.

Sáng tạo giải quyết vấn đề dân tộc và phương pháp cách mạng

(Tiếp theo)

2. Sáng tạo trong xác định phương pháp cách mạng

Sau khi đề ra đường lối đúng, việc lựa chọn phương pháp tiến hành cách mạng có ý nghĩa quyết định thắng lợi của đường lối chính trị. Tuy nhiên việc xác định phương pháp cách mạng không phải do ý muốn chủ quan của bất cứ cá nhân hay tổ chức chính trị nào mà do sự quy định của những yếu tố khách quan và chủ quan.

Vai trò của người lãnh đạo là trên cơ sở nhận thức được quy luật vận động của lịch sử; đặc điểm cụ thể của từng nước, từng địa phương, từng thời kỳ mà đề ra phương pháp cách mạng cho thích hợp. Từ kinh nghiệm lịch sử của xã hội loài người, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác- Lênin chỉ ra rằng để giành chính quyền từ tay giai cấp thống trị, quần chúng cách mạng phải sử dụng bạo lực chứ không thể ảo tưởng chờ giai cấp thống trị trao chính quyền cho nhân dân.

Ở Việt Nam, đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đại diện cho 2 xu hướng bạo động vũ trang và cải lương trong đấu tranh chống thực dân Pháp và triều đình phong kiến để giải phóng dân tộc và phát triển đất nước. Trong bối cảnh xã hội nước ta lúc đó, tư tưởng yêu nước của các ông như một luồng gió mới thổi vào xã hội Việt Nam, vì cả hai xu hướng đều tìm thấy lợi khí mới từ tư tưởng dân chủ tư sản.

Trong đó, Phan Châu Trinh là người vượt qua những hạn chế kỳ thị đương thời; trên cơ sở mạch tư tưởng của các nhà cải cách Việt Nam thế kỷ XIX như Nguyễn Tường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, đã vươn tới tiếp thu tư tưởng tiến bộ của nhân loại, nhằm mục đích giải phóng dân tộc. Tư tưởng tư sản lúc bấy giờ tuy đã lỗi thời trước sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa Mác-Lênin, song đối với Việt Nam, một nước thuộc địa nửa phong kiến thì nó còn mới mẻ, nên có tác dụng nhất định.

Tư tưởng cải cách dân chủ theo hướng tư sản khi thâm nhập vào quần chúng đã tạo nên phong trào Duy Tân, phong trào kháng thuế đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, khác với tư tưởng cải lương bất bạo động của Găng-đi ở Ấn Độ là tư tưởng có cội rễ từ chiều sâu lịch sử của Ấn Độ và có cơ sở xã hội là giai cấp tư sản dân tộc tương đối mạnh, có lực lượng quần chúng rộng lớn trong phong trào dân tộc làm hậu thuẫn, tư tưởng dân chủ cải lương của Phan Châu Trinh không có cơ sở xã hội vì tình hình kinh tế Việt Nam lúc đó chưa hình thành giai cấp tư sản dân tộc.

Mặc dầu Phan Châu Trinh lớn tiếng “bất bạo động, bạo động tắc tử, bất vọng ngoại, vọng ngoại dã ngu”, nhưng tư tưởng dân chủ cải lương của ông cũng bị thực dân Pháp đàn áp vì ngay tư tưởng này cũng là một hiểm họa đối với chế độ thuộc địa.

Tinh thần yêu nước và tư tưởng đề cao vai trò của văn hóa dân tộc của Phan Châu Trinh khi chủ trương: chấn hưng dân khí, nâng cao dân trí, hậu dân sinh, cho đến nay các thế hệ hậu sinh rất khâm phục. Nhưng tư tưởng này chỉ dựa vào người Pháp để thực hiện thì chỉ là ảo tưởng.

Chính Phan Châu Trinh trong thư gửi Nguyễn Ái Quốc ngày 18 tháng 2 năm 1922, cũng chua chát thừa nhận: “Bấy lâu nay, bọn mình bên này có đăng báo chương, hô hào các hạng người Pháp có lương tâm ngõ hầu giúp người An Nam đánh đổ cường quyền áp chế, nhưng kết quả chẳng được là bao, cái khát vọng tự do, bình đẳng, bác ái mà ông Mạnh Đức Tư Cưu, ông Lư Thoa khởi xướng chẳng nhỏ được một giọt nào trên đất Việt Nam”(1).  Thế nhưng một số người cố lờ đi sự thật lịch sử đó, họ lớn tiếng cho rằng: “bất bạo động” là một hình thức đấu tranh, nếu để cho tư tưởng cải lương bất bạo động của Phan Châu Trinh tiếp tục phát triển thì may ra cũng giành được độc lập như Ấn Độ mà không cần đổ máu, đất nước vẫn phát triển.

Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin và kinh nghiệm lịch sử của dân tộc không chỉ trong việc xác định đường lối phát triển đất nước mà còn trong xác định phương pháp cách mạng giành chính quyền và giải quyết đúng đắn phương thức giành chính quyền. Đề ra tư tưởng bạo lực cách mạng, Đảng ta nhận thức rằng sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp cách mạng của quần chúng, vì vậy phải tổ chức lực lượng quần chúng tiến hành các hình thức đấu tranh từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị.

Là một đất nước ở vị trí phải luôn luôn đương đầu với giặc ngoại xâm, trước kẻ thù to lớn và hung bạo, để bảo vệ sự sống còn, cha ông ta phải luôn luôn dùng biện pháp đấu tranh vũ trang. Điều này trở thành một truyền thống của dân tộc, là phương pháp của một nước nhỏ chống lại những kẻ thù xâm lược hung bạo. Hơn nữa, xâm lược nước ta, đế quốc Pháp cấu kết với bè lũ phong kiến để đàn áp, bóc lột nhân dân ta, mọi phản kháng dù nhỏ của nhân dân ta đều bị đàn áp. Để lật đổ chế độ thực dân phong kiến không thể không dùng sức mạnh của quần chúng.

Tuy nhiên, những người cộng sản Việt Nam không tuyệt đối hóa bạo lực, không tuyệt đối hóa đấu tranh vũ trang. Đảng Cộng sản Việt Nam, trong quá trình lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân ta luôn luôn tỉnh táo để nhận thức đúng sự phát triển của tình hình trong nước và trên thế giới, để đề ra những mục tiêu trước mắt, cũng như phương pháp cách mạng phong phú, đa dạng, kể cả đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ.

Những người cộng sản không bao giờ đùa với khởi nghĩa. Việc quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền những năm 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh là do sự phát triển thái quá của phong trào cách mạng dưới sự chỉ đạo của đảng bộ địa phương, chứ không phải là chủ trương chung của Đảng. Tuy nhiên khi khởi nghĩa đã nổ ra, Đảng ta có thái độ đúng đắn: đánh giá cao sự ra đời của Xô viết Nghệ Tĩnh, đồng thời tìm mọi cách để hạn chế sự thiệt hại do sự đàn áp của kẻ thù, củng cố ảnh hưởng của Xô viết trong quần chúng. Đảng ta đã quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940) khi chưa có thời cơ và hoãn việc phát động chiến tranh du kích ở Cao-Bắc-Lạng (1944). Bản thân thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám (1945) không phải là kết quả của đấu tranh vũ trang đơn thuần mà là sự kết hợp đấu tranh chính trị của quần chúng với sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang.

Quán triệt quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã chủ động chuẩn bị lực lượng từ thấp đến cao qua ba cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh, cao trào vận động dân chủ 1936 -1939 và cao trào vận động giải phóng dân tộc 1939-1945. Từ thực tiễn Đảng đã sáng tạo ra những hình thức đấu tranh mới phong phú, đa dạng để tập hợp lực lượng quần chúng, nhờ đó khi thời cơ đến, nhanh chóng phát động khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định.

Thành công của Cách mạng Tháng Tám là kết quả trực tiếp của mười lăm năm đấu tranh anh dũng, kiên cường của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, là kết quả của quá trình chuẩn bị lực lượng từ thấp đến cao, là quá trình giành thắng lợi từng bước tiến lên tổng khởi nghĩa thắng lợi trong cả nước. Đó là thắng lợi của nghệ thuật tạo thời cơ, chớp thời cơ và kiên quyết hành động, chứ không phải là giành thắng lợi nhờ “khoảng trống quyền lực” như quan điểm của một số học giả nước ngoài(2). Điều đó góp phần làm phong phú thêm quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin về phương pháp cách mạng giành chính quyền ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến.

Như vậy, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả của quá trình nhận thức và giải quyết một cách sáng tạo vấn đề dân tộc và phương pháp cách mạng.

(Còn nữa)

PGS, TS. TRƯƠNG MINH DỤC

Học viện Chính trị khu vực III


(1) Phan Châu Trinh: Toàn tập, (gồm 3 tập), t.3, Nxb. Đà Nẵng, 2005, tr. 99.

(2) S. Tonnesson: The Vietnamese Revolution of 1945. Roosevelt, Ho Chi Minh and De Gaulle in a worrld at war (Cách mạng Việt Nam năm 1945- Rudơven, Hồ Chí Minh và Đờ Gôn trong một thế giới chiến tranh).

;
.
.
.
.
.