.
Khuất tất tại Công ty Môi trường Đô thị Đà Nẵng

Kỳ cuối: Sai phạm chồng sai phạm

.

Không chỉ chèn ép công nhân trong công việc, tiền lương, tiền thưởng…, hoạt động đầu tư, thu chi tài chính của Công ty MTĐT Đà Nẵng còn bộc lộ nhiều vấn đề khuất tất.

Công nhân bức xúc việc lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị có dấu hiệu hợp thức hóa sai phạm trong chi trả tiền công. Trong ảnh: Công nhân làm nhiệm vụ tại đường Điện Biên Phủ. 	         Ảnh: AN NHIÊN
Công nhân bức xúc việc lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị có dấu hiệu hợp thức hóa sai phạm trong chi trả tiền công. Trong ảnh: Công nhân làm nhiệm vụ tại đường Điện Biên Phủ. Ảnh: AN NHIÊN

Chi trả tiền công có dấu hiệu hợp thức hóa?

Mặc dù nguồn kinh phí đầu tư cho sự nghiệp môi trường còn hạn hẹp, nhưng sự nỗ lực của người lao động, nhất là những người lao động trực tiếp “lăn xả với rác” của Công ty MTĐT Đà Nẵng đã góp phần làm cho thành phố Đà Nẵng ngày càng “xanh – sạch – đẹp”.

Nhưng, bộ máy tổ chức cồng kềnh, công tác quản lý yếu kém, cộng với số lao động gián tiếp lớn…, nên chi phí tiền lương, tiền công trả cho người lao động trực tiếp chưa tương xứng với hao phí sức lao động; các chế độ đãi ngộ đối với người lao động chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, hoạt động đầu tư, thu chi tài chính của công ty còn bộc lộ nhiều vấn đề khuất tất.

Báo cáo kiểm toán và tài chính năm 2012 mà Kiểm toán Nhà nước khu vực 3 thực hiện tại Công ty MTĐT Đà Nẵng, lập ngày 23-12-2013, cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm về quản lý và sử dụng lao động.

Cụ thể, công ty chưa tuân thủ việc sử dụng lao động theo Thông báo số 412 ngày 18-7-2012 của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về việc tiếp nhận đăng ký đơn giá tiền lương năm 2012 của Công ty MTĐT Đà Nẵng; trong đó, phê duyệt lao động định biên là 1.105 người, nhưng thực tế công ty sử dụng thừa so với lao động định biên là 505 người.

Qua đó, cho thấy sự bất hợp lý từ khâu xây dựng, phê duyệt và thực tế sử dụng lao động. Một số lao động gián tiếp dôi dư trong bộ máy hoạt động của công ty, nhưng số người làm ra sản phẩm (tức công nhân trực tiếp làm việc) dịch vụ lại thiếu.

Ngoài ra, Ban Giám đốc Công ty giao quyền cho trưởng các đơn vị trực thuộc tự thuê lao động hợp đồng thời vụ bình quân là 502 người/tháng (chiếm 70% số lao động trực tiếp trong công ty). Kết quả chọn mẫu chứng từ thanh toán cho người lao động thời vụ tại Xí nghiệp Môi trường Hải Châu I cho thấy, nhiều người có mặt lao động liên tục 12 tháng trong năm, nhưng công ty không thực hiện các quyền lợi hợp pháp cho người lao động như đóng BHXH, BHYT... vi phạm Điều 22, Bộ luật Lao động và Điều 2, Luật BHXH. Công tác quản lý lao động còn buông lỏng, giao các xí nghiệp tự ký hợp đồng, tự trả lương (mỗi xí nghiệp trả một mức lương khác nhau).

Tại thời điểm kiểm toán, hồ sơ thanh toán tiền nhân công cho lao động thuê ngoài chỉ có hợp đồng lao động ngắn hạn, bảng chấm công, chưa có bằng chứng chứng minh khối lượng công việc giao cho công nhân thuê ngoài thực hiện với số tiền thanh toán hơn 8,9 tỷ đồng.

Qua chọn mẫu kiểm tra bảng thanh toán tiền công cho lao động hợp đồng của Xí nghiệp Môi trường Hải Châu I, đoàn kiểm toán nhận thấy chữ ký của người lao động trên hợp đồng và bảng thanh toán tiền công không trùng khớp nhau; chữ ký qua các lần nhận tiền không giống nhau. Qua đó cho thấy việc chi trả tiền công có dấu hiệu hợp thức hóa chứng từ để quyết toán chi phí nhân công.

