc thành phố giải quyết như vậy cơ bản là đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, xét về tình, do bà Ngoan là người đã có nhiều đóng góp cho địa phương như hiến đất xây dựng chùa Từ Tôn, nhà văn hóa phường, lại thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng và có hoàn cảnh khó khăn, đau yếu nên Chủ tịch UBND thành phố quyết định xem xét cho mua 1 lô đất đường 10,5m khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ theo giá tái định cư thay vì hỗ trợ tài chính.

Theo hồ sơ, căn nguyên của thửa đất dùng để xây dựng Nhà Văn hóa Định Thọ là do gia đình bà Ngoan tự nguyện để chùa Từ Tôn quản lý, sử dụng từ trước năm 1975. Sau đó, chùa Từ Tôn đồng ý cho HTX Mành trúc Nam Dương sử dụng để làm phân xưởng sản xuất.

Đến năm 2003, sau khi HTX này giải thể, UBND phường Nam Dương tổ chức họp bàn lấy ý kiến và đi đến thống nhất việc cho xây dựng Nhà Văn hóa Định Thọ trên nền đất này để làm nơi sinh hoạt chung, phục vụ lợi ích của nhân dân trong khu vực; trong đó có ý kiến đồng ý của bà Ngoan với tư cách là thành viên Ban đại diện chùa. Từ đó cho đến thời điểm giải tỏa, hộ bà Ngoan không có ý kiến gì về việc sử dụng khu đất nói trên.

Theo sổ mục kê được lập ngày 21-6-2004, được Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận ngày 25-6-2004, khu đất trên thuộc thửa 123, tờ bản đồ số 4, diện tích 606m2 do chùa Từ Tôn đứng tên. Trên thực tế, gia đình bà Ngoan không thực hiện việc quản lý, kê khai và sử dụng đối với phần diện tích đất này. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án đường Nguyễn Văn Linh nối dài, UBND quận Hải Châu ban hành quyết định phê duyệt tính pháp lý về nhà đất đối với 40 trường hợp diện giải tỏa, trong đó có phần diện tích đất của Nhà Văn hóa Định Thọ.

Do không đồng ý với việc thành phố không bồi thường phần diện tích đất của Nhà Văn hóa Định Thọ cho gia đình nên bà Ngoan đã làm đơn gửi đến UBND thành phố kiến nghị giải quyết và thành phố đã có công văn trả lời đơn của bà là không có cơ sở để giải quyết.

Hộ ông Trần Điền, trú số 15 đường Phan Khôi, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ khiếu nại về việc phê duyệt tính pháp lý về nhà, đất, vật kiến trúc, cây cối hoa màu và yêu cầu bồi thường về đất ở với diện tích 765m2 thuộc diện giải tỏa Dự án khu liên hợp Thể dục thể thao Hòa Xuân, Trạm xử lý nước thải và khu tái định cư.

Theo hồ sơ vụ việc, nguồn gốc đất của ông Điền do chuyển nhượng lại từ bà Xê. Đến năm 1995, UBND huyện Hòa Vang cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông với diện tích 765m2 thổ cư (không ghi rõ diện tích đất ở).

Do đó, theo quy định tại Quyết định 08 ngày 28-2-2008 của UBND thành phố về việc Quy định hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở đối với thửa đất ở có vườn, ao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố thì diện tích đất ở được công nhận của ông Điền là 400m2. Vì vậy, UBND quận Cẩm Lệ đã giải quyết bồi thường cho ông Điền là 100% giá đất ở cho diện tích 400m2, bồi thường theo giá đất khuôn viên cho diện tích 365m2.

Sau khi đối chiếu với một số trường hợp tương tự trên địa bàn phường Hòa Xuân, cộng với hoàn cảnh gia đình ông Điền khó khăn do không có công ăn việc làm ổn định, Chủ tịch UBND thành phố quyết định hỗ trợ thêm cho ông Điền 1 lô đất đường 5,5m. Như vậy, cùng với 2 lô đất được đền bù trước đó (gồm 1 lô đường 10,5m và 1 lô đường 7,5m), thì ông Điền được đền bù tổng cộng 3 lô đất. Với kết quả giải quyết này, ông Điền đã đồng ý chấm dứt khiếu nại.

Cũng tại buổi đối thoại, ông Trần Điền được ông Trần Viết Thiện ủy quyền khiếu nại về việc phê duyệt tính pháp lý về nhà, đất, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu và yêu cầu bồi thường theo giá đất ở với diện tích 910m2. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, việc bồi thường, hỗ trợ của thành phố đối với ông Thiện là đúng quy định nên không chấp nhận đơn khiếu nại của ông.

Nâng cao hiệu quả tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Ban Thường vụ Thành ủy vừa ban hành Công văn số 2127-CV/TU yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Chỉ thị 35-CT/TW nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Theo đó, cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát; khắc phục kịp thời những sơ hở, yếu kém trong thực thi công vụ. Người đứng đầu phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác này trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách; chú trọng tiếp công dân tại cơ sở; chủ động đối thoại, vận động, thuyết phục công dân để giải quyết, tháo gỡ thấu đáo, triệt để khiếu kiện bức xúc của nhân dân ngay từ cơ sở. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, tòa án, công an nâng cao trách nhiệm trong việc chủ trì, phối hợp xử lý theo thẩm quyền, giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài; khắc phục tình trạng chuyển đơn lòng vòng, không rõ trách nhiệm…

Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp làm tốt vai trò đại diện, quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, đoàn viên; đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, giải thích, thuyết phục công dân chấp hành các quyết định giải quyết khiếu nại và kết luận, quyết định xử lý tố cáo đã được xác định là đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước...

B.T

Xuyến Chi

;
.
.
.
.
.