Chính trị - Xã hội

PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI THUỐC LÁ

Đốt thuốc, đốt cả tương lai

08:09, 20/08/2015 (GMT+7)

Dạo một vòng quanh thành phố Đà Nẵng, không khó để bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ trên tay cầm điếu thuốc lá. Dù các ngành chức năng đã tăng cường hoạt động tuyên truyền về tác hại thuốc lá nhưng xu hướng hút thuốc trong giới trẻ có chiều hướng gia tăng.

Ký cam kết xây dựng trường học không khói thuốc tại Đà Nẵng.
Ký cam kết xây dựng trường học không khói thuốc tại Đà Nẵng.

Tại quán Internet N. trên đường Ông Ích Khiêm, có 2-3 nam khoảng 16-17 tuổi đứng phì phèo điếu thuốc trước khi “cày” game. Lân la hỏi chuyện, Hùng - tên một bạn nam cho biết đang học ở một Trường THPT trên địa bàn quận Hải Châu. “Trước đây, em chưa biết hút thuốc nhưng đi chơi với nhóm bạn rồi tập tành hút theo. Không hút bị tụi nó chê là dân quê, không sành điệu. Với lại, tụi nó hút, mình đi cùng chẳng lẽ ngồi nhìn!”, Hùng nói.

Hùng cho hay, ở nhà hút thuốc thì bị bố mẹ la nên chỉ khi đi chơi với bạn thì em mới hút thuốc. Lúc trước, mới tập hút mỗi ngày 1-2 điếu nhưng bây giờ tăng lên dần, có ngày hút cả gói. Khi được hỏi về tác hại của thuốc lá, Hùng im lặng.

Dạo quanh các quán cà-phê, trà sữa vào mỗi buổi chiều, không hiếm cảnh các cậu bé túm tụm lại vừa trò chuyện, vừa đốt thuốc. Một bạn nam cho biết, lúc đầu chỉ vì tò mò, sau thì nghiện hút thuốc lúc nào không hay, giờ thành thói quen nên không bỏ được.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay, nước ta có hơn 15 triệu người hút thuốc lá; 33 triệu người không hút thuốc lá đang bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại nhà; 5 triệu người tiếp xúc khói thuốc lá thụ động tại nơi làm việc. Việt Nam là 1 trong 15 nước có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới và tỷ lệ hút thuốc lá trong thanh, thiếu niên đang tăng; độ tuổi bắt đầu hút thuốc ngày càng trẻ với 21,6% nam thanh niên từ 16-24 tuổi hút thuốc...

Việc cấm hút thuốc lá tại công sở và nơi công cộng; tăng thuế thuốc lá; cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá dưới mọi hình thức là những động thái tích cực của cơ quan chức năng nhằm hạn chế khói thuốc. Đặc biệt, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá quy định nơi cấm hút thuốc hoàn toàn, đó là các cơ sở y tế; cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; khu vực có nguy cơ cháy nổ cao; phương tiện giao thông công cộng.

Cũng theo luật này, mọi hành vi sử dụng, mua bán thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi sẽ bị phạt từ 100.000 - 300.000 đồng, người bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi cũng sẽ bị phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng… Dù vậy, việc thực thi còn khó khăn bởi thiếu chế tài và do lợi nhuận cao nên các cửa hàng vẫn “phớt lờ” quy định. Vì vậy, thanh-thiếu niên có thể dễ dàng mua thuốc lá tại bất kỳ đâu mà không vấp phải sự ngăn cản nào.

Tại Đà Nẵng, khi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực, nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn đã cơ bản xây dựng thành công mô hình trường học không khói thuốc lá như: ĐH Sư phạm, ĐH Kinh tế, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Bách khoa, CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng)… Không chỉ dừng ở khẩu hiệu không khói thuốc, pa-nô, áp-phích cổ động mà nhiều trường còn tổ chức mít-tinh, nói chuyện chuyên đề, thi tìm hiểu về tác hại của thuốc lá.

Tại Trường THPT Nguyễn Hiền (quận Hải Châu), các hình thức tuyên truyền trong toàn trường thường xuyên được đổi mới như: nói chuyện dưới cờ, xây dựng hệ thống bảng biểu, khẩu hiệu, pa-nô và bố trí tại các khu vực như: căn-tin, hội trường, phòng làm việc, khu vực tiếp phụ huynh... Tuy nhiên, những hoạt động trên chỉ làm giảm khói thuốc trong phạm vi trường học.

Theo bác sĩ Trần Bá Thoại, Trưởng khoa Điều trị tổng hợp thuộc Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, thanh-thiếu niên hút thuốc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó ảnh hưởng việc học tập. Khói thuốc gây ra nhiều bệnh liên quan đến đường hô hấp và các bệnh lý khác như: ung thư phổi, ung thư vùng hầu. Hút thuốc trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các em và chất lượng cuộc sống. Bởi vậy, quan trọng nhất là nâng cao ý thức của mỗi em để nói “không” với thuốc lá.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

.