.
KỶ NIỆM 103 NĂM NGÀY SINH CỐ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC VÕ CHÍ CÔNG (7-8-1912 – 7-8-2015)

"Ông Năm đổi mới"

.

“Ông Năm đổi mới” là một trong những tên gọi mà cán bộ và nhân dân cả nước dành cho cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công với tất cả sự yêu mến, kính trọng.

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công thăm Nhà máy Dệt 29-3 năm 1989.                                Ảnh: NGỌC HỢI
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công thăm Nhà máy Dệt 29-3 năm 1989. Ảnh: NGỌC HỢI

Kỷ niệm 103 năm Ngày sinh của cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, tôi ghi lại một vài ý tưởng sâu rộng và cao xa của đồng chí trong cuộc đời cách mạng của mình; mà nhờ đó, một vùng đất rộng lớn của Quảng Nam - Đà Nẵng đã được đổi đời.

Xây dựng công trình đập hồ nước và thủy điện Phú Ninh

Anh Năm Công tham gia cách mạng từ năm 1930 với lý tưởng cao cả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và giành độc lập cho đất nước. Anh luôn đau đáu với suy nghĩ sau cách mạng thành công phải làm gì để đem lại thiết thực đời sống cho nhân dân và tương lai của quê hương, đất nước. Nhìn lại quê hương Quảng Nam- Đà Nẵng có truyền thống đấu tranh chống đế quốc xâm lược hàng trăm năm nhưng lại là mảnh đất nghèo của miền Trung.

Một nửa diện tích của Quảng Nam - Đà Nẵng là đất đai khô cằn, chỉ sản xuất được khoai sắn không đủ sống, hằng năm thiếu đói thường xuyên đến 6 tháng vì đất đai không sản xuất được lúa gạo. Trong 80 năm dưới chính quyền thực dân Pháp, họ cũng đã nghĩ đến việc khảo sát để xây dựng một đập chứa nước lớn và công trình thủy điện ở phía nam Quảng Nam nhưng không làm được vì việc đó không phục vụ cho mục đích bóc lột của họ.

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, khu V trở thành vùng tự do nhưng sau đó lại phải bước vào cuộc kháng chiến lần thứ hai chống thực dân Pháp. Lúc đó, Khu ủy khu V cũng có ý định xây dựng một đập lớn để cứu đói cho nhân dân khu vực phía nam Quảng Nam - Đà Nẵng.

Song, trong thời kỳ kháng chiến, chúng ta chỉ tập trung sản xuất tập cấp tự túc để giải quyết đời sống nhân dân trước mắt và phục vụ tiền tuyến nên chưa thể thực hiện ý tưởng đó. Đến thời kỳ chống Mỹ cứu nước, chính quyền Mỹ - Diệm tạm quản lý vùng này, họ đã tiến hành khảo sát thiết kế nhưng cũng bỏ dở vì việc xây đập không phục vụ chiến tranh. Tính ra cũng đã hơn 100 năm công trình này đã không thực hiện được.

Sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương, cách mạng miền Nam chuyển sang một giai đoạn mới. Vùng giải phóng khu V đã mở ra một vùng rộng lớn. Anh Năm Công và Khu ủy khu V khi đó tin tưởng cách mạng nhất định sẽ thành công, sau đó phải thực hiện ngay việc xây dựng đập hồ nước và thủy điện Phú Ninh để đem lại đời sống tốt hơn cho nhân dân. Anh Năm Công thể hiện rõ quyết tâm ấy bằng lời nói: “Hàng trăm năm bọn thực dân đến, đế quốc xâm lược không làm thì cách mạng phải làm cho kỳ được”.

Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 thắng lợi, đất nước hoàn toàn thống nhất, anh Năm Công ra công tác ở Trung ương, làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Anh thực hiện ngay ý tưởng đó. Anh đã chỉ đạo Bộ Thủy lợi, trực tiếp là Bộ trưởng Nguyễn Thanh Bình, thực hiện xây dựng đập hồ và công trình thủy điện Phú Ninh để giải quyết đời sống của nhân dân. Chính phủ quyết định xây dựng công trình thủy lợi này để giữ nước, trong hai năm 1977-1978 đã hoàn thành.

Ngày đó, Chính phủ chỉ hỗ trợ khoa học kỹ thuật, một số thiết bị và vật liệu xây dựng, còn việc xây đập đều phải dựa trên sức dân. Anh đã chỉ đạo sâu sát, thường xuyên xuống kiểm tra, chứng kiến tận mắt việc xây đập, tích cực động viên bà con cố gắng lao động. Nhờ sự động viên kịp thời, nhân dân rất hăng hái quyết tâm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, họ tự nguyện tái định cư đến nơi khác để xây dựng hồ. Hàng vạn nhân dân tự nguyện tự lo ăn uống, hằng ngày bằng khoai sắn ra lao động ở công trình mà không đòi hỏi sự hỗ trợ gì.

Tôi nhớ ngày đó, lúc xây dựng đập hồ Phú Ninh, một vài chuyên gia cho rằng, vì có mỏ quặng kẽm, thiếc... dưới lòng hồ nên chưa xây dựng đập. Anh Võ Chí Công kiên quyết: “Nước là để cấp cứu cho đời sống nhân dân, còn khoáng sản nằm sâu dưới đất, khai thác lúc nào cũng được”. Thậm chí, còn có ý kiến cho rằng, anh có tính địa phương chủ nghĩa, nhưng mọi người đều ủng hộ vì đây là công trình chung, có lợi cho nhân dân một vùng và cho đất nước.

