Ngày 3-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có văn bản số 1261 trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Lê Việt Trường (phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh) về vấn đề “phong trào” quảng trường hoành tráng.
Công trình khối nụ hoa tại quảng trường Lâm Viên TP Đà Lạt thời điểm đang thi công tháng 5-2015 - Ảnh: C.Thành |
Đại biểu Trường hỏi: “Hiện nay, việc xây dựng quảng trường hoành tráng đang có dấu hiệu phát triển thành phong trào, cá biệt còn có nơi xây mới Văn Miếu tượng tựa Văn Miếu của TP Hà Nội. Đây là việc làm đi ngược lại sự chỉ đạo của Chính phủ về tiết kiệm chi, dồn vốn cho đầu tư phát triển.
Thay mặt cử tri, tôi xin gửi đến Thủ tướng một số câu hỏi sau đây: Việc xây dựng quảng trường của các tỉnh, TP có nằm trong quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt không? Kinh phí lấy từ nguồn nào?
Phong trào này có nên tiếp tục phát triển trong tình hình hiện nay không, khi mà ngân sách nhà nước còn khó khăn, nợ càng ngày càng cao?”.
Trả lời đại biểu, Thủ tướng cho biết: Quảng trường là không gian chung của các đô thị, là điểm sinh hoạt chung của cộng đồng nhân dân, nơi diễn ra các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đến thời điểm hiện nay, không có quy hoạch quảng trường chung cho cả nước.
Theo quy định của pháp luật, việc quy hoạch chi tiết, quyết định đầu tư xây dựng các quảng trường trong các đô thị thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp tỉnh. Quảng trường tại các tỉnh, TP là công trình các tỉnh, TP và do ngân sách địa phương chịu trách nhiệm bố trí thực hiện.
“Quyết định xây dựng các quảng trường thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND các tỉnh, TP. Trên thực tế, hầu hết quảng trường tại các tỉnh, TP được xây dựng bằng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Trong những năm qua, ngân sách trung ương đã hỗ trợ một phần vốn xây dựng một số quảng trường như: quảng trường Hùng Vương tại tỉnh Phú Thọ gắn với di tích đền Hùng, quảng trường Nguyễn Tất Thành tại Tuyên Quang gắn với tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh” - công văn nêu.
Theo quan điểm của Thủ tướng, “việc xây dựng quảng trường tại các đô thị là tạo lập không gian sinh hoạt chung, phù hợp với xu thế phát triển của đô thị văn minh hiện đại và cần được nghiên cứu trên cơ sở tổng hòa giữa nhu cầu địa phương, cộng đồng dân cư; theo tiêu chuẩn, quy hoạch của các bộ quản lý ngành có liên quan (Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch...); thời điểm, lộ trình phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng huy động vốn”.
Theo Tuổi trẻ