.
Lập lại trật tự lòng, lề đường: Bài toán khó

Bài cuối: Cần giải pháp đồng bộ

.

Dù có rất nhiều lý do để biện hộ về tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, nhưng theo ý kiến người dân, một trong những nguyên nhân không thể dẹp bỏ hành vi này là sự thiếu quyết tâm của các cơ quan chức năng.

Lấn chiếm lòng đường buôn bán tại chợ Tam Giác (cũ).
Lấn chiếm lòng đường buôn bán tại chợ Tam Giác (cũ).

Cơ quan chức năng ở đâu?

Báo cáo của hai quận Hải Châu và Thanh Khê sau 6 tháng triển khai thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” cho thấy khó xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường là do lực lượng làm nhiệm vụ còn mỏng, tính chất công việc nhiều nên dễ gây quá tải; địa phương tổ chức kiểm tra theo đợt, không bố trí lực lượng trong các ngày nghỉ, sau giờ hành chính...

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, không ít lần xe của đội/tổ kiểm tra quy tắc đô thị xuất hiện tại chợ Tam Giác (cũ), chợ Cồn nhưng lại “phớt lờ” tình trạng buôn bán dưới lòng đường. Ông H. (làm nghề xích-lô) cho biết: “Tôi thường thấy cảnh đó. Ngày nào lực lượng kiểm tra quy tắc đô thị cũng đến đây nhưng có dẹp được đâu!”.

Một sáng cuối tháng 7-2015, theo xe của tổ kiểm tra quy tắc đô thị phường Hải Châu 2, vòng qua các tuyến đường Ngô Gia Tự, Đoàn Thị Điểm, Triệu Nữ Vương, bắt gặp nhiều trường hợp lấn chiếm vỉa hè buôn bán, để xe nhưng tổ quy tắc làm ngơ. Người dân vội vàng thu dọn cái ghế, mớ hàng rồi nói với nhau: “Quy tắc tới, quy tắc tới...”, nhưng quy tắc không có động thái xử lý gì nên họ bày hàng ra bán lại. Chúng tôi trao đổi trực tiếp với tổ kiểm tra quy tắc đô thị và cả Phó Chủ tịch UBND phường Hải Châu 2 nhưng họ đều né tránh, không trả lời vì không có “tư cách phát ngôn” (?!). Nhìn quanh, bên cạnh trụ sở UBND phường Hải Châu 2, một vài cửa hàng kinh doanh vô tư lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ dùng cho việc để xe...

Một cán bộ kiểm tra quy tắc đô thị cho biết: “Lấn chiếm vỉa hè buôn bán đa phần người dân lao động, nên bị “vướng” về mặt tình cảm. Nếu mức phạt khoảng vài chục, vài trăm thì dễ xử lý. Đằng này khung phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng, có khi đến 3 triệu đồng. Với những người bán mớ rau, gánh xôi, bánh mì... thì phạt sao đây?”.

Những lý do trên cho thấy chủ trương của thành phố thì “nóng” nhưng ở cơ sở thì một số bộ phận lại làm “nguội”, thiếu đồng bộ, thiếu kiên quyết, còn nương tay khiến việc thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Cấp thiết tìm giải pháp

Khi được hỏi về giải pháp xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, các cơ quan chức năng đều cho rằng “quá khó” vì liên quan nhiều đến việc mưu sinh của người dân, lực lượng mỏng không kiểm soát hết được, quy hoạch cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế (nhiều con đường chính nhưng vỉa hè chỉ rộng từ 3-4m)...  

Ông Trần Thế Sơn, Chủ tịch UBND phường Thạch Thang (quận Hải Châu), cho biết khu vực chợ Tam Giác (cũ) rất khó dẹp bỏ vì đối tượng buôn gánh, bán bưng. Nhiều gia đình bán tại đó đã 3 đời, lại có hoàn cảnh rất khó khăn: mẹ già, con bị bệnh tâm thần, cả gia đình trông chờ vào gánh hàng rong... “Chúng tôi chủ yếu đẩy, đuổi và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng làm mất trật tự đô thị. Giải quyết như thế nào để không mất miếng cơm, manh áo của người nghèo vẫn là bài toán khó”, ông Sơn nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Kim Sơn, Chủ tịch UBND phường Thạc Gián (quận Thanh Khê), cũng cho rằng người dân trên địa bàn phường còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, khu vực đường Lý Thái Tổ tập trung rất nhiều người lao động, chủ yếu buôn bán hàng quán ăn nhỏ nên phải nghĩ đến việc tạo điều kiện cho người dân bảo đảm cuộc sống. “Chúng tôi từng họp các hộ dân, tư vấn chuyển đổi ngành nghề, có hộ đã vào buôn bán ở chợ nhưng không hiệu quả, không có cách nào khác là để họ buôn bán tại địa phương, yêu cầu bố trí gọn, có giỏ rác, nhắc khách để xe đúng quy định. Khả năng chúng tôi chỉ vậy, còn giải pháp nào hay hơn thì phải chờ lãnh đạo cấp trên”, ông Sơn nói.

Trong khi đó, nhiều ý kiến khác cho rằng, thứ nhất, cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong công tác xử lý vi phạm, tăng cường tuần tra, kiểm soát trên địa bàn, phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị. Thứ hai, phải có chính sách hợp lý hỗ trợ người dân trong vấn đề mưu sinh. Thứ ba, cần sự vào cuộc của các đoàn thể địa phương, nhắc nhở, tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân, cả người bán và người mua.

Thứ tư, thành phố nên có sự quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng vì nhiều tuyến đường, vỉa hè và lòng đường bằng nhau, lại lởm chởm, nhấp nhô nên nhếch nhác. “Đến những nơi sạch sẽ, khang trang, người ta muốn vứt rác cũng phải ngại. Tương tự, vỉa hè khang trang, sạch sẽ, thông thoáng thì người dân cũng e dè hơn khi vi phạm”, ông Phương (ở đường Ông Ích Khiêm) nêu ý kiến.

“Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” được xem là cơ hội để hướng đến xây dựng thành phố văn minh, xinh đẹp. Do đó, người dân kỳ vọng các ngành chức năng quyết tâm tìm ra những giải pháp hợp lý, thiết thực chấn chỉnh trật tự vỉa hè; đồng thời, cũng cần sự thay đổi ý thức của một bộ phận cư dân.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.