.

Tổ cảnh giới đường sắt: "Tay không bắt giặc"

.

Hơn 5 năm qua, 13 tổ cảnh giới ở những vị trí được xem là “tiềm ẩn nguy cơ cao” đã không để xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt nào trong giờ trực của mình. Tuy nhiên, theo chính những người làm nhiệm vụ ở các tổ cảnh giới thì kết quả này rất mong manh, bởi đa phần họ đều “tay không bắt giặc”.

Vị trí tại tổ cảnh giới bến Bà Tân, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu xuống cấp nghiêm trọng.
Vị trí tại tổ cảnh giới bến Bà Tân, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu xuống cấp nghiêm trọng.

Suốt trong buổi trò chuyện, ông Lữ Bằng, nhân viên gác trực tại tổ cảnh giới đường sắt Km779+500, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu cứ nhấp nhổm không yên khi ngồi trong “văn phòng”.

Khi chúng tôi đề nghị ra vị trí chỗ barrier để nói chuyện thì ngay lập tức nhận được cái gật đầu từ ông. Đến lúc này ông mới thoải mái tâm sự: Đây là vị trí nóng, nguy cơ TNGT có thể xảy ra bất cứ lúc nào vì mỗi ngày có trên vài ngàn lượt người qua đây. Mà trạm cảnh giới thì nằm thụt vào trong, khuất tầm nhìn, khó quan sát được khi tàu đến. Vì vậy suốt 5 năm qua, đều đặn từ 5 giờ sáng đến 19 giờ hằng ngày, hai người trực cứ chia ca, “ôm” trụ barrier căng mắt ra mà nhìn.

Nói rồi, ông chỉ về phía Bắc đường ray và giải thích: Đó chú có thấy tấm biển nhỏ xíu đó không? Tất cả công việc của chúng tôi hằng ngày là nhìn chăm chăm vào đó. Cứ thấy tấm biển quay ngược ra khỏi đường ray tức là sắp có tàu đến, mình phải có nhiệm vụ đóng barrier.

Ông giải thích thêm, tấm biển đó ở vị trí trạm gác của đường sắt, vì là của đường sắt nên nhận được tín hiệu giờ cụ thể tàu chạy đến. Mỗi khi họ nhận lệnh thì tấm biển quay ra, ông ở đây không có thông tin gì thì  chỉ nhìn “ké” mà làm theo họ thôi. “Cái kiểu căng mắt cả ngày thế này đau tim lắm, vì vậy tôi đã 4 lần lên tận ga Kim Liên đề nghị họ chia sẻ thông tin bằng cách thông báo qua hệ thống điện thoại được lắp đặt cho các tổ cảnh giới, hoặc bật đèn tín hiệu cho chúng tôi biết. Thế nhưng lần nào họ cũng nói là “ghi nhận” sẽ giải quyết, nhưng có giải quyết gì đâu”, ông Bằng cho hay.

Chung tâm trạng bất an như vậy, ông Đoàn Ngọc Hoàng, nhân viên tổ cảnh giới bến Bà Tân, cũng thuộc phường Hòa Hiệp Nam cho biết: Làm nhân viên cảnh giới này chỉ có người già như chúng tôi mới đủ kiên trì, chịu khó bám đường sắt để kịp thời đóng barrier khi có tàu đến. Việc căng mắt nhìn tấm biển nhỏ xíu của đường sắt để “nhận lệnh” tàu đến vô cùng vất vả bởi mùa nắng thì nhìn hoa cả mắt, còn mùa mưa thì không thể thấy gì; khi đó chỉ còn cách căng tai ra nghe tiếng tàu chạy đến để đóng kịp thời.

Mới đây bên đường sắt đòi đóng đường ngang dân sinh này, bà con viết đơn xin giữ lại nên họ mới thôi. Đây là con đường độc đạo của bà con khu vực Xuân Dương và Nam Ô 2 của phường Hòa Hiệp Nam đi ra đường Nguyễn Lương Bằng, không hiểu họ nghĩ sao mà nói đóng là đóng được. “Cũng chính vì trong tình trạng chờ ngày xóa sổ mà tại vị trí này rất nguy hiểm, lối đi băng qua đường sắt xập xệ”, ông Hoàng lo lắng.

Hơn 3 năm đi vào hoạt động cũng là chừng đó thời gian không có vụ TNGT đường sắt nào xảy ra tại tổ cảnh giới Km795+890, thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ; tuy nhiên, ông Võ Thế Hùng, nhân viên tổ cảnh giới tại vị trí này cho rằng ngoài sự nỗ lực của 2 người trong tổ thì còn lại là... may mắn. Bởi theo ông Hùng, làm nhân viên cảnh giới đường sắt mà mù tịt thông tin tàu chạy, cứ suốt ngày ngồi ngay barrier để trông chừng, thấy tàu đến là vội vàng đóng barrier lại cho kịp. Nhiều lúc xe chạy ồn quá không nghe được, tới khi tàu chạy đến sát trạm cảnh giới mới biết, lúc đó chỉ còn đủ thời gian đóng một barrier, còn lại mình đứng một bên ngăn không cho người đi đường băng qua đường sắt khi tàu chạy đến.

Khi được hỏi về chiếc điện thoại do chính ngành đường sắt lắp đặt cho trạm, ông Hùng ngao ngán lắc đầu: “Điện thoại thì có nhưng cứ hư mãi, báo thì họ đến sửa xong ngày hôm sau lại hư tiếp. Vì thế mấy năm nay cũng bỏ luôn đó chứ có dùng được đâu”. Tuy nhiên, theo ông Hùng, dù điện thoại dùng được nhưng bên đường sắt không báo giờ tàu chạy thì cũng chẳng có giá trị gì hết.

Trao đổi với chúng tôi về chuyện thông tin cho các tổ cảnh giới này, ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố cho biết: Qua phản ánh của các tổ cảnh giới và kiểm tra thực tế, chúng tôi đã thấy sự bất cập này và đã vài lần làm văn bản gửi sang bên đường sắt đề nghị cải thiện tình hình. Thế nhưng chẳng hiểu sao đến nay họ vẫn im lặng và không triển khai việc chia sẻ thông tin về lịch trình tàu chạy cho các tổ cảnh giới biết để đóng mở barrier một cách kịp thời, bảo đảm an toàn cho người đi đường.

Hiệu quả của các tổ cảnh giới trên tuyến đường sắt qua địa bàn thành phố là không có gì bàn cãi. Nhờ những tổ cảnh giới này, không những giảm thiểu TNGT đường sắt mà còn bảo đảm an toàn và lịch trình của các chuyến tàu Bắc-Nam. Do vậy, hơn lúc nào hết, ngành đường sắt nên sớm có quy chế chia sẻ thông tin cho các tổ cảnh giới đường sắt, đừng để những điều đáng tiếc xảy ra rồi mới “nghiêm túc rút kinh nghiệm”

Bài và ảnh: Trần Luân Sơn

;
.
.
.
.
.