.

"Lơ lửng" nhà sinh hoạt cộng đồng

.

“Nhà sinh hoạt cộng đồng” (NSHCĐ) vốn được xem là một trong những bộ phận quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa (TCVH) cơ sở trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Không ít nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn Đà Nẵng quanh năm cửa đóng, then cài. TRONG ẢNH: Một góc của nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà).
Không ít nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn Đà Nẵng quanh năm cửa đóng, then cài. TRONG ẢNH: Một góc của nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà).

Tuy nhiên, từ việc định danh đến vấn đề vận hành sao cho đúng chức năng, hiệu quả, tránh trùng lặp với những thiết chế khác như: nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, phòng họp... là chuyện không dễ.

NSHCĐ chỉ dùng để họp tổ, họp thôn

Tại cuộc họp về vấn đề quy hoạch, xây dựng hệ thống TCVH quận Sơn Trà mới đây, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL thành phố, nói rằng: “Chỉ dùng để họp tổ, họp thôn thì không nên có NSHCĐ”… Theo ông Chiến, không nên chỉ vì sinh hoạt của một vài tổ dân phố, có khi vài ba tháng mới họp một lần mà “đẻ” thêm một thiết chế kéo theo những đòi hỏi về đầu tư cơ sở vật chất, bộ máy quản lý, vận hành.

Theo ông Chiến, việc hội họp của tổ dân phố, của thôn, xóm có thể vận dụng các địa điểm trống trên địa bàn vào một số giờ nhất định như trường học, thư viện, nhà dân, thậm chí quán cà-phê cũng có thể là nơi dùng để họp tổ dân phố. Trừ một vài địa bàn “bí” quá thì mới nên đầu tư NSHCĐ, không cần thiết phải đầu tư hàng loạt rồi bỏ không.

Đại diện Viện Quy hoạch thành phố cho biết, đơn vị này thực sự lúng túng trong quy hoạch, khi thành phố đưa NSHCĐ trở thành một bộ phận trong hệ thống TCVH cơ sở; cùng với trung tâm văn hóa - thể thao phường, xã; khu vui chơi giải trí và công viên vườn dạo. Nếu tách NSHCĐ ra khỏi hệ thống TCVH chung thì công tác quy hoạch có thể đã được hoàn tất từ rất lâu trước đó, mà không phải tốn nhiều giấy mực, công sức như thời gian qua.

Trong khi đó, một số ý kiến khác lại cho rằng, NSHCĐ là một TCVH cần thiết nếu chúng ta vận dụng được tối đa công năng. NSHCĐ không chỉ dùng để họp tổ dân phố, họp thôn mà là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao và những sinh hoạt đa dạng khác trong đời sống của đông đảo người dân. Tuy nhiên, khi được hỏi cụ thể mô hình của NSHCĐ như thế nào để vận dụng tối đa công năng, không trùng lặp với các thiết chế khác như nhà văn hóa phường, xã, thôn thì không ai tìm được câu trả lời thỏa đáng vì chưa có thông tư, quy định cụ thể nào từ trên về thiết chế riêng có tại Đà Nẵng này.

Nên tách NSHCĐ ra khỏi hệ thống TCVH

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Chiến bày tỏ băn khoăn về việc “định danh” sao cho đúng cái gọi là NSHCĐ. “Nên chăng chúng ta chỉ gọi là nhà họp thôn, tổ dân phố, vì gọi NSHCĐ nghe chung chung và rộng quá. Khi “danh chưa chánh thì ngôn khó thuận”, rất khó để bàn tiếp về những vấn đề tiếp sau đó”, ông Chiến phân tích thêm.

Theo thống kê, hiện toàn thành phố có 585 NSHCĐ (có nơi gọi là nhà văn hóa tổ, thôn). Phần lớn các thiết chế này được tổ dân phố, các tổ chức đoàn thể tại địa phương dùng để hội họp hằng tháng, quý. Qua tìm hiểu của chúng tôi, không ít NSHCĐ xây ra rồi bỏ không, quanh năm không có hoạt động, rất lãng phí.

Bàn về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, trách nhiệm chủ yếu thuộc về phía địa phương, cần căn cứ tình hình thực tế mà đề xuất hướng xây dựng cho phù hợp. Điều quan trọng nhất là phải thực sự phục vụ mục đích thiết thân của cộng đồng dân cư. Đối với bất kỳ TCVH nào, không riêng NSHCĐ, dân thấy cần, làm ra đáp ứng đúng nguyện vọng của dân, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, không lãng phí thì thành phố luôn sẵn sàng đầu tư, hỗ trợ trong khả năng cho phép.   

“Đối với NSHCĐ, khi thành phố chưa tìm ra một mô hình, cơ chế vận hành phù hợp thì không nên làm ẩu. Để tránh tốn thời gian, công sức, trước mắt có thể tách vấn đề NSHCĐ ra khỏi hệ thống TCVH, tập trung hoàn chỉnh 3 bộ phận không thể thiếu trong hệ thống TCVH cơ sở là trung tâm văn hóa xã, phường, khu vui chơi giải trí, công viên vườn dạo”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ đạo.  

Bài và ảnh: NGỌC DUNG

;
.
.
.
.
.