Chính trị - Xã hội

Thuyền trưởng can trường, nghĩa hiệp

07:57, 25/08/2015 (GMT+7)

Đó là ông Lê Văn Ninh, ở tổ 125, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu-thuyền trưởng tàu ĐNa 90072 TS. Không chỉ kiên cường bám biển xa bờ, đánh bắt hiệu quả mà thuyền trưởng này còn có nghĩa cử rất đáng trân trọng, nhiều lần cứu vớt ngư dân bị nạn trên biển.

Đầu tháng 8 vừa qua, ông và các thuyền viên trên tàu đã vớt một thi thể trôi dạt tại vùng biển cách Đà Nẵng hơn 150 hải lý chở về đất liền lo hậu sự, an táng và xây mộ chu đáo. Trước đó, không ít lần, tàu ông cứu ngư dân tàu bạn bị chìm hoặc lai dắt tàu cùng địa phương bị hư hỏng về đất liền.

Cụm từ “hiệp sĩ trên biển” mọi người dành tặng ông xuất phát từ nghĩa cử đầy tính nhân văn này. Nhiều năm nay, ông đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giỏi cấp thành phố; các năm 2010, 2014, được UBND thành phố Đà Nẵng tặng Bằng khen.

Ông Lê Văn Ninh
Ông Lê Văn Ninh

Sinh ra, lớn lên trong gia đình có truyền thống đánh bắt hải sản ở phường Xuân Hà (quận Thanh Khê), 14 tuổi, Lê Văn Ninh đã xuống tàu ra biển. Sóng gió biển khơi đã tôi luyện cho ngư dân ở tuổi thiếu niên ấy trở thành thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm. Với khát khao đổi đời luôn cháy bỏng, ông Ninh kiên trì tích lũy để rồi khi chưa đến 30 tuổi ông đã có tàu của riêng mình.

Cứ thế, khi vốn nhiều hơn, bán tàu nhỏ ông đầu tư đóng tàu công suất lớn. Cách đây hơn 10 năm, đến phường Hòa Minh định cư, ông trở thành con chim đầu đàn trong hoạt động khai thác hải sản của quận Liên Chiểu. Hiện nay, gia đình ông đang sở hữu 2 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó tàu ĐNa 90541TS công suất 600CV, hạ thủy cuối năm 2012.

Gặp nhau khi vừa xây xong mộ cho người quá cố mà ông đưa về từ biển, Lê Văn Ninh tâm sự: “Thực ra, việc vớt và đưa thi thể người không quen biết từ khơi xa về đất liền chôn cất là sự đấu tranh tư tưởng rất gay cấn của ngư dân trên tàu. Có người, khi vừa phát hiện đã giục thuyền trưởng cho tàu vượt nhanh qua khu vực đó, tiếp tục đánh bắt, bởi hải sản chưa nhiều, nếu trở về sẽ thua lỗ nặng. Có người cho rằng, vớt lên bỏ vào thùng đá, đánh bắt tiếp, ít ngày nữa hãy về.

Với tôi, tôi yêu cầu vớt lên và trở về đất liền ngay, càng nhanh càng tốt, bởi lương tâm không cho phép. Thế là, thi thể người quá cố được đưa lên tàu, rồi cứ thế tăng tốc chạy về đất liền, cho dù thời gian của chuyến biển theo kế hoạch mới được một nửa. Tuy chuyến biển thua lỗ cả trăm triệu đồng, nhưng lòng thanh thản khi người không quen biết ấy được chôn cất chu đáo”. Được biết, đây là lần thứ 2 tàu ĐNa 90072 TS vớt thi thể từ biển  đưa về đất liền.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) thành phố Đà Nẵng nhớ lại: Cách đây 3 năm, tàu ĐNa 90072 TS của ông Ninh cứu kịp thời 7 ngư dân trên tàu của ông Trần Văn Út ở quận Sơn Trà. Lần đó, giữa lúc sóng to gió lớn, tàu ông Út bị hỏng, điện báo cấp cứu về đất liền.

Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố đề nghị Trung tâm Cứu hộ cứu nạn hàng hải khu vực 2 đưa tàu ra cứu hộ. Khi tàu cứu hộ kéo tàu bị nạn về đất liền, dây kéo đứt và tàu cá bị chìm. Cả 7 ngư dân trên tàu rơi xuống biển. Tàu ông Ninh đánh bắt gần đó, nhận tin báo đã nhanh chóng đến cứu hộ và vớt 7 ngư dân lên tàu an toàn.  

Nói về thuyền trưởng Lê Văn Ninh, ông Nguyễn Thanh Bê, Chủ tịch Hội Nông dân quận Liên Chiểu cho biết: Không chỉ dạn dày kinh nghiệm trong đánh bắt hải sản, ông Ninh là ngư dân kiên trường bám biển Hoàng Sa, cho dù tình hình an ninh tại vùng biển đó rất phức tạp. Ông cũng là người có sự hỗ trợ rất thiết thực các ngư dân có hoàn cảnh khó khăn. Hầu như năm nào, tàu ông cũng giúp đỡ các tàu khác khi gặp sự cố trên biển. Nghĩa cử cao cả của thuyền trưởng này không chỉ được ngư dân mà cả chính quyền, Hội Nông dân địa phương ghi nhận, đánh giá rất cao.

Bài và ảnh: HOÀI NAM

.