Sau 2 năm, đập hồ Phú Ninh và công trình thủy điện đã được hoàn thành trên diện tích 3.500ha lưu giữ thường xuyên 500 triệu m3 nước, trở thành một công trình thủy lợi lớn của đất nước.

Hồ Phú Ninh đã bảo đảm nước sinh hoạt cho nhân dân trong khu vực, nhất là có nước cải tạo trên 1/3 diện tích đất trồng trọt của tỉnh Quảng Nam mà trước đây chỉ trồng được khoai sắn, nay đã gieo cấy được lúa. Nhờ đó, nhân dân có cơm ăn no, áo mặc, đời sống được cải thiện rõ rệt và coi đó là sự đổi đời của cách mạng.

Qua các năm hạn hán gay gắt, nhiều nơi thiếu nước trầm trọng nhưng khu vực này nhờ có đập và thủy điện hồ nước Phú Ninh ổn định đã giải quyết được khô hạn, nhân dân rất an tâm. Không những thế, đã có dự kiến hồ Phú Ninh sau này có thể giải quyết nước cho cả khu công nghiệp Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Ý tưởng xây hồ Phú Ninh từ lâu của anh Võ Chí Công đã thành công. Anh nói với tôi “Đây là thực hiện lời dạy của Bác Hồ: việc gì có lợi cho nhân dân thì phải quyết tâm làm cho bằng được”.

Phải sau 20 năm khi đập hồ và thủy điện Phú Ninh đi vào hoạt động, theo dự án nghĩa tình địa phương với nhiều ý kiến tán thành, bà con nơi đây mới được Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp cho 9 xã đã góp công xây đập, mỗi xã 500 triệu đồng và thực hiện trong 5 năm. Nhân dân rất phấn khởi, coi đó là phần thưởng xứng đáng, dù vẫn chưa thể bù đắp đủ công sức của họ. Số tiền đó dùng cho việc xây dựng công trình phúc lợi cho các xã để nhân dân hưởng thụ chung chứ không chia cho gia đình tái định cư. Đồng thời, Chính phủ cấp vốn cho địa phương xây dựng con đường quanh hồ để trả lại con đường tỉnh lộ đã mất khi xây dựng hồ. Đó là tình nghĩa của Đảng và Nhà nước với nhân dân Phú Ninh.

Xây dựng đại học ở Quảng Nam - Đà Nẵng

Hiểu rõ Quảng Nam - Đà Nẵng có truyền thống hiếu học lâu đời, ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, anh Năm Công đã có ý tưởng tỉnh phải thành lập trường đại học để nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân và đào tạo cán bộ để xây dựng quê hương, đất nước cho tương lai. Anh đã lãnh đạo Ban Tuyên huấn khu V và Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng chuẩn bị bộ khung để thành lập trường đại học.

Tháng 3-1975, Đà Nẵng được giải phóng thì đến tháng 7-1975, Viện Đại học Đà Nẵng được thành lập theo quyết định của UBND Cách mạng khu Trung Trung Bộ.

Anh thường nói với tôi: “Đây là vấn đề phải suy nghĩ lâu dài cho quê hương, đất nước, truyền thống Quảng Nam - Đà Nẵng ngày xưa có “ngũ phụng tề phi”. Ngày nay, chúng ta cũng phải đào tạo hàng ngàn nhân tài cho quê hương, đất nước”.

Sau khi Đại học Đà Nẵng thành lập, anh rất quan tâm đến trường. Kỷ niệm 10 năm thành lập, anh đã về thăm trường với danh nghĩa là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. Anh đã căn dặn trường phải xây dựng đội ngũ giảng viên càng ngày càng trưởng thành, phải chọn lựa xây dựng cơ sở vật chất theo kịp trình độ phát triển, chỉ đạo tỉnh cố gắng đầu tư để hình thành một trường đại học lớn mạnh của quốc gia.

Ban đầu, trường chỉ có một số khoa chuyên ngành với 4-5 cán bộ, khoảng vài trăm sinh viên. Dần dần Đại học Đà Nẵng phát triển rất nhanh. Được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, sau mười mấy năm, Đại học Đà Nẵng đã trở thành trường đại học lớn, trung tâm của miền Trung và quốc gia với nhiều ngành nghề khác nhau được đào tạo.

Đến nay, Đại học Đà Nẵng có trên 60.000 sinh viên (chính quy và không chính quy, đại học và sau đại học), 1.600 cán bộ giảng dạy và phục vụ giảng dạy; thực hiện đào tạo 12 chuyên ngành tiến sĩ, 20 chuyên ngành thạc sĩ, 70 chuyên ngành đại học, 20 chuyên ngành cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Ý tưởng của anh Năm đã trở thành hiện thực.

Vô cùng thương tiếc anh, tôi không bao giờ quên những ấn tượng sâu sắc của ý nghĩa lịch sử trên những chặng đường cách mạng của anh. Đó là những quyết định độc đáo, giành thắng lợi vẻ vang trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược trên chiến trường miền Nam Việt Nam. Đó là những quyết định đột phá nhằm xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp trong thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh.

Anh luôn phát triển tư duy mới, kiên quyết đấu tranh, vượt qua nhiều khó khăn và cản trở của tư duy cũ để đi tiên phong đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của đất nước ta, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đường lối đổi mới toàn diện của Đảng và Nhà nước từ những năm 1980-1990. Cán bộ và nhân dân cả nước vô cùng quý trọng tư duy đổi mới của nhà lãnh đạo nên thường gọi anh với cái tên quý mến là “Ông Năm cơ chế”, “ông Năm đổi mới”.

ĐINH VĂN NIỆM

;
.
.
.
.
.