Chính trị - Xã hội
Tổng Bí thư: Báo chí cần góp phần tạo ra sức mạnh toàn dân tộc
Phát biểu tại Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Báo chí cần góp phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh, xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách con người Việt Nam trong thời kỳ mới, góp phần cổ vũ và tạo ra sức mạnh toàn dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp chính thức Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam |
Sáng ngày 9-8, tại Hà Nội đã khai mạc phiên họp chính thức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam. Tới dự Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh. Đến dự Đại hội còn có lãnh đạo các Bộ, ban ngành, đoàn thể và các nhà báo lão thành.
Phát biểu tại phiên họp chính thức Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và dẫn dắt, rèn luyện, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những đóng góp to lớn đối với đất nước. Báo chí cách mạng đã thực sự xứng đáng là vũ khí tinh thần, vũ khí chính trị sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng - văn hoá, trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng CNXH hiện nay”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, trải qua quá trình lịch sử 90 năm đồng hành cùng dân tộc, đội ngũ những người làm báo Việt Nam đầy nhiệt huyết, bám sát thực tiễn cuộc sống, có bản lĩnh chính trị vững vàng và trình độ nghiệp vụ ngày càng được nâng cao, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, đã nỗ lực phấn đấu, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.
Qua quá trình phát triển, báo chí là vũ khí tuyên truyền sắc bén của Đảng với tính dự báo cao, báo chí đã tích cực cổ vũ những tư duy mới, nhân tố mới, cách làm mới. Báo chí cũng đấu tranh quyết liệt và sắc sảo chống lại các quan điểm, luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị của đất nước, tạo môi trường chính trị - xã hội thuận lợi để nước ta hội nhập và phát triển.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong hoàn cảnh mới, báo chí đã từng bước thích nghi và năng động hơn trong nền kinh tế thị trường, nhưng không đi chệch định hướng XHCN; tích cực mở rộng quan hệ quốc tế và hoà nhập, nhưng vẫn giữ vững bản sắc báo chí cách mạng và truyền thống văn hoá dân tộc Việt Nam.
Đến nay, báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về nhiều mặt. Diện mạo, số lượng, chất lượng và công nghệ làm báo... đã đạt được những bước tiến lớn. Chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa và chất lượng kỹ thuật - nghiệp vụ của báo chí ngày càng được nâng cao. Đội ngũ những người làm báo tăng nhanh, mặt bằng trình độ được nâng cao.
“Thay mặt Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những đóng góp to lớn của báo chí cả nước cũng như của Hội Nhà báo Việt Nam!”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Bên cạnh những thành tựu, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoạt động báo chí cũng còn bộc lộ một số mặt hạn chế, khuyết điểm. Còn có hiện tượng thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng - văn hoá, chưa thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích, còn để lọt thông tin không trung thực, thiếu chính xác, giật gân, câu khách, lộ bí mật; khai thác thông tin nước ngoài thiếu chọn lọc; chưa làm tốt công tác phát hiện, tuyên truyền các điển hình tiên tiến, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước.
Một số cơ quan báo chí chậm đổi mới nội dung và hình thức, nội dung tuyên truyền chưa hấp dẫn, chưa làm chủ được dư luận xã hội. Còn có cán bộ, phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật. Việc xử lý những sai phạm trong hoạt động báo chí đã được tăng cường, nhưng còn có trường hợp chưa nghiêm, chưa có những chế tài thích đáng, đủ mạnh để khắc phục. Hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam đã có nhiều thành tựu mới, song nhiều nơi vẫn còn có tính hình thức, hiệu quả chưa cao.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh thêm một số vấn đề triển khai nhiệm vụ công tác của Hội trong nhiệm kỳ tới.
Báo chí cần góp phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh, xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách con người Việt Nam trong thời kỳ mới, góp phần cổ vũ và tạo ra sức mạnh toàn dân tộc. Thông tin trên báo chí phải có tính thời sự cao, lành mạnh, thiết thực, có tính chiến đấu, định hướng tư tưởng... kiên quyết loại bỏ những thông tin ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội.
Ngoài ra, báo chí phải thực sự trở thành cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, trở thành diễn đàn xã hội rộng rãi để phát huy dân chủ, phát huy những giá trị văn hóa tiến bộ, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc; diễn đàn để nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên và phản biện xã hội, nâng cao trình độ dân trí; động viên, cổ vũ, tổ chức cho các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng; phải dựa vào quần chúng, tạo điều kiện để quần chúng tham gia, giám sát, đánh giá hiệu quả của báo chí.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng các cấp Hội Nhà báo cần chú trọng hơn nữa tập hợp hội viên, tiếp tục đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện những quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với các ban ngành chức năng, các cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo trong việc không ngừng nâng cao vai trò, vị trí, chất lượng và hiệu quả hoạt động Hội...
* Qua ba ngày làm việc, các đại biểu tham dự Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành mới gồm 57 thành viên (tăng 8 ủy viên so với nhiệm kỳ trước, do số lượng hội viên và số lượng tổ chức Hội đã tăng trong 5 năm qua). Ông Thuận Hữu - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX, tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch hội khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020.
Tổng số hội viên Hội Nhà báo hiện nay là 22.000 người, tăng trên 5.000 so với đầu nhiệm kỳ. Hiện cả nước có 270 tổ chức Hội, gồm 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố với 12.188 hội viên; 19 Liên chi hội trực thuộc Trung ương Hội với 4.165 hội viên.
Theo Quang Phong/Dân trí