Chính trị - Xã hội
Xã hội hóa khu vui chơi phường Xuân Hà: Cần công khai, minh bạch
Khu vui chơi (KVC) phường Xuân Hà sẽ được xã hội hóa theo tinh thần Nghị định 69/2008/NĐ-CP và Nghị định 59/2014/NĐ-CP.
Sân bóng đá đã hoàn thiện trong khu vui chơi của phường Xuân Hà nhưng vẫn kêu gọi xã hội hóa. |
UBND phường Xuân Hà được giao nhiệm vụ thực hiện chủ trương xã hội hóa KVC này đúng quy định pháp luật. Đây là quyết định mới nhất của UBND quận Thanh Khê. Người dân đồng tình chủ trương xã hội hóa KVC nhưng phải cân bằng lợi ích của nhà đầu tư với quyền được hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Trước đây phường Xuân Hà từng có một sân vận động lớn phục vụ nhu cầu thi đấu thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân. Khi quận Thanh Khê được thành lập, sân vận động được thu hồi để làm Trung tâm Hành chính quận. Phường Xuân Hà không có KVC trong 11 năm. Cử tri phường kiên trì kiến nghị với chính quyền các cấp, cuối cùng được bố trí khu đất 7.000m² làm Trung tâm văn hóa thể thao phường tại khu dân cư Xuân Đán 4.
Mới đây, một phần diện tích của KVC này được thành phố đầu tư ngân sách hơn 246 triệu đồng theo Quyết định số 7288/QĐ-UBND của UBND thành phố (ngày 14-10-2014) để làm 2 sân cầu lông, vườn cây xanh, ghế đá, hệ thống nước tưới cây và đặt một số thiết bị tập thể dục. Phần diện tích được ngân sách thành phố đầu tư chiếm khoảng 1/3 tổng diện tích KVC này. Công trình được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thi công hoàn thành đưa vào sử dụng trong tháng 4-2015.
Sau khi có quyết định đầu tư ngân sách để nâng cấp KVC phường Xuân Hà chỉ 2 tháng rưỡi (ngày 30-12-2014), UBND thành phố tiếp tục có Công văn số 11919/UBND-VX đồng ý đề xuất của UBND quận Thanh Khê về việc xã hội hóa KVC. Dư luận nhân dân phường Xuân Hà thắc mắc: Nếu đã xã hội hóa KVC tại sao thành phố đồng ý cấp ngân sách để nâng cấp KVC rồi ngay sau đó lại đồng ý cho xã hội hóa.
Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND phường Xuân Hà giải thích chỉ có phần diện tích sân bóng còn lại chiếm 2/3 tổng diện tích KVC mới thực hiện xã hội hóa. Tuy nhiên khi công bố chủ trương xã hội hóa, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân ở khu vực Xuân Đán 2, 3 và 4 không đồng tình. Người dân không đồng tình việc UBND quận Thanh Khê chỉ định thầu chọn chủ đầu tư là 2 cá nhân con ruột của một vị nguyên lãnh đạo quận đã nghỉ hưu thực hiện xã hội hóa KVC này. Nhiều người dân khi nghe thông báo về chủ trương xã hội hóa KVC mà không nói rõ quyền lợi của người dân như thế nào nên có tâm lý lo lắng.
Ông Phạm Ngọc Thái, cán bộ hưu trí ở tổ 61 nói: Nếu sau khi xã hội hóa, người dân có nhu cầu phải trả tiền mới được vào vui chơi, giải trí, tập thể thao thì coi như mất đứt KVC mà người dân kiến nghị 11 năm mới được. Việc không công khai quyền lợi của người dân thế nào sau khi xã hội hóa KVC rất có thể dẫn đến trường hợp tư nhân sau khi lấy được đất của KVC sẽ chia lô như từng xảy ra ở khu chợ Xuân Đán. Lô đất này bị thu hồi để xây dựng trụ sở cơ quan Kiểm toán Nhà nước nhưng 3 năm sau thì bị chia lô bán đất nền. Tương tự là Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân bị thu hồi nhưng không xây dựng trường cao đẳng nghề như công bố; đến khi sắp phân lô bán nền, nhân dân phản ánh mới tạm dừng.
Bí thư các chi bộ khu dân cư Xuân Đán 2, 3 và 4 gồm các ông, bà: Đình Thi, Nguyễn Trọng Quý, Nguyễn Thị Viễn đều có chung một quan điểm: Chủ trương xã hội hóa là đúng, dân ủng hộ nhưng phải làm cho công khai, minh bạch. Người dân cần biết quyền lợi hưởng thụ văn hóa của dân như thế nào, quyền lợi của nhà đầu tư ra sao.
Thực hiện xã hội hóa thì phải thông báo công khai rộng rãi, kêu gọi các nhà đầu tư và tổ chