.

Điểm tựa cho phụ nữ đơn thân

.

Với nguyên tắc “chấp nhận thân chủ”, “không phán xét” và hơn hết là mục tiêu “bảo vệ quyền sống còn của trẻ”, Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng đã giúp đỡ nhiều mảnh đời thông qua mô hình trợ giúp phụ nữ đơn thân gặp khó khăn khi mang thai và nuôi con nhỏ.

Nhờ mô hình của trung tâm dịch vụ công tác xã hội, nhiều phụ nữ vượt qua khủng hoảng và vượt cạn an toàn.
Nhờ mô hình của trung tâm dịch vụ công tác xã hội, nhiều phụ nữ vượt qua khủng hoảng và vượt cạn an toàn.

Lạc lối...

Dù mặc áo rộng thùng thình nhưng chị N. (quê Thừa Thiên - Huế), công nhân tại một khu chế xuất trên địa bàn Đà Nẵng, vẫn không giấu được cái bụng lùm lùm đã sang tháng thứ 7. Lấy hết can đảm, chị bước vào Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội nhờ giúp đỡ. Câu chuyện của cô gái trẻ đứt quãng bởi những tiếng nấc liên tục. Các chuyên viên đặt trước mặt chị ly nước, nhẹ nhàng nói chuyện để chị bớt xúc động.

Chị N. kể, chị quen một anh làm xây dựng công trình gần nơi trọ. Biết mình mang thai, chị giục cưới xin nhưng chỉ nhận được những lời hứa hẹn. Khi cái thai lớn, chị mới biết người kia đã có gia đình. Không biết xoay xở thế nào, không dám cho người thân biết chuyện, nhờ có người giới thiệu, chị tìm đến Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

Một trong những trường hợp khác mà Trung tâm tiếp nhận cũng gặp tình huống trớ trêu. Chị T. (quê Quảng Nam) ở tuổi tứ tuần, ly dị chồng và sống với con. Trong thời gian qua lại với một người đàn ông trong xã, chị mang thai đứa con thứ hai. Không muốn mọi người biết chuyện, cũng không muốn vứt bỏ con của mình, chị âm thầm nuôi dưỡng. Nhưng khi bào thai ngày một lớn, chị hoảng sợ, không biết che giấu thế nào. Tình cờ biết có dịch vụ hỗ trợ, chị đến Trung tâm nhờ tư vấn.

“Nhiều trường hợp khác chúng tôi đã tiếp nhận thông qua “Nhà của bố” (mô hình dành cho những người mẹ trẻ đơn thân mong muốn có điều kiện nuôi con) giới thiệu. Mỗi chị em đến đây đều có hoàn cảnh đáng thương và đều trong tâm trạng hỗn loạn, tâm lý hoang mang, vừa muốn vứt bỏ thai nhi, vừa không đành lòng”, bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội kể.

Cần một điểm tựa

Thông qua Trung tâm dịch vụ công tác xã hội, những phụ nữ đơn thân sẽ được tham vấn tâm lý, hỗ trợ xây dựng kế hoạch tương lai cho hai mẹ con, hướng dẫn phòng ngừa nguy cơ sang chấn và ảnh hưởng tâm lý sau sinh, hỗ trợ chi phí sinh nở mỗi trường hợp bình quân 10 triệu đồng, do Tổ chức Phục vụ trẻ em quốc tế tại Việt Nam (Holt) trợ giúp.

Theo bà Hoa, điều mà những phụ nữ đơn thân cần nhất chính là một điểm tựa trong giai đoạn vượt cạn. Hiểu được điều đó, các nhân viên tại trung tâm thay phiên nhau túc trực bên cạnh họ, vừa chuẩn bị đồ cho em bé, vừa lo cơm nước… “Vượt cạn là lúc người phụ nữ cần những người thân yêu nhất bên cạnh. Nhưng họ chẳng có ai. Nhìn những phụ nữ khác trong vòng tay người nhà, thấy xót xa cho họ. Chúng tôi cố gắng hết sức động viên tinh thần, giúp đỡ trong khả năng có thể”, bà Hoa chia sẻ.

Chính nhờ những bàn tay nâng đỡ, nhiều phụ nữ đã vượt qua số phận và những đứa trẻ bình yên ra đời. Nỗi sợ gièm pha của người đời cũng được bỏ qua khi nhìn nụ cười con trẻ. Chị N. sau khi bình tâm lại đã thú nhận với gia đình và nhận được sự tha thứ, đưa con về quê chăm sóc. Chị H. sau thời gian ở Đà Nẵng cũng đưa con về quê nhưng với danh phận con nuôi…

Khi Trung tâm dịch vụ công tác xã hội thành phố thực hiện mô hình này, nhiều người cũng lời ra tiếng vào, cho rằng trung tâm đang “vẽ đường cho hươu chạy”. Tuy nhiên, theo những người gắn bó lâu năm với công tác xã hội, họ đấu tranh để mô hình được ra đời. Bởi với họ, đây là mô hình hay và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giải quyết được tận gốc vấn nạn bỏ rơi trẻ em tại các nhà chùa, hỗ trợ về mặt pháp lý để bảo vệ quyền khai sinh và quyền sống của trẻ em. Và từ khi được thành lập vào năm 2014 đến nay, Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội can thiệp xử lý được 11 trường hợp.  

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.