Chính trị - Xã hội

Sân khấu hóa phòng chống HIV/AIDS

07:46, 28/08/2015 (GMT+7)

Tiếng cười sảng khoái xen lẫn những khoảng lặng đầy xúc cảm là tâm trạng của người xem khi chứng kiến những phần thi dí dỏm mà sâu sắc của các đội tại Hội thi tuyên truyền viên giỏi, phong trào toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư, do Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng tổ chức vừa qua tại Nhà hát Trưng Vương.

Tiểu phẩm của đội quận Hải Châu mang đến nhiều tiếng cười cho khán giả.
Tiểu phẩm của đội quận Hải Châu mang đến nhiều tiếng cười cho khán giả.

“Xin đừng bỏ chúng tôi ở lại. Đừng kỳ thị với chúng tôi”, đó là tiếng kêu thống thiết của một phụ nữ và một người đàn ông tại sân ga khi con tàu vừa rời bến…. Họ là những người nhiễm HIV bị những người trên tàu ghẻ lạnh, xua đuổi và không cho lên tàu. Hình ảnh hai người bệnh tật giữa sân ga hoang vắng, cô độc khiến nhiều người quay mặt đi, cố giấu những giọt nước mắt xúc động.

Thật may mắn, con tàu đã quay trở lại và đón hai con người, hai số phận không may bị nhiễm HIV, mang theo lời tự sự: Dù con tàu có đi đến bến bờ hạnh phúc nhưng bỏ họ lại thì liệu có thể có hạnh phúc trọn vẹn hay không. “Xin đừng kỳ thị, hãy gần gũi và giúp đỡ người nhiễm HIV” là thông điệp mà đội dự thi đến từ quận Cẩm Lệ gửi gắm trong màn chào hỏi tại hội thi

Chào khán giả bằng 3 nhân vật hình tượng hóa tệ nạn ma túy, mại dâm và HIV, đội dự thi đến từ quận Hải Châu mang đến cho khán giả những tràng cười thoải mái bằng những lời thoại khá dí dỏm, qua đó truyền tải đến người nghe tác hại của ma túy, mại dâm góp phần làm lây lan dịch bệnh HIV. Cuối tiểu phẩm là hình ảnh ma túy, mại dâm và HIV bị đẩy lùi bởi sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể và chính từ ý thức của mỗi người. “Hãy góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh này” là thông điệp của đội dự thi đến từ quận Hải Châu.

“Mỗi tiểu phẩm là một thông điệp mang ý nghĩa sâu sắc. Thông qua sân khấu hóa nên nội dung dễ hiểu, dễ đi vào lòng người và dễ nhớ”, chị Nguyễn Thùy Dung (34 tuổi, ở quận Thanh Khê) chia sẻ sau khi xem phần thi của các đội. Còn anh Nguyễn Văn Đạt (28 tuổi, ở quận Hải Châu) cho biết, anh đưa các con đi xem và cổ vũ cho đội nhà. “Qua hội thi, tôi có thêm kiến thức về tác hại và cách phòng ngừa tệ nạn xã hội, đồng thời giảng giải thêm cho các con để các cháu tránh xa ma túy”, anh Châu thổ lộ.

Theo đánh giá của ban giám khảo, mỗi đội dự thi (10 người/đội) đến từ 7 quận, huyện (Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và Hòa Vang) đều mang đến những phần trình diễn khá công phu, qua những tiểu phẩm sinh động đã thể hiện nhiều nội dung tuyên truyền, quảng bá về thành phố Đà Nẵng hướng tới mục tiêu 3 không về HIV/AIDS (không còn người nhiễm mới HIV; không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS). Bên cạnh đó, các đội đã thể hiện kiến thức khá toàn diện trong các phần thi trắc nghiệm, nhìn hình đoán chữ và thuyết trình.

Hội thi kết thúc với giải nhất thuộc về huyện Hòa Vang, giải nhì thuộc về quận Hải Châu, 2 giải ba thuộc về các đội đến từ quận Sơn Trà và quận Cẩm Lệ. “Hoạt động này nhằm củng cố và nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi trong phòng, chống HIV/AIDS cho thành viên các nhóm nòng cốt phong trào toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư trên địa bàn Đà Nẵng.

Hình thức sân khấu hóa qua các tiết mục được dàn dựng công phu của các địa phương là cách tuyên truyền hiệu quả nhằm nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng dân cư để phòng chống tệ nạn xã hội”, ông Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, Trưởng Ban tổ chức hội thi cho biết.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

.