Chính trị - Xã hội

Văn hóa - văn minh đô thị: Cần những giải pháp căn cơ

07:50, 06/08/2015 (GMT+7)

Đó là vấn đề được đặt ra tại Hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị 43-CT/TU về “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, sau 6 tháng thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, thành phố đã có nhiều chuyển biến rõ nét, tạo nền nếp ban đầu về trật tự xã hội, trật tự mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường; đặc biệt, tình trạng dán quảng cáo, phát tờ rơi không đúng quy định đã giảm đáng kể.

Đồng thời, nhận thức của người dân dần chuyển biến, từ nghe, biết đã bắt đầu tham gia cùng chính quyền, đoàn thể bằng sự đồng thuận với các chủ trương của thành phố, tham gia giữ gìn tuyến phố sạch đẹp... Công tác đầu tư thiết chế văn hóa cũng được các ngành, địa phương chú trọng…

Bên cạnh những yếu tố tích cực, nhiều vấn đề tồn đọng gây bức xúc cho người dân như: tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, để xe; vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy; đậu, đỗ xe dưới lòng đường sai quy định; tình trạng lang thang xin ăn và ăn xin biến tướng còn nhiều. Gần đây, các hộ dân tự ý chiếm dụng các khu đất trống để tổ chức kinh doanh ăn uống và tình trạng này liên tục phát sinh tại các khu vực ven biển, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, vẫn còn quá nhiều thùng rác cũ, bẩn, nứt đặt trên các tuyến phố chính; tần suất thu gom rác chưa kịp thời dẫn đến ứ đọng, gây mất vệ sinh môi trường.

Để xảy ra tình trạng trên, một phần do công tác xử lý các hành vi vi phạm chưa thật sự triệt để, còn nhiều vướng mắc và lúng túng, dẫn đến tái diễn vi phạm khi không có lực lượng chức năng, đặc biệt là đối với 3 nhóm hành vi trọng điểm. Do đó, nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, cần chú trọng những giải pháp căn cơ, trong đó quan tâm phương án chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ người bán hàng rong là dân địa phương cũng như cần có các biện pháp cụ thể xử lý những người ngoài tỉnh vi phạm.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhận xét, kết quả rõ nhất trong 6 tháng thực hiện Chỉ thị 43 là sự chỉ đạo và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sở, ngành, địa phương và người dân…, mang lại nền tảng ban đầu trong việc xây dựng thành phố văn minh, sạch, đẹp. Tuy nhiên, “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” chỉ là tiền đề để Đà Nẵng thực hiện trong những năm tiếp theo. Vì vậy, nếu không quyết liệt hơn nữa thì khó giải quyết triệt để, bền vững đối với 3 nhóm hành vi trọng điểm ngay trong năm nay.

Để đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ 6 tháng còn lại của “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương. Cụ thể, Sở VH-TT&DL, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở LĐ-TB&XH tập trung giải quyết dứt điểm 3 nhóm hành vi trọng điểm.

Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết các điểm nóng về môi trường như khu vực Âu thuyền Thọ Quang, cải tạo ô nhiễm sông Phú Lộc. Sở Xây dựng nghiên cứu giải pháp mái che, thiết kế những mẫu phù hợp nhằm vừa đảm bảo quy định về giao thông, vừa nhận được sự đồng thuận của người dân. Sở Giao thông vận tải lắp đặt biển báo, đèn giao thông, cải thiện điểm ùn tắc tại nút giao thông Lê Duẩn - Trần Phú - Bạch Đằng…

Đồng thời, chú ý phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, địa phương, đoàn thể; tiếp tục thực hiện và duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền; thực hiện các biện pháp tuyên truyền hiệu quả; chú trọng đối tượng tuyên truyền là người dân; hạn chế các hình thức tuyên truyền chung chung, hình thức và qua loa; phát huy vai trò tuyên truyền vận động của đoàn thể và tổ dân phố, khu dân cư.

NGỌC HÀ

.