Tháng 6-2015, quận Hải Châu xóa toàn bộ 2.743 hộ nghèo (chiếm 5,5% tổng số hộ với hơn 11.500 khẩu), về đích trước 2,5 năm trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2013-2017 theo Nghị quyết 07 của Quận ủy. Đây không phải là lần đầu tiên Hải Châu cán đích trước kế hoạch. Giai đoạn 2009-2013, quận hoàn thành chỉ tiêu xóa 100% hộ nghèo trước thời hạn 1 năm.
Quận Hải Châu huy động các nguồn lực xóa các nhà tạm, lụp xụp ở trung tâm thành phố. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Tổng lực tấn công, về đích sớm
Trong buổi báo cáo tổng kết công tác giảm, thoát nghèo năm 2014 của quận Hải Châu, ông Nguyễn Vinh (phường Hòa Thuận Đông) xúc động kể lại câu chuyện của mình. Gia đình ông thuộc diện đặc biệt nghèo với 5 nhân khẩu.
Ông Vinh làm nghề xe thồ, vợ sửa chữa áo quần nuôi 3 người con đang tuổi ăn học, nhà cửa xuống cấp nghiêm trọng. Gia đình ông đã được UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hải Châu tặng 20 triệu đồng sửa nhà, cho vay 30 triệu đồng đầu tư mua máy may và tặng một xe máy trị giá 15 triệu đồng để làm phương tiện sinh kế. Những hỗ trợ trên đã tạo đà cho gia đình ông yên tâm tiếp tục làm ăn, con cái học hành ổn định. Năm 2014, hộ ông Vinh thoát nghèo.
Ông Vinh là một trường hợp được nhận “trọn gói” bộ giải pháp giảm nghèo của quận Hải Châu. Các bộ giải pháp này chính là “bí quyết” của quận trong việc về đích trước thời hạn suốt 2 giai đoạn liên tiếp.
Bà Trần Thị Kim Yến, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH quận, cho biết sau khi kiểm tra, rà soát hộ nghèo ở các tổ dân phố, UBND quận và phường sẽ có các phương án dành riêng cho từng hộ. Tùy theo hoàn cảnh, có hộ sẽ được nhận phương tiện sinh kế, có hộ được sửa chữa nhà ở hay tạo điều kiện vay vốn ưu đãi. Như vậy, các chính sách áp dụng không cứng nhắc mà phù hợp với từng hoàn cảnh riêng, giúp các hộ thoát nghèo nhanh nhất có thể.
Giúp người dân an cư, lạc nghiệp
Từ ngày vợ mất, ông Nguyễn Văn Bính (phường Hải Châu 1) phải sống cảnh gà trống nuôi 3 người con ăn học. Năm 2014, ông được hỗ trợ 10 triệu đồng để thay toàn bộ tôn, lợp lại mái nhà. Ông Bính là một trong những trường hợp được nhận giải pháp “an cư” của quận Hải Châu.
Trong giai đoạn đầu năm 2013 đến giữa năm 2015, UBND quận đã vận động xây mới 61 nhà với tổng kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng, sửa chữa 332 nhà (hơn 3 tỷ đồng). Bên cạnh đó, từ đầu năm 2014, quận, phường đã đề nghị UBND thành phố giải quyết cho 100 trường hợp hộ nghèo bức xúc về nhà ở được thuê nhà chung cư để ổn định chỗ ở, yên tâm làm ăn sinh sống.
Sau “an cư” phải là “lạc nghiệp”. Bên cạnh hình thức cho vay với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội quận, Hải Châu còn có mô hình cho vay không lãi suất từ nguồn vận động của UBND quận như các quỹ quay vòng, quỹ hỗ trợ nông dân, tổ tiết kiệm... Mô hình này sau khi thực hiện thí điểm trong giai đoạn 2009-2013 đã được triển khai rộng rãi ở 13/13 phường trong giai đoạn 2013-2017 và được UBND thành phố đánh giá rất cao.
Đặc biệt, năm 2013, Hội LHPN quận Hải Châu đã triển khai và nhân rộng mô hình “Dịch vụ giúp việc gia đình” trên 13/13 phường. Xuất phát từ nhu cầu của nhiều chị em hộ nghèo có điều kiện về sức khỏe, linh hoạt thời gian nhưng không có kiến thức kinh doanh hay nghiệp vụ chuyên môn, Hội đã phối hợp với Hội LHPN thành phố mở các lớp tập huấn nghiệp vụ chăm sóc gia đình miễn phí, thu nhận 265 thành viên, trong đó có 111 chị là phụ nữ hộ nghèo vào 13 tổ giúp việc. Kể từ đó, các chị có việc làm ổn định, thu nhập từ 1,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/tháng.
Không để tái nghèo
Thoát nghèo phải đi liền với chống tái nghèo. Ông Nguyễn Văn Xuyên, chuyên viên công tác giảm nghèo Phòng LĐ-TB&XH quận, phân tích 2 lý do chính khiến hộ nghèo trở lại tình cảnh trước khi thoát nghèo, đó là bên cạnh kinh tế chưa đủ vững vàng còn có tâm lý lười biếng, ỷ lại. Vì vậy, giải pháp bền vững nhất là tuyên truyền, vận động và đối thoại để nắm bắt được tình hình và nhu cầu của người dân, từ đó có hướng giải quyết hợp lý.
Bà Trần Thị Kim Yến, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH quận, cho biết đối với các hộ nghèo đã nhận được hỗ trợ, tổ dân phố phối hợp với UBND phường và quận sẽ liên tục theo dõi, chỉ trong trường hợp cần thiết mới tiếp tục hỗ trợ để tránh tâm lý ỷ lại.
Giai đoạn năm 2013 đến giữa năm 2015, nhờ kết hợp giữa theo dõi, kiểm tra sát sao và công tác vận động, tuyên truyền sâu rộng, người dân đã có rất nhiều chuyển biến về ý thức nên hầu như không có tình trạng các hộ đã thoát nghèo rơi vào lại con đường mòn cũ. Trước tín hiệu này, bà Yến nói rằng, sẽ tiếp tục phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và UBND các phường rà soát các hộ có mức thu nhập thấp trên địa bàn quận và phát huy thành quả trong đề án giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.
KHANG NINH