Tháng 7 vừa qua, Đoàn trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng đã thực hiện chuyến “về nguồn” đến xã Trà Nú (huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam). Ngoài khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí, Đoàn trường còn tổ chức tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cộng đồng cho người dân nhằm thay đổi nhận thức của bà con về việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của chính mình.
Một em nhỏ ở xã Trà Nú được khám răng miễn phí. |
Nói những gì người dân cần nghe nhất
Xã Trà Nú có 4 thôn với 1.570 nhân khẩu, trong đó 95% là người dân tộc Coor. Chị Nguyễn Thị Thảo, trưởng thôn 3 cho biết, năm 2015, thôn đăng ký danh hiệu “Thôn văn hóa” cấp huyện, vậy mà chỉ trong mấy tháng đầu năm đã có trường hợp sinh con thứ 3. Đã vậy, thôn có 65 hộ thì 5-10 hộ thường xuyên xảy ra xô xát. Biết Trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng có chương trình tuyên truyền giáo dục sức khỏe ở xã Trà Nú, chị Thảo “đặt hàng” ngay 2 chủ đề đang làm chính quyền thôn “đau đầu nhất” là sức khỏe sinh sản (SKSS) và phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ).
Đoàn trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng còn tiếp nhận thêm “đơn đặt hàng” từ Trường tiểu học của xã về vấn đề chăm sóc sức khỏe răng miệng trẻ em. Cầm 2 “đơn hàng”, từ ngày 10 đến 12-7 vừa qua, cán bộ và sinh viên trường đã lên đường đến với đồng bào Trà Nú.
Chị Hoàng Nguyễn Nhật Linh, giảng viên khoa Y tế công cộng, phụ trách truyền thông của đoàn tình nguyện, chia sẻ về một kỷ niệm vui trong buổi tuyên truyền với chủ đề “Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe răng miệng”. Buổi tuyên truyền bắt đầu được ít phút thì các bậc cha mẹ, ông bà đưa con cháu đến chật kín cả hội trường vì hay tin đoàn tình nguyện kết hợp cả tuyên truyền với khám, trám răng miễn phí. Tận dụng lúc này, nhóm truyền thông của trường không chỉ hướng dẫn cách chải răng qua mô hình cho các em nhỏ, mà còn cho cả phụ huynh. Buổi sáng ấy thành buổi truyền thông “2 trong 1”, kết thúc bằng những trò chơi đánh răng được các em hào hứng tham gia và các phần quà là những bộ bàn chải, kem đánh răng.
Ở thôn 3, với 2 “đơn đặt hàng” về SKSS và chống BLGĐ, đoàn tình nguyện Trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng phối hợp với trưởng thôn gửi giấy mời đích danh đến 30 hộ được xem là “có vấn đề” nhiều nhất. Anh Lê Trọng Đại, trưởng nhóm sinh viên truyền thông, xúc động kể lại những câu chuyện vui buồn của buổi tuyên truyền. Có người mẹ khi xem phim về ảnh hưởng của một gia đình bạo hành lên đứa con đã lặng lẽ rơi nước mắt. Lại có một khán giả khi xem video cảnh người vợ bị chồng đánh đã hét lên: “Ai bảo không đánh lại, gặp tui tui đá văng tưng”.
Qua công tác tiền trạm cho việc tuyên truyền về SKSS, đoàn tình nguyện Trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng biết người dân Trà Nú hiện vẫn ít có thói quen sử dụng bao cao su (BCS). Vậy là trong buổi tuyên truyền, người dân được một trận cười sảng khoái với những bài hướng dẫn thực hành mang BCS cho… dưa leo. Những người vợ, người chồng Coor sau một hồi bẽn lẽn, đến cuối buổi đã tỏ ra khá thành thạo. 4.000 chiếc BCS đoàn tình nguyện chuẩn bị sẵn được tặng hết veo vào cuối buổi.
Hiệu quả từ các buổi tuyên truyền
Bác sĩ Trần Đình Trung, giảng viên Trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, cho biết lợi thế hàng đầu của việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cộng đồng là chi phí thấp và phổ tác động rộng. Trong tổng số 30 triệu đồng đầu tư cho đợt thăm khám, cấp thuốc miễn phí và tuyên truyền của trường, công tác tuyên truyền chỉ hết khoảng 5 triệu đồng. Chi phí thấp nhưng hiệu quả không thấp.
Theo bác sĩ Trung, trước đây, người dân Trà Nú chỉ tránh thai bằng thuốc nhưng lại lúc nhớ lúc quên, có nhà “quên” mãi, thành ra 5 năm 3 đứa. Tỷ lệ chị em phụ nữ bị các bệnh phụ khoa cũng không ít. Từ buổi tuyên truyền về SKSS hôm ấy, những người đàn ông, phụ nữ Coor đã hiểu BCS không chỉ giúp tránh thai mà còn chống bệnh lây qua đường tình dục nên mọi người không ngại ngần nhận lấy những chiếc BCS được tặng. Anh Trung hóm hỉnh chia sẻ, thuốc thì không phải lúc nào cũng nhớ mua, nhớ uống, nhưng BCS thì chắc chắn phải nhớ xài.
Ông Huỳnh Đại Phương, Bí thư Đảng ủy xã Trà Nú, cho biết trước đây bà con Trà Nú chỉ được nghe đến các phương pháp bảo vệ sức khỏe răng miệng, SKSS, chống bạo hành, đến giờ mới được nhìn tận mắt, được tự thực hành. Từ hôm đoàn tình nguyện về, trẻ em trong thôn có thêm niềm vui đánh răng vào buổi tối, bà con siêng năng quét dọn nhà cửa hơn trước.
Ông Đại Phương bảo, bà con dân tộc miền núi rất mong mỏi có thêm nhiều cơ hội được tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cộng đồng, vì ở đây hạt lúa hạt gạo có thể tự trồng, chứ kiến thức thì vẫn “đói” lắm. Có lẽ những lời này chính là động lực để nhân rộng, phát triển mô hình tuyên truyền kiến thức sức khỏe cộng đồng.
Bài và ảnh: KHANG NINH