1- Chủ nghĩa yêu nước là một khái niệm phản ánh hệ thống những tư tưởng, tình cảm, ý chí và hành động của một quốc gia dân tộc, của một giai cấp nhằm bảo vệ nền độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ và những giá trị vật chất, tinh thần mà dân tộc và Tổ quốc đã tạo nên trong suốt quá trình lịch sử dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước.
Trên một nghĩa nào đó, ý thức dân tộc là ý thức về cộng đồng của mình, mà mình luôn luôn thuộc về cộng đồng đó. Cá nhân phải có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ cộng đồng dân tộc của mình để nó tồn tại và không bị tan biến vào cộng đồng dân tộc khác… và ở tầm rộng lớn hơn thì ý thức dân tộc là tinh thần đề cao những đặc điểm, những giá trị cốt lõi của dân tộc mình nhằm giữ gìn, vận dụng và phát triển những đặc điểm, những giá trị đó để bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ, nền độc lập, tự chủ, và sự phát triển trường tồn của dân tộc và từ nội hàm này có thể thống nhất nhận thức rằng ý thức dân tộc là ý thức quốc gia (dân tộc).
2- Những thành tựu vĩ đại có ý nghĩa lịch sử là điều đã được khẳng định; tuy nhiên, nước ta vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, trong đó có những vấn đề gay gắt, bức xúc… đó là, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn còn tồn tại. Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng. Những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” có những diễn biến phức tạp.
Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đã và đang câu kết với nhau tiếp tục thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn, lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”… chia rẽ dân tộc, tôn giáo, vu cáo xuyên tạc, bóp méo tình hình, kích động bạo lực hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.
Đặc biệt, thời gian gần đây, những hành động nguy hiểm mà phía Trung Quốc gây ra trên Biển Đông đã trở thành thách thức lớn đối với chủ quyền quốc gia dân tộc của Việt Nam và môi trường hợp tác khu vực…
Tranh thủ thời cơ, khắc phục khó khăn, thách thức, trong điều kiện hiện nay cần nhận thức đúng và đầy đủ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công cuộc kháng chiến...”. Điều đó, đòi hỏi các tổ chức trong cả hệ thống chính trị cần nâng cao nhận thức với những kế hoạch cụ thể và thường xuyên để khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, vượt qua khó khăn, thách thức phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Chủ nghĩa yêu nước và ý thức dân tộc Việt Nam có nội dung rộng lớn và phong phú, trong điều kiện hiện nay, điều quan trọng là làm sao khơi dậy và phát huy lòng tự hào dân tộc để xây dựng nước Việt Nam hòa bình, hợp tác và phát triển, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; là khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu… để phát huy chủ nghĩa yêu nước và ý thức dân tộc (qua công tác tuyên truyền, giáo dục), cần hướng vào những nội dung sau:
- Thứ nhất, cụ thể hóa các cách thức biểu hiện chủ nghĩa yêu nước và ý thức dân tộc để mỗi người dễ hiểu, dễ tiếp thu và chuyển hóa thành hành động cách mạng.
Chủ nghĩa yêu nước và ý thức dân tộc Việt Nam là sự kết tinh và kế thừa của lịch sử dựng nước, giữ nước và được phát huy đúng lúc, đúng chỗ vì mục đích cao đẹp là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước. Hiện nay, chúng ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và hội nhập quốc tế… tất cả những vấn đề trên đều có hai mặt: thời cơ và thách thức. Nhưng, để đạt mục tiêu cao đẹp mà Đảng và nhân dân ta đã xác định là xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thì phải cụ thể hóa chủ nghĩa yêu nước thông qua phong trào “Thi đua ái quốc”, bởi thi đua là một cách thể hiện lòng yêu nước một cách thiết thực và tích cực nhất, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Thi đua là yêu nước - yêu nước là phải thi đua.
