.
KỶ NIỆM 70 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2-9 (1945 - 2015)

Sáng tạo giải quyết vấn đề dân tộc và phương pháp cách mạng

(Tiếp theo)

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do giai cấp công nhân lãnh đạo, cũng thuộc phạm trù cách mạng vô sản. Đó cũng là một cuộc cách mạng xã hội.

Ở Việt Nam, từ khi thực dân Pháp tấn công xâm lược và thiết lập ách thống trị trên đất nước ta, xã hội Việt Nam có sự chuyển biến mới, từ xã hội phong kiến sang xã hội thuộc địa, nửa phong kiến. Ngay từ đầu, mâu thuẫn giữa chế độ thực dân, nửa phong kiến với yêu cầu phát triển của dân tộc trở nên gay gắt. Mâu thuẫn đó biểu hiện thành hai mâu thuẫn cơ bản trong xã hội là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược, mâu thuẫn giữa nhân dân lao động, chủ yếu là nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến. Giải quyết hai mâu thuẫn này mới tạo điều kiện thuận lợi cho xã hội Việt Nam phát triển.

Để giải phóng dân tộc, đưa đất nước phát triển, từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, nhiều cương lĩnh của các lực lượng yêu nước, các đảng phái ở Việt Nam được đưa ra, nhưng “các phong trào cứu nước, từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản qua khảo nghiệm lịch sử đều lần lượt thất bại” (1). Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có một giai cấp tiền phong lãnh đạo, chưa có lý luận cách mạng soi đường, cũng như chưa có đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn, đủ sức giành thắng lợi trước kẻ thù là chủ nghĩa thực dân, đế quốc.

Chỉ khi được giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin, Nguyễn Ái Quốc và những người cộng sản Việt Nam xác định được tính chất xã hội Việt Nam, đề ra chiến lược giải phóng dân tộc đúng đắn và lực lượng để thực hiện nhiệm vụ cách mạng, đưa sự nghiệp cứu nước đến thành công.

Tuy nhiên, nhận thức đúng đắn tính chất của cách mạng Việt Nam của những người cộng sản Việt Nam cũng phải trải qua một quá trình đấu tranh tư tưởng đầy phức tạp. Bởi lẽ, sáng tạo, đổi mới thường phải vượt qua những khuôn mẫu giáo điều, đòi hỏi sự dũng cảm và quyết tâm vượt lên, thậm chí trải qua cuộc đấu tranh nội bộ về quan điểm vận dụng lý luận và nhận thức thực tiễn có lúc gay gắt. Điều đó thể hiện tính chất và bản lĩnh chính trị của một chính đảng tiền phong.

Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên được thông qua tại hội nghị thành lập Đảng, đường lối cách mạng nước ta được xác định trước hết làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi đến xã hội cộng sản. Điều đó toát lên tư tưởng lớn là cách mạng dân tộc dân chủ Việt Nam tất yếu phải đi tới cách mạng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là mục đích lâu dài, cuối cùng của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Luận cương chính trị tháng 10 năm 1930 là Cương lĩnh chính trị thứ 2 của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định tính chất của cách mạng Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền, tiến lên cách mạng chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, là độc lập hoàn toàn cho các dân tộc, tự do dân chủ cho nhân dân Đông Dương, lập chính phủ, quân đội nhân dân, đoàn kết với giai cấp vô sản quốc tế, các dân tộc bị áp bức trên thế giới và sử dụng phương pháp bạo lực, cách mạng theo phương thức tổng bãi công, bạo động vũ trang khi có thời cơ.

Tuy nhiên, Luận cương chính trị tháng 10 năm 1930 quá nhấn mạnh đấu tranh giai cấp và cách mạng ruộng đất, khi cho rằng nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng tư sản dân quyền là phải “tranh đấu để đánh đổ các di tích phong kiến, đánh đổ các cách bóc lột theo lối tiền tư bản và để thực hành thổ địa cách mạng cho triệt để” và “đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập” (2). Vì vậy, Luận cương chưa thấy được đầy đủ thực chất của vấn đề thuộc địa là cái cốt của cách mạng tư sản dân quyền.

Do ảnh hưởng của quan điểm mang tính giáo điều và máy móc trong đánh giá quan hệ giữa vấn đề dân tộc và giai cấp trong các nước thuộc địa nên Luận cương chính trị chưa nhận thức đúng mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Việt Nam là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai của chúng nên quá nhấn mạnh mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp, do đó không phù hợp với một nước thuộc địa.

Đến Hội nghị tháng 10-1936 trong văn kiện “Chung quanh vấn đề chính sách mới”, Đảng ta sớm nhận thức các hình thức phổ biến và đặc thù của cách mạng vô sản. Từ đó Đảng ta cũng phê phán Luận cương chính trị 10-1930 và khẳng định rằng, “Cuộc dân tộc giải phóng không nhất định phải kết chặt với cuộc cách mạng điền địa” (3).

Khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, phải trải qua ba hội nghị Trung ương: Hội nghị Trung ương 6 (11-1939), Hội nghị Trung ương 7 (11-1940) và Hội nghị Trung ương 8 (5-1941), Đảng ta mới hoàn chỉnh nhận thức về vấn đề dân tộc. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khẳng định: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể dân tộc phải chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Đó là nhiệm vụ của Đảng ta trong vấn đề dân tộc” (4).

Từ đó Đảng ta xác định tính chất của cách mạng Đông Dương là: “Cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”. Vậy thì cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện nay là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng” (5).

Nhờ có chủ trương đúng đắn, sáng tạo trong việc giải  quyết vấn đề dân tộc, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, nhiệm vụ chống phong kiến phải rải từng bước một để phục vụ cho nhiệm vụ giải phóng dân tộc, Đảng ta đã tập hợp lực lượng đông đảo của cả dân tộc: công nhân, nông dân, dân nghèo thành thị, tiểu tư sản, trí thức, tư sản dân tộc, địa chủ vừa, nhỏ và cả tầng lớp trên trong bộ máy chính quyền phong kiến, tạo nên sức mạnh vĩ đại. Vì vậy, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả trong cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ của nhân dân ta do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo vì độc lập dân tộc. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Nhà nước dân chủ nhân dân, một hình thức nhà nước kiểu mới, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ra đời.

Như vậy, trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã có sự sáng tạo vĩ đại trong nhận thức về con đường phát triển của cách mạng trong xu thế mới của thời đại, sáng tạo trong việc giải quyết những vấn đề thực tiễn mà cách mạng đặt ra cho mỗi thời kỳ. Cách mạng Tháng Tám, năm 1945 là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, nhưng do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo nên nó thuộc phạm trù cách mạng vô sản. Đó là một cuộc cách mạng xã hội vì nó lật nhào ách đô hộ gần 80 năm của chủ nghĩa thực dân, lật nhào chế độ phong kiến thống trị 1.000 năm, lập nên chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam châu Á, mở đường cho lực lượng sản xuất nói riêng và cả dân tộc Việt Nam phát triển.

(Còn nữa)

PGS, TS. TRƯƠNG MINH DỤC

Học viện Chính trị khu vực III


(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.109.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.2 (1930), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 94.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.6 (1936-1939), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.152.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập. t.7 (1939-1945), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.113.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, t.7 (1939-1945), tr.119.

;
.
.
.
.
.