Thất nghiệp, đi làm... “thợ đụng” (đụng gì làm nấy) là trường hợp của khá nhiều lao động trẻ hiện nay. Những lao động tự do thường đối mặt với nhiều rủi ro khi quyền lợi, bảo hiểm dành cho họ không bảo đảm.
Lao động tự do thường đối mặt với nhiều rủi ro. |
Không hợp đồng lao động, không cần trình độ, chỉ cần có sức khỏe và chăm chỉ, những người lao động có thể gia nhập ngay một nhóm thợ xây dựng đang “khát” người trong mùa hè. “Dù không đòi hỏi trình độ nhưng phải chịu khó học hỏi, biết quan sát để làm cho tốt thì chủ mới thuê”, anh Lê Văn Công (40 tuổi, quê Quảng Nam) có thâm niên nhiều năm trong nghề thợ xây cho biết. Anh Công cũng cho hay, bạn bè cùng quê với anh ra Đà Nẵng làm thợ rất nhiều, chủ yếu nhận những công trình nhỏ, làm nhà ở cho hộ gia đình.
Trong khi đó, dù tự nhận là “lính mới” so với anh Công nhưng Hồ Quốc Huy (28 tuổi, quê Quảng Nam) cũng đã làm thợ xây dựng được 3 năm. “Trước đây, em học ở một trường cao đẳng rồi về quê nhưng mãi không xin được việc nên đi làm thợ nề kiếm tiền trang trải cuộc sống. Riết rồi làm tới giờ luôn”, Huy nói.
Huy cho biết thêm, công việc thợ nề chỉ làm thời vụ vào mùa nắng nhưng có thu nhập rất khá dù hơi vất vả. Trừ các khoản ăn uống do chủ thầu lo, mỗi ngày thu nhập trung bình của một thợ “làng nhàng” như Huy được 200.000 đồng. Nếu ăn uống tằn tiện, mỗi tháng Huy gửi về phụ cho ba má làm nông ở quê 3,5 triệu đồng. “Dù biết công việc này chỉ làm tạm thời bởi không ổn định và không có tương lai nhưng em đành chấp nhận vì phải gửi tiền về giúp gia đình. Ba má thường đau ốm, rồi còn mấy đứa em đang đi học…”, Huy thở dài.
Theo ông Lê Hoài Giang, chủ thầu xây dựng tại Đà Nẵng thì các lao động tự do thích làm cho các công trình tư nhân hơn các công trình lớn bởi được nhận tiền ngay. “Nhiều công trình lớn nhưng có khi làm xong cả năm vẫn chưa nhận được đồng nào. Đó là chưa kể đang làm nửa chừng thì có thể dừng lại vì công trình hết vốn”, ông Giang cho biết. Theo ông Giang, thợ nề hiện tại đều có việc vì công trình nhiều. Bởi vậy, mức thu nhập có thể cao hơn tùy theo thỏa thuận và tay nghề.
Không chỉ làm thợ xây dựng, nhiều người còn chấp nhận đi theo xe tải để bốc vác, vận chuyển hàng hóa. Anh Hồ Văn Hà (48 tuổi, quê Quảng Ngãi) cho biết, một ngày anh phải bốc khoảng 4-5 kiện hàng cho chủ xe. “Nhiều lúc đi làm về lưng đau ê ẩm, không nuốt nổi cơm nhưng hôm sau vẫn phải ráng làm tiếp vì còn phải lo cho 2 đứa con”, anh Hà nói. Vợ anh Hà đau ốm liên miên nên không làm được gì. Bởi vậy, thu nhập của cả gia đình chỉ trông chờ vào 150.000 đồng/ngày tiền công bốc vác của anh Hà. Chưa có con số thống kê cụ thể nhưng lượng lao động tự do làm thợ xây dựng, thợ bốc vác, xe ôm, giúp việc nhà… hiện nay tại Đà Nẵng là không nhỏ.
Song, khi nghe hỏi về hợp đồng lao động, anh Lê Văn Công lắc đầu bảo chưa từng biết mặc dù anh làm thợ xây đã gần chục năm rồi. “Mình làm nghề này đâu bao giờ nghe đến việc ký hợp đồng lao động gì đâu. Có việc thì chủ thầu gọi làm, không thì thôi. Giờ chỉ mong có cái bảo hiểm y tế để lỡ ốm đau, chứ mỗi lần bệnh thì tốn tiền lắm”, anh Công thổ lộ.
Vất vả, nhọc nhằn đã đành, lao động tự do còn đối mặt với nhiều nguy hiểm. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn thành phố xảy ra 18 vụ tai nạn lao động làm 1 người chết, nhiều người bị thương, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng, tập trung vào những lĩnh vực lao động giản đơn trong xây dựng, gia công kim loại cơ khí, vận hành máy. “Các vụ tai nạn do ngã cao, va đập, vật đổ, sập và bị giật điện bởi người lao động chưa được trang bị đầy đủ các phương tiện về bảo hộ lao động”, ông Nguyễn Anh Ánh, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động thuộc Sở LĐ-TB&XH cho biết.
Không những ít được trang bị các thiết bị bảo hộ lao động như: mũ, quần áo, găng tay, cáp treo bảo hộ…, lao động tự do hầu hết ít được tập huấn kiến thức cơ bản về an toàn lao động và không được chủ sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động. Vì thế, khi sự cố xảy ra thì việc khắc phục hậu quả tùy vào… “lòng tốt” của chủ sử dụng lao động, bởi gần như không có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm. Theo ông Ánh, số lượng lao động tự do hiện nay trên địa bàn Đà Nẵng ngày càng nhiều. Bởi vậy, cần có những chính sách liên quan đến quyền lợi của họ và những biện pháp bảo vệ cũng như tạo điều kiện để họ tham gia các loại hình bảo hiểm.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