Cùng với chủ nghĩa yêu nước được thể hiện qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động… thì ý thức dân tộc trong điều kiện hiện nay đó là tinh thần dám nghĩ, dám làm, sáng tạo trong lao động và học tập; tinh thần vươn lên, khắc phục khó khăn, tạo công ăn việc làm, làm giàu chính đáng cho mình và cho xã hội; là tinh thần đấu tranh với cái sai, cái xấu, đấu tranh với những vấn đề xã hội bức xúc hiện nay như quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Ý thức dân tộc còn ở chỗ là giữ gìn và phát huy những đặc điểm, giá trị truyền thống tốt đẹp dân tộc (cũng như của từng tộc người) nhằm bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ, nền độc lập, tự chủ và sự phát triển trường tồn của dân tộc.
- Thứ hai, tích cực tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa yêu nước và ý thức dân tộc trong quần chúng nhân dân.
Tuyên truyền, giáo dục để nhận thức đúng rằng trong xã hội có giai cấp thì chủ nghĩa yêu nước cũng có tính giai cấp và chủ nghĩa yêu nước cũng biến đổi cùng với sự biến đổi bản chất giai cấp của xã hội. Những người yêu nước chân chính là những con người đã và đang bảo vệ lợi ích của Tổ quốc, đấu tranh cho nền độc lập của Tổ quốc. Bởi vì, mất độc lập thì họ bị áp bức không chỉ những kẻ bóc lột trong nước, mà cả những kẻ bóc lột nước ngoài. Lòng khát khao thoát khỏi sự bóc lột, có được Tổ quốc của riêng mình - đó là nét quan trọng của những người yêu nước trong điều kiện xã hội có giai cấp đối kháng.
Trong tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa yêu nước và ý thức dân tộc cũng cần chú ý nhằm tránh tư tưởng tự ti hay bi quan của một số người, về một số mặt mà chúng ta chưa làm được, từ đó, so sánh và trách móc… thái độ đó chỉ có thể dẫn đến hạ thấp chúng ta và làm suy yếu khả năng phát triển đất nước. Chúng ta không phủ nhận sai lầm, khuyết điểm, những sai lầm, khuyết điểm ấy có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan… Nhưng cũng cần hiểu rằng, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong điều kiện quốc tế hiện nay, chúng ta không chỉ cần có thời gian, mà còn cần cả mồ hôi, nước mắt và bằng cả sự hy sinh xương máu nữa.
Trong công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa yêu nước và ý thức dân tộc cần đổi mới, lựa chọn, kết hợp và vận dụng sáng tạo các phương thức và hình thức tuyên truyền, giáo dục. Điều cần quan tâm nhất là sự kết hợp giữa tuyên truyền, giáo dục với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, đây là điều kiện để chuyển chủ nghĩa yêu nước và ý thức dân tộc thành hành động cụ thể của mỗi người.
Thứ ba, bảo đảm “môi trường” để mỗi công dân thể hiện lòng yêu nước và ý thức dân tộc.
Không nên biến chủ nghĩa yêu nước và ý thức dân tộc thành những khẩu hiệu để hô hào, kêu gọi chung chung, mà nó phải được thực hiện trong những điều kiện cụ thể, với những con người cụ thể. Do đó, Đảng và Nhà nước phải bảo đảm những điều kiện để mỗi công dân thực hiện tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc của bản thân mình. Bởi, ngoài sự tự giác thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục, thì luật pháp, cơ chế, môi trường, các tổ chức hội, đoàn thể là vô cùng quan trọng.
Các giải pháp đồng bộ, phối hợp được mọi nguồn lực, mọi tiềm năng của xã hội tạo thành một cơ chế chung thống nhất; sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội; việc tôn vinh những gương người tốt việc tốt; việc phê phán những biểu hiện của bệnh vô cảm, hay những tiêu cực đã và đang phát sinh... chính là “môi trường” để qua đó mỗi công dân “tự ngắm” lại mình, chỉnh sửa mình bằng những việc làm ngày càng cụ thể hơn, thiết thực hơn...
PGS, TS NGUYỄN VĂN NAM
(Học viện Chính trị khu vực III)