.

UBTV Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự

.

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 17-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Tạm giữ, tạm giam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Ảnh: TTXVN

Có nên quy định “Trách nhiệm của công an xã, phường, thị trấn, đồn công an” trong dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 

Trách nhiệm của công an xã, phường, thị trấn, đồn công an (Điều 43 của dự thảo Luật) là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến trong nội dung thảo luận về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. 

Phó Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho rằng, hoạt động của công an xã, phường, thị trấn là hoạt động tiền tố tụng chứ không phải là hoạt động trong tố tụng. Hoạt động điều tra chỉ được coi là hoạt động trong tố tụng từ khi khởi tố vụ án. Thời điểm đó mới được coi là hoạt động điều tra hình sự. 

Ông Khánh lập luận, nếu quy định như Điều 43 của dự thảo Luật, sẽ có nhiều nội dung thuộc hoạt động điều tra, chứ không phải là hoạt động hỗ trợ điều tra. Vì vậy, không nên quy định Điều 43 trong dự thảo luật này vì cơ quan xã, phường, thị trấn không phải là cơ quan điều tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị, quy định này cần phải rà soát, xem xét lại. Điều 43 được xếp trong Chương 6 của dự thảo luật, tức là quan hệ phân công, phối hợp trong hoạt động điều tra hình sự, chứ không phải quy định về chủ thể điều tra hình sự, hoạt động điều tra hình sự và trách nhiệm của cơ quan điều tra hình sự. 

Chủ nhiệm Phan Trung Lý lập luận: “Sẽ không hiểu được chúng ta quy định về sự phối hợp hay quy định về thẩm quyền trách nhiệm cho công an xã. Quy định không rõ, khi thực hiện sẽ có vấn đề, sẽ vi phạm pháp luật, đặc biệt là liên quan đến Hiến pháp”. 

Theo ông Phan Trung Lý, Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định công an xã tham gia hoạt động điều tra và trách nhiệm điều tra của công an xã, “do đó, công an xã thực hiện quy định tại Điều 43 của dự thảo Luật dựa trên cơ sở nào?”. 

Đánh giá đây là một vấn đề lớn cần thận trọng xem xét, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu: Để phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm quyền con người, một số ý kiến đề nghị Điều 43 không nên để ở dự thảo Luật. “Vậy, không để ở luật này thì để ở luật nào”, đây là vấn đề cần nghiên cứu, làm rõ, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. 

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo và Cơ quan thẩm tra dự án Luật cần nghiên cứu, đề xuất để báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội quy định tại Điều 43 nên đưa vào luật nào hoặc có sửa ngay Pháp lệnh công an xã thành Luật Công an xã để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp ngay không? 

Mở rộng phạm vi điều tra cho bộ đội biên phòng cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Trên thực tế, tội phạm xảy ra ở địa bàn nội địa hầu hết đều xảy ra tại khu vực biên giới mà bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách và chủ trì, phối hợp với lực lượng công an nhân dân, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới. 

Một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu mở rộng phạm vi điều tra một số tội danh cho Bộ đội biên phòng; đồng thời cần phải rà soát để tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ điều tra của các cơ quan đóng tại địa bàn biên giới quốc gia. Tán thành mở rộng phạm vi điều tra, tuy nhiên đại biểu Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An Ninh đề nghị chỉ nên nghiên cứu, mở rộng phạm vi điều tra ở đồn biên phòng đóng tại địa bàn xa xôi, hẻo lánh, chứ không nên mở rộng đại trà. 

Xem xét thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam 

Thời gian còn lại của phiên làm việc buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Tạm giữ, tạm giam. 

Thảo luận về quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam (Điều 9 dự thảo Luật), nhiều ý kiến cho rằng việc liệt kê tất cả các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam được hưởng hoặc bị hạn chế đã được quy định trong các luật vào dự thảo luật này là không khả thi, dẫn đến trùng lắp, chồng chéo và cũng không bảo đảm tính linh hoạt khi phải sửa đổi, bổ sung. 

Dự án luật được chỉnh lý theo hướng quy định một số quyền, nghĩa vụ cơ bản nhất, trực tiếp liên quan đến người bị tạm giữ, tạm giam, còn một số quyền khác được thực hiện như thế nào sẽ do các đạo luật chuyên ngành đang quy định điều chỉnh. 

Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam (Điều 46 của dự thảo Luật), qua thảo luận, có ý kiến đề nghị không quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam để bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 23 của Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân là: "Viện Kiểm sát nhân dân có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tạm giữ, tạm giam”. 

Ý kiến khác đề nghị vẫn cần tiếp tục giao thẩm quyền giải quyết khiếu nại cho cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; trường hợp người khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết hoặc hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam không giải quyết thì Viện Kiểm sát giải quyết. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị phân loại những nội dung tố cáo phù hợp với Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện Kiểm sát nhân dân. Những nội dung về kiến nghị liên quan đến những vấn đề như chế độ ăn, uống, chăm sóc y tế … thì cơ sở trực tiếp tạm giữ, tạm giam tiếp nhận, giải quyết. 

Vấn đề này nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, hiện nay cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam vẫn đang giải quyết khiếu nại của người bị tạm giữ, tạm giam về các vấn đề có liên quan tới chế độ sinh hoạt của họ. 

Viện Kiểm sát giải quyết khiếu nại mà cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam đã giải quyết mà đương sự vẫn khiếu nại và trực tiếp giải quyết các khiếu nại về việc áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về tạm giữ, tạm giam. 

Việc thực hiện theo quy định này bảo đảm tính kịp thời trong việc giải quyết khiếu nại của người bị tạm giữ, tạm giam về các vấn đề có liên quan trực tiếp tới chế độ, quyền lợi của người bị tạm giữ, tạm giam như chế độ ăn, ở, mặc, chăm sóc y tế, gặp thân nhân...; phù hợp với nguyên tắc là khiếu nại trước hết phải do cơ quan hoặc cấp trên của cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hoặc có hành vi bị khiếu nại giải quyết, mặt khác vẫn bảo đảm thẩm quyền của Viện Kiểm sát trong việc kiểm sát giải quyết khiếu nại hoặc trực tiếp giải quyết khiếu nại. 

Theo chương trình, chiều nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) và việc gia nhập Công ước Viên năm 1980.

Thời gian còn lại của phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc gia nhập Công ước Viên năm 1980. 

Theo chương trình, sáng 18-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội c ho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) và dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). 


Theo Quỳnh Hoa (TTXVN)

;
.
.
.
.
.