.

Sẵn sàng trong mùa mưa bão

.

Những năm gần đây, thiên tai, bão lụt liên tục xảy ra trên biển và đất liền, nhất là các tỉnh, thành ven biển miền Trung, Vùng 3 Hải quân luôn xác định phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn (PCBL-TKCN), cứu giúp nhân dân là nhiệm vụ chiến đấu.

Cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Từ  Vùng đến các đơn vị, trong kế hoạch PCBL - TKCN đều có ph­ương án kép và thực hiện tốt ph­ương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và chỉ huy tại chỗ), vừa phòng, chống tốt cho mình, vừa giúp đỡ nhân dân có hiệu quả trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

Theo Đại tá Đỗ Quốc Việt, Tư lệnh Vùng 3, để kịp thời ứng phó với thiên tai, bão lũ năm 2015, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã tăng cường các biện pháp, bổ sung các phương án phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn sát với đặc điểm, tình hình và lực lượng, phương tiện hiện có, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, quân đội và nhân dân.

Với phương châm, tư tưởng chỉ đạo trong công tác PCBL-TKCN “Phòng là chính; tích cực, chủ động, ứng cứu nhanh, có hiệu quả”, Vùng 3 đã xây dựng và điều chỉnh phương án sẵn sàng cho cả hướng bờ, hướng biển trước và sau bão lũ.

Theo đó, Vùng thường xuyên có 3 tàu trực tại bến, 2 tàu trực tuần tra trên biển, khi có mưa bão sẽ điều động 2 tàu vận tải làm nhiệm vụ thông báo bão, áp thấp nhiệt đới; các lực lượng tàu của Vùng với đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc quân y, dầu, mỡ cung cấp cho ngư dân, sẵn sàng cơ động tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh.

Lực lượng, phương tiện giúp đỡ, phòng, chống và ứng cứu nhân dân trên bờ gồm 7 đội công tác, mỗi đội gồm 40 - 50 người, được trang bị xuồng cao tốc ST 650, xuồng composite, xuồng cao su,  xe tải, xe cẩu, xe nâng cùng hàng ngàn bao cát, cọc tre, phao áo cứu sinh...

Các tổ cứu thương với đầy đủ phương tiện, cơ số thuốc sẵn sàng đến địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng trước, trong và sau bão. Các lực lượng còn lại của Vùng tập trung phòng, chống bão tại đơn vị và sẵn sàng lên đường đến các tỉnh miền Trung ứng cứu, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả sau bão lũ.

Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ trong vùng không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng vượt qua sóng gió, hiểm nguy, kịp thời có mặt trên vùng biển xa, tìm kiếm cứu được hàng trăm tàu thuyền và ngư dân gặp nạn trên biển và giúp đỡ nhân dân trên địa bàn phòng, chống, khắc phục hậu quả sau mỗi đợt bão lũ. Từ đầu năm 2015 đến nay, các tàu của Vùng đã tham gia 3 lần cứu nạn tàu cá bị hỏng máy khi đang đánh bắt tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 20-5, tàu 951 cứu nạn tàu QT 91045 (Quảng Trị); ngày 26-6, tàu 629 cứu nạn tàu cá QNg 98588TS do ông Lê Bé, trú ở xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, Bình Định, trên tàu có 5 lao động; ngày 23-6, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển, tàu 629 tiếp tục cứu nạn tàu cá QNg 98588TS do ông Nguyễn Đức Lợi, sinh năm 1979 ở xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi làm thuyền trưởng, trên tàu có 11 thuyền viên. Khi được tàu của Vùng 3 Hải quân cứu kéo về đảo Lý Sơn an toàn, ông Nguyên Đức Lợi kể: Sau 3 ngày bị hỏng máy thả trôi trên biển, nước vào trong tàu, tàu cá vẫn không khắc phục được sự cố, trong khi khu vực có gió cấp 6, cấp 7 thời tiết rất nguy hiểm vì chịu ảnh hưởng bão số 1.

Mặc dù đã phát tín hiệu được đề nghị giúp đỡ khẩn cấp nhưng do thời tiết sóng to, gió lớn nên không thể bắt tín hiệu. Trên tàu, ai cũng hoang mang, lo lắng không biết tính mạng của mình sẽ ra sao. Rất may, tàu 629 của Vùng 3 đã kịp thời đến cứu nạn.

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Tiến Dũng, Chính ủy Vùng 3 Hải quân nhấn mạnh: PCBL - TKCN nói chung, công tác cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển nói riêng đã là “mệnh lệnh trái tim” của người chiến sĩ Hải quân. Trước tình hình thời tiết, khí hậu biến đổi phức tạp, khó lường như hiện nay, ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân vẫn tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, góp phần thiết thực làm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho nhân dân và tài sản của Nhà nước, thực sự là chỗ dựa tin cậy, điểm tựa vững chắc cho bà con yên tâm bám biển, vươn khơi phát triển kinh tế. Vì vậy, con người và tàu thuyền, trang bị kỹ thuật, ph­ương tiện cấp cứu luôn ở t­ư thế sẵn sàng khi có lệnh là lên đ­ường đ­ược ngay và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bài và ảnh: XUÂN HƯỞNG

;
.
.
.
.
.