.
Chuyện tổ, chuyện thôn

Mô hình "3 không" ở Phò Nam

“Văn hóa” tang ma vốn ăn sâu vào tâm thức dân gian lâu nay, đặc biệt là miền núi. Đó là tiếng nhạc ai oán rả rích thâu đêm, là đĩa hạt dưa, là điếu thuốc lá mời khách đến thăm viếng, là chén rượu chia buồn với gia quyến...

Thay đổi nếp nghĩ trên bởi nó cũ và không còn phù hợp với đời sống văn hóa mới, mô hình “3 không” ở thôn Phò Nam (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) không chỉ thực hiện thành công mà còn được áp dụng tại 6 thôn còn lại trong xã. “3 không” bao gồm: không dàn nhạc; không rượu bia, thuốc lá; không hạt dưa.

Ông Hồ Phú Sâm, trưởng thôn Phò Nam, cho biết khi thôn được chọn làm điểm mô hình, ban lãnh đạo thôn và các hội, đoàn thể gặp không ít áp lực. Thay đổi cách nghĩ của người dân, nhất là với người dân miền núi thì khó khăn càng gấp bội nên công tác tuyên truyền được chú trọng thực hiện tại các cuộc họp thôn.

Sau đó, mỗi hộ gia đình có bản cam kết về việc thực hiện mô hình theo tinh thần Chỉ thị 43 của Thành ủy về “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”; trong đó mô hình “3 không” được lồng ghép và là điểm nhấn. “Đây là mô hình vận động, không bắt buộc đối với người dân.

Do đó, việc tuyên truyền rất quan trọng. Ban đầu, trong thôn có đám, đại diện thôn, các chi hội, đoàn thể tập trung đến nhà gặp chủ tang lễ để nói chuyện, phân tích những lợi ích thiết thực khi áp dụng mô hình. Những cái cũ đã lạc hậu phải bỏ đi. Ban đầu thì không dễ thuyết phục, nhưng rồi họ cũng suy nghĩ, áp dụng và thấy được cái lợi thực sự nên trường hợp đầu tiên xem như thành công. Cứ thế, các đám khác, như có “hiệu ứng dây chuyền”, lấy đám đầu làm gương nên sức thuyết phục rất cao. Thế là thành công”, ông Sâm cho biết.

Thực hiện từ đầu năm 2015, đến nay trong thôn Phò Nam có 3 đám tang thì mô hình “3 không” đều được áp dụng thành công. “Đầu xuôi, đuôi lọt”, mọi người trong thôn hiện nhận thức rõ lợi ích thiết thực từ khi thực hiện mô hình “3 không” nên ban lãnh đạo thôn không còn vất vả nhiều trong việc tuyên truyền, vận động người dân”, ông Sâm nói.

Mô hình “3 không” ở Hòa Bắc là sự linh động của lãnh đạo UBND xã trong việc triển khai Chỉ thị 43 của Thành ủy về thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”. Bà Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, cho biết trong bản cam kết thực hiện Chỉ thị 43, chúng tôi nhận thấy cần phải linh động để áp dụng đối với điều kiện thực tế của địa phương. Từ những điểm cơ bản trong bản cam kết, chuyển thành mô hình riêng cho Hòa Bắc thực hiện để sát thực cuộc sống.

“Trong đám tang, lâu nay phải tốn 20-30 triệu đồng cho các dịch vụ ban nhạc, rồi hạt dưa, thuốc lá, rượu bia. Trong khi đó, ở miền núi, kinh tế còn rất khó khăn, cứ mỗi lần nhà có đám lại phải vay mượn lo những khoản dịch vụ đó”, bà Hà cho hay.

Bà Lê Thị Thu Hà cũng cho biết, hiện mô hình “3 không” đã được triển khai tại 7 thôn trong toàn xã. Để mô hình “đầu xuôi, đuôi lọt”, vai trò và uy tín của Hội người cao tuổi rất quan trọng. Và đó cũng là cách mà xã Hòa Bắc đã chọn khi triển khai mô hình nói trên.

TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.