Chính trị - Xã hội

Vững vàng vươn khơi

14:26, 05/08/2015 (GMT+7)

Nhân dân Sơn Trà đã có truyền thống và thế mạnh vươn khơi khai thác thủy hải sản. Bằng sự đồng tâm của các ngư dân cùng công tác vận động, tuyên truyền, động viên của đội ngũ lãnh đạo phường, quận, bằng hệ thống hạ tầng phục vụ nghề cá ngày càng hoàn thiện nên cả khi phải đối mặt với nhiều thách thức, tình yêu dành cho biển và ngành nghề truyền thống này của người dân trên địa bàn quận vẫn luôn được duy trì và phát triển.

Phó Bí thư thường trực Quận ủy Sơn Trà Phan Minh Hải tặng quà cho ngư dân Sơn Trà.
Phó Bí thư thường trực Quận ủy Sơn Trà Phan Minh Hải tặng quà cho ngư dân Sơn Trà.

Thời gian qua, hệ thống hạ tầng phục vụ nghề cá quận Sơn Trà không ngừng được đầu tư và dần hoàn thiện, khu công nghiệp dịch vụ hậu cần thủy sản với hệ thống âu thuyền, cảng cá, khu chế biến thủy sản, chợ đầu mối, cơ sở đóng sửa tàu thuyền… ngày càng hoạt động hiệu quả hơn, số lượng tàu khai thác xa bờ tăng nhanh; hoạt động cảng cá khá sầm uất, sản lượng hải sản qua cảng tăng đều hằng năm, là nguồn cung chủ yếu cho các nhà máy chế biến thủy sản và các chợ trong thành phố.

Hằng năm, quận Sơn Trà còn quan tâm dành nguồn kinh phí hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản ven bờ chuyển đổi nghề, đồng thời khuyến khích, vận động ngư dân tích cực tham gia các chính sách phát triển tàu cá xa bờ gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, chuyển đổi cơ cấu tàu thuyền, nghề theo hướng vươn khơi, khai thác trên biển theo Tổ đội khai thác hải sản và chủ động trong phòng tránh thiên tai, cứu nạn, cứu hộ.

Những năm qua, quận Sơn Trà đã không ngừng tháo gỡ khó khăn, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ tàu chủ động ra khơi khai thác hải sản có hiệu quả, tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của quốc gia. Hiểu rõ những khó khăn vất vả của ngư dân khi phải đối mặt với thách thức của thiên nhiên, sự đe dọa từ phía Trung Quốc khi luôn tìm cách rượt đuổi, thậm chí tấn công tàu thuyền của ngư dân Việt Nam, quận Sơn Trà thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn để các ngư dân thêm kinh nghiệm trong việc chủ động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phòng, chống thiên tai.

Ông Nguyễn Hiền, chủ tàu ĐNa 90242 cho biết, làm biển phụ thuộc nhiều vào tự nhiên nên ngư dân luôn lo lắng trước những chuyến vươn khơi dài ngày. Trong giai đoạn Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nỗi lo này càng nhân lên gấp bội bởi cái giá mà họ phải trả không chỉ là chi phí cho cả chuyến đi mà còn là tính mạng của bản thân và bạn thuyền.

Tuy nhiên, lãnh đạo quận Sơn Trà đã kịp thời đến từng hộ để chuyện trò, tâm sự với thuyền trưởng, thuyền viên và với các thành viên trong gia đình. “Sự phân tích thấu đáo và động viên chân thành đã giúp mọi người yên tâm, tự tin vươn khơi để vừa bám biển, giữ biển, vừa khai thác thủy sản. Nguồn động viên to lớn về mặt tinh thần này đã giúp bà con ngư dân yên tâm, tiếp tục gắn bó với biển để bảo đảm kế sinh nhai cho gia đình và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Hiền nói.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Mai, Trưởng phòng Kinh tế quận Sơn Trà, từ năm 2010 đến nay, ngư dân trên địa bàn quận đã đầu tư hàng tỷ đồng để đóng mới, mua mới và nâng cấp tàu thuyền công suất lớn, đưa cơ cấu tàu thuyền và nghề khai thác hải sản chuyển dịch tích cực theo hướng vươn khơi, góp phần tăng sản lượng khai thác.

Đội tàu đánh bắt xa bờ liên tục tăng trong những năm qua nhờ nhiều chính sách hỗ trợ tàu đánh bắt xa bờ đã khuyến khích ngư dân đầu tư nâng cấp tàu thuyền khai thác vùng khơi. Đây là sự chuyển dịch tích cực, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển khai thác thủy sản bền vững theo hướng vươn khơi, kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Trước tình hình an ninh, trật tự trên Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, quận Sơn Trà còn vận động ngư dân tham gia sinh hoạt theo tổ khai thác hải sản với mục tiêu phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau của các ngư dân trong hoạt động sản xuất.

Nguồn vốn tích lũy qua các năm tương đối lớn để sử dụng vào các hoạt động có ý nghĩa như cho tổ viên mượn tiền để sửa chữa phương tiện, máy móc, sắm ngư lưới cụ… hoặc sử dụng để thăm hỏi, hỗ trợ, động viên lao động, hỗ trợ nhiên liệu trong việc lai dắt phương tiện trong tổ gặp nạn khi khai thác trên biển; hỗ trợ chế độ thông tin liên lạc giữa các thành viên trong tổ cũng như thông tin về đất liền được thực hiện thường xuyên, đúng quy định. Nhờ cách làm gần dân, hiểu dân này đã giúp Sơn Trà duy trì được số lượng gần 1.000 tàu lớn, chiếm 2/3 số lượng tàu toàn thành phố.

Trong những năm qua, ngư dân tập trung đóng mới tàu vươn khơi, số lượng tàu có công suất lớn tăng nhanh trong cơ cấu. Từ năm 2011 đến 2015, số tàu công suất trên 90CV tăng gấp 3,03 lần so với giai đoạn 2006-2010; nâng tổng công suất lên gấp 8 lần, từ 11.399CV (năm 2010) lên 91.080CV (năm 2015).

NHẬT XUÂN

.