Khi quyền lợi hợp pháp của người lao động được đảm bảo, họ sẽ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. Trong ảnh: Người lao động Công ty CP SX TM Hữu Nghị Đà Nẵng nâng cao hiệu quả sản xuất vì được đảm bảo các quyền lợi. |
Tăng cường kỹ năng tham gia tố tụng
Những ngày đầu tháng 8 vừa qua, tại TP. Đà Nẵng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) đã khai mạc lớp tập huấn kỹ năng tham gia tố tụng tại Tòa án của các cấp Công đoàn (CĐ) trong vụ án lao động (LĐ) cho gần 50 học viên là chủ tịch, phó chủ tịch và cán bộ CĐ làm công tác tư vấn pháp luật thuộc LĐLĐ 14 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Đây là lớp tập huấn nằm trong dự án do Tổng LĐLĐ Việt Nam, Viện Friedrich Ebert Stiftung (Viện FES) và Liên minh châu Âu (EU) đồng phối hợp tổ chức. Tại lớp tập huấn, các học viên được cung cấp những kiến thức cơ bản về tranh chấp LĐ trong các vụ án LĐ; quyền và thẩm quyền của các bên liên quan trong việc giải quyết tranh chấp LĐ; kỹ năng tham gia tố tụng LĐ của cán bộ CĐ tại Tòa án và các bài tập thực hành tình huống từ những vụ án tranh chấp LĐ thực tế đã xảy ra hiện nay nhằm trang bị cho cán bộ CĐ những kiến thức cơ bản khi đại diện tham gia tố tụng tại các phiên tòa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Thực tế, số lượng các vụ tranh chấp lao động đưa đến tòa án ngày càng tăng. Qua thống kê chưa đầy đủ, năm 2012, tòa án cấp sơ thẩm thụ lý 3.117 vụ tranh chấp lao động cá nhân; năm 2013, thụ lý 4.470 vụ; năm 2014, thụ lý 4.682 vụ. Tuy nhiên, theo đánh giá từ Tổng LĐLĐ Việt Nam, CĐ một số địa phương, ngành chưa coi trọng hoặc vẫn còn lúng túng, chưa chủ động phát hiện sớm và có các giải pháp thực hiện công tác đại diện và bảo vệ người lao động tại tòa án.
Cụ thể như chưa chủ động khởi kiện và thực hiện các vai trò tố tụng tại các vụ án lao động; số lượng các vụ việc khởi kiện ra tòa án đại diện, bảo vệ người lao động (NLĐ) tại tòa án của các cấp CĐ còn ít so với thực tế mà nguyên nhân là do trình độ và số lượng cán bộ chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu hoạt động.
Thiếu đội ngũ cán bộ CĐ có trình độ, năng lực để tham gia giải quyết tranh chấp lao động và đại diện, bảo vệ người lao động tại tòa án LĐ các cấp... Đứng trước tình hình đó, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, việc đẩy mạnh trang bị kỹ năng tham gia tố tụng vụ án LĐ tại tòa cho cán bộ CĐ nhằm bảo vệ tốt quyền lợi cho NLĐ là vấn đề cần thiết và thường xuyên, đòi hỏi các cấp CĐ phải chú trọng.
Qua lớp tập huấn, các cán bộ CĐ phụ trách công tác tư vấn pháp luật của 14 tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên được trang bị những kỹ năng “cứng” về mặt lý thuyết. Phần lớn thời gian còn lại của đợt tập huấn, các học viên được tiếp cận những bài tập tình huống, chia sẻ kỹ năng trước khi tham gia tố tụng vào những phiên tòa cụ thể tại địa phương.
Chia sẻ về kết quả lớp tập huấn, anh Phạm Thanh Hiền, chuyên viên Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ thành phố Đà Nẵng cho biết: “Trên lý thuyết, các văn bản luật thì hầu như ai cũng nắm được; tuy nhiên những tình huống phát sinh từ thực tế hết sức sinh động qua các buổi thực hành thật sự rất bổ ích, nó giúp chúng tôi có nhiều kinh nghiệm hơn để có thể tiếp cận các vụ án lao động trong tương lai”.
Công đoàn Đà Nẵng nỗ lực bảo vệ người lao động
Tại thành phố Đà Nẵng, thời gian gần đây đã xuất hiện một số vụ việc vi phạm pháp luật lao động, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. LĐLĐ thành phố chỉ đạo các cấp CĐ đặc biệt quan tâm đến vấn đề này; đồng thời trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý giúp NLĐ khởi kiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khi Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn 2012 có hiệu lực thi hành, các cấp CĐ đã mạnh dạn thực hiện việc đại diện cho NLĐ khởi kiện tại tòa án.
Trường hợp ông Lê Lộc kiện Công ty CP Khí công nghiệp và hóa chất Đà Nẵng không giải quyết các chế độ cho ông theo đúng quy định khi ông nộp đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động vào năm 2014 là một minh chứng.
Cán bộ chuyên trách của LĐLĐ thành phố đã trực tiếp đại diện cho NLĐ tranh tụng tại tòa. Kết quả từ phán quyết của Tòa án nhân dân quận Liên Chiểu, Công ty CP Khí công nghiệp và hóa chất Đà Nẵng phải chi trả trợ cấp thôi việc, hoàn thành thủ tục xác nhận và trả sổ bảo hiểm xã hội cho ông Lê Lộc.
Phải nói rằng, đó cũng là một trong những bước khởi đầu nhiều thuận lợi để tổ chức CĐ tiếp tục đẩy mạnh trang bị kỹ năng tham gia tố tụng vụ án LĐ tại tòa cho cán bộ CĐ nhằm bảo vệ tốt quyền lợi cho NLĐ theo luật định.
Bài và ảnh: Ngọc Yến