Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Vùng 3 đã triển khai nhiều nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và chiến đấu của các lực lượng trong toàn Vùng.
Bảo đảm công tác hậu cần trước khi tàu rời bến. |
Trong đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Vùng đã xác định: “Tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp nâng cao khả năng bảo đảm hậu cần cho các nhiệm vụ, trọng tâm là nhiệm vụ chiến đấu, các tàu xuất phát nhanh và hoạt động dài ngày trên biển. Đẩy mạnh xây dựng nền nếp chính quy hậu cần, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hậu cần và thực hiện cuộc vận động “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy....”.
Thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy các cấp cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ, nhân viên hậu cần trong toàn Vùng đã tổ chức công tác bảo đảm hậu cần (BĐHC) toàn diện đồng bộ trên tất cả các mặt, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho các lực lượng của Vùng và lực lượng phối thuộc thực hiện nhiệm vụ SSCĐ và chiến đấu bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo được phân công.
Thượng tá Nguyễn Duy Lượng, Chủ nhiệm Hậu cần Vùng 3 cho biết: Cơ quan hậu cần Vùng đã làm tốt việc xây dựng, điều chỉnh bổ sung kế hoạch BĐHC cho các phương án tác chiến và các tình huống đột xuất. Vì vậy công tác dự trữ vật chất hậu cần luôn bảo đảm đủ về số lượng, tốt về chất lượng và phù hợp với nhiệm vụ của từng đơn vị, đặc biệt là các đơn vị trạm ra-đa ở núi cao, đảo xa, các lực lượng tàu làm nhiệm vụ dài ngày trên biển.
Nhờ chuẩn bị tốt và có nhiều kinh nghiệm trong công tác bảo đảm, nên những năm qua 100% các tàu trong Vùng không để xảy ra tình trạng vì công tác BĐHC mà ảnh hưởng đến nhiệm vụ SSCĐ; khi có nhiệm vụ đột xuất trong thời gian gấp, các tàu chỉ bổ sung lượng thực phẩm tươi là có thể lên đường thực hiện nhiệm vụ được ngay.
Với các đơn vị làm nhiệm vụ độc lập, phân tán, Phòng Hậu cần Vùng có kế hoạch tổ chức dự trữ bảo đảm đủ lượng vật chất hậu cần cho nhiệm vụ SSCĐ thường xuyên từ 3 - 6 tháng, bảo đảm đầy đủ trong mọi tình huống. Còn đối với hoạt động tác chiến dài ngày trên biển của các lực lượng tàu tiêu thụ một khối lượng vật chất hậu cần lớn, nhiều chủng loại song bổ sung tiếp tế rất khó khăn, đòi hỏi phải tổ chức dự trữ, bảo quản, sử dụng và quản lý tốt số vật chất hậu cần.
Mặt khác, do điều kiện sóng gió, độ ẩm cao, độ mặn lớn, gây nhiều khó khăn trong việc bảo quản vật chất dài ngày cho các tàu trên biển, dễ bị hư hỏng, mất mát, xuống cấp, ngành hậu cần Vùng thường xuyên chỉ đạo công tác hậu cần các đơn vị chú trọng trong quá trình bảo quản, bao gói, chằng buộc, sắp xếp khoa học trong khoang hầm, nhất là các loại thực phẩm tươi sống, rau xanh..
Đại úy Nguyễn Cảnh Toàn, Chủ nhiệm Quân y Vùng cho biết: Do điều kiện sinh hoạt, vệ sinh trên tàu chật hẹp, lại phải hoạt động trên biển, thiếu nước ngọt, do đó việc chỉ đạo bảo đảm sức khỏe cho bộ đội luôn được coi trọng. Các tàu trước khi đi làm nhiệm vụ đều phải tiến hành tổng vệ sinh toàn tàu, tổ chức diệt gián, muỗi, kiểm tra quản lý chặt chẽ nguồn nước và bảo đảm đầy đủ thuốc Quân y và có lực lượng Quân y đi trên tàu để chăm sóc sức khỏe bộ đội…
Nhờ tiến hành toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm trong công tác BĐHC cho nhiệm vụ SSCĐ và chiến đấu nên chỉ tính riêng từ năm 2014 đến nay, hàng trăm lượt tàu của Vùng 3 và các đơn vị phối thuộc đã thực hiện tốt các nhiệm vụ tuần tiễu bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc; trong công tác chi viện đảo; hỗ trợ thực hiện Hiệp định nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ; bảo vệ tàu thăm dò dầu khí; diễn tập sát hạch chiến thuật, bắn đạn thật, thả rà quét thủy lôi và trong công tác PCLB - TKCN trên biển.
Bài và ảnh: MAI HUY QUANG