.
KỶ NIỆM 70 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2-9 (1945 - 2015)

Sáng tạo giải quyết vấn đề dân tộc và phương pháp cách mạng

.

70 năm trước đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương nay là Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta từ Bắc đến Nam đã đứng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám lịch sử, lật nhào chế độ thực dân, phong kiến lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa- nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Ngày 19-8-1945, nhân dân giành chính quyền tại Bắc Bộ phủ (Hà Nội). (Ảnh tư liệu)
Ngày 19-8-1945, nhân dân giành chính quyền tại Bắc Bộ phủ (Hà Nội). (Ảnh tư liệu)

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là lần đầu tiên một dân tộc thuộc địa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản giành được độc lập, tự do, vì vậy, sức hấp dẫn của nó được nhiều nhà chính trị và khoa học trong nước và nước ngoài quan tâm nghiên cứu làm sáng tỏ quá trình chuẩn bị, diễn biến, kết quả cũng như lý giải nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa, bài học lịch sử và tầm ảnh hưởng của sự kiện lịch sử trọng đại này qua nhiều công trình chuyên khảo quy mô được xuất bản; hàng trăm luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ được bảo vệ; hàng nghìn bài viết được được công bố trong các kỷ yếu, tạp chí khoa học.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, trong bối cảnh đổi mới và dân chủ, trên một số diễn đàn các hội thảo, báo mạng, v.v., một số người nhân danh “nghiên cứu khoa học, bàn lại lịch sử, tìm góc nhìn mới”, lớn tiếng khẳng định: Cách mạng Tháng Tám không là một cuộc cách mạng xã hội!?; một số tác giả khác lại “đề xuất và quảng bá ý kiến đề cao tư tưởng cải cách của Phan Châu Trinh. Họ cho rằng phương pháp “cách mạng bất bạo động” của ông có thể là duy nhất phù hợp với tình hình Việt Nam và có thể tránh cho dân tộc một cuộc chiến tranh bằng những cuộc cải cách và “đấu tranh hòa bình” với Pháp là có thể “giành độc lập mà không đổ máu.” (1)

Bài viết này làm rõ sự sáng tạo của Đảng và nhân dân ta từ nhận thức lý luận đến chỉ đạo trong thực tiễn giải quyết vấn đề dân tộc và phương pháp cách mạng trong Cách mạng Tháng Tám; từ đó phản bác những quan điểm nhận thức sai trái về tầm vóc và ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám.

1. Sáng tạo trong giải quyết vấn đề dân tộc

Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng, cách mạng xã hội là sự biến đổi, có tính bước ngoặt và căn bản về chất trong toàn bộ các đời sống xã hội, là phương thức chuyển từ một hình thái kinh tế - xã hội lỗi thời lên một hình thái kinh tế - xã hội cao hơn, tiến bộ hơn. Nguồn gốc sâu xa của các cuộc cách mạng xã hội là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất đã lỗi thời, trở thành một trở lực đối với sự phát triển của xã hội. Giải quyết mâu thuẫn đó, phải có sự thay đổi kiến trúc thượng tầng nhà nước, chuyển quyền lực nhà nước từ tay giai cấp thống trị cố tìm cách duy trì chế độ xã hội cũ, lỗi thời sang tay giai cấp cách mạng. Trong khi đề cập đến tính chất phổ quát chung của cách mạng xã hội, xác định nguyên nhân, nội dung, lực lượng và phương thức tiến hành của cuộc cách mạng đó, Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” Mác và Ăng-ghen cũng nêu cái đặc thù của cách mạng xã hội ở các nước Đức, Nga và Ba Lan. Với việc nghiên cứu ba trường hợp đặc thù ở nhưng cấp độ phát triển khác nhau, Mác, Ăng-ghen đã bổ sung thêm cho học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội của mình và bước đầu đưa ra lý luận về cách mạng không ngừng, lý luận về sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản ở những nước lạc hậu kinh tế kém phát triển.

Đầu thế kỷ XX, nước Nga nơi tập trung những mâu thuẫn của thời đại đang đứng trước ngưỡng cửa một cuộc cách mạng tư sản. Lê-nin đã phát triển những tư tưởng của Mác và Ăng-ghen về cách mạng không ngừng thành học thuyết về cách mạng không ngừng và cách mạng có giai đoạn, chuyển cách mạng tư sản sang cách mạng XHCN dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản mà đứng đầu là đội tiên phong của nó là Đảng Cộng sản. Học thuyết về cách mạng không ngừng của Lê-nin đã trở thành kim chỉ nam cho những người cộng sản ở các nước thuộc địa, phụ thuộc, chậm phát triển về kinh tế trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, phong kiến bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa để hướng tới chủ nghĩa cộng sản.

Trước khi ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nghiên cứu có tính chất phê phán quan điểm cứu nước của các bậc cách mạng tiền bối trong nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hoàng Hoa Thám: “Cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương,... điều đó là sai lầm, chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương.

Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”.

Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp. Nhưng theo lời người ta kể thì Cụ còn nặng cốt cách phong kiến.” (2)

Trong quá trình đi tìm đường cứu nước, Người tiến hành phân tích những hạn chế, thiếu triệt để của các cuộc cách mạng tư sản nổi tiếng như cách mạng Mỹ (1776), cách mạng Pháp (1789) trong việc giải quyết vấn đề dân tộc.

Khi nghiên cứu chủ nghĩa Mác, Nguyễn Ái Quốc tiếp thu có chọn lọc những luận điểm phù hợp và đòi hỏi bổ sung lý luận của chủ nghĩa Mác cho phù hợp với thực tiễn. Người cho rằng: “Mác xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại” (3).

Chính vì vậy, Người đề nghị: Thứ nhất, “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được.”

Thứ hai, “Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông. Đó chính là nhiệm vụ mà các xô viết đảm nhiệm.” (4)

Đó là cơ sở lý luận và phương pháp luận để Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa Mác, Ăng-ghen, Lê-nin về cách mạng xã hội vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam.

Từ việc đề cập đến những vấn đề lý luận và thực tiễn lịch sử của xã hội loài người về việc giải quyết vấn đề dân tộc, Nguyễn Ái Quốc cho rằng, những nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong khi đề cập quy luật chung cũng thừa nhận tính đặc thù. Căn cứ vào lý luận đó, có thể thấy những biểu hiện của cách mạng xã hội như sau:

- Các cuộc cách mạng thay đổi hình thái kinh tế - xã hội này bằng xã hội khác, như Cách mạng tư sản Anh, Cách mạng tư sản Pháp,v.v.

- Các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, do giai cấp tiên tiến đương thời, đại diện cho sư phát triển tiến bộ của giai đoạn lịch lịch sử đó, như Cách mạng giải phóng dân tộc ở Mỹ thế kỷ 18, phong trào giải phóng dân tộc Ba Lan, v.v.

(Còn nữa)

PGS, TS. Trương Minh Dục

Học viện Chính trị khu vực III


1 Thiên Phương: “Họ tảng lờ sự thật, hay cố tình xuyên tạc sự thật?”, Báo Nhân dân, số 21809, thứ Sáu, 12 tháng 6-2015.
2 Trần Dân Tiên: Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1970.
3 Hồ Chí Minh toàn tập, t 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 509.
4 Hồ Chí Minh: Sđd, t.1, tr. 509, 510.

 

;
.
.
.
.
.