“Đội giá” sửa chữa trang thiết bị

Báo cáo kiểm toán cũng nêu ra những “lập lờ” trong việc đầu tư, sửa chữa trang thiết bị của công ty này. Chẳng hạn, trong năm 2012, công ty ký hợp đồng liên doanh liên kết với hàng loạt các cá nhân, tổ chức với hình thức góp vốn liên doanh bằng mặt bằng đất, gồm: Công ty TNHH Thương mại Núi Thành, kinh doanh làm đại lý xăng dầu với diện tích hơn 400m2 theo hình thức chia lãi 10 triệu đồng/tháng, thời gian liên doanh từ 1-11-2012 đến 31-10-2017. Tiếp đó, ký hợp đồng với Công ty TNHH Giao Linh để sửa chữa phương tiện cơ giới với diện tích mặt bằng 260m2, hình thức chia lãi là 3 triệu đồng/tháng…

Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước khu vực 3, về cơ bản Công ty MTĐT Đà Nẵng sử dụng đúng mục đích, phù hợp với quy định của Luật Đất đai. Tuy nhiên, việc hợp đồng liên doanh liên kết với các tổ chức, cá nhân thực chất là cho thuê mặt bằng không đúng mục đích sử dụng đất; hơn nữa lợi nhuận từ việc cho thuê mặt bằng quá thấp, không phù hợp với mặt bằng giá địa phương.

Ngoài ra, việc đầu tư 3 trạm trung chuyển rác có giá trị hơn 1,7 tỷ đồng như Trạm Đống Đa, Trạm Bắc Mỹ An, Trạm Thọ Quang không thể vận hành sử dụng vì không có đường vào; đồng thời đầu tư 5 nhà vệ sinh công cộng có giá trị hơn 1 tỷ đồng cũng không có lối vào và xa đường nên không sử dụng được, gây lãng phí tiền và tài sản của Nhà nước.

Về chí phí sửa chữa phương tiện chở rác, công cụ dụng cụ… năm sau thường cao hơn năm trước. Chẳng hạn, năm 2011 hơn 4,8 tỷ đồng, năm 2012 hơn 5,4 tỷ đồng và kế hoạch sửa chữa của năm 2013 là trên 6,3 tỷ đồng. Mặc dù, chi phí sửa chữa lớn phát sinh hằng năm trên 5 tỷ đồng, nhưng công ty lại không có kế hoạch trích trước chi phí sửa chữa nên hiện nay không có nguồn bù đắp cho các xe đã đến thời kỳ tu sửa.

Ngoài ra, có một số xe chi phí sửa chữa quá cao, bằng 30 - 50% nguyên giá của xe. Điều đáng nói là, với việc chi phí phát sinh năm sau luôn cao hơn năm trước nhưng đơn vị lại phân bổ 36 tháng dẫn đến chi phí chờ phân bổ ngày càng tăng, làm cho tình hình tài chính thiếu lành mạnh, và đây chính là nguy cơ tiềm ẩn lỗ của doanh nghiệp.

Cần sớm cổ phần hóa doanh nghiệp

Việc chèn ép công nhân trong công việc, tiền lương, tiền thưởng; đồng thời chậm đại hội cổ đông, khiến một số bộ phận công nhân bức xúc kéo đến trụ sở Thành ủy Đà Nẵng trong thời gian vừa qua, gây mất an ninh trật tự.

Thế nhưng, về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty MTĐT Đà Nẵng cho rằng: Việc chậm đại hội cổ đông là do UBND thành phố có văn bản yêu cầu công ty giãn tiến độ đại hội để giải quyết một số vấn đề còn tồn tại, vướng mắc.

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, việc Công ty MTĐT Đà Nẵng chưa tiến hành đại hội cổ đông là sai luật. Hơn nữa, cách hành xử của lãnh đạo công ty nhiều năm qua đã để lại trong lòng công nhân nhiều bức xúc nên họ mới kéo nhau lên kêu cứu lãnh đạo thành phố. Ngoài ra, bộ máy lãnh đạo công ty không chuẩn hóa, không minh bạch; lương thưởng và quyền lợi khác của công nhân quá thấp so với công sức họ bỏ ra.

Vì vậy, để doanh nghiệp sớm ổn định hoạt động, tạo niềm tin cho người lao động làm việc vì sự nghiệp môi trường của thành phố, thiết nghĩ cần sớm chuyển Công ty MTĐT Đà Nẵng sang mô hình cổ phần hóa.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến chỉ đạo về việc giữ quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước và quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa Công ty MTĐT Đà Nẵng. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, UBND thành phố Đà Nẵng tiếp tục thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng và khẩn trương nộp tiền thu được từ việc cổ phần hóa công ty này về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định hiện hành.

Anh Như – Anh Nhiên

;
.
.
.
.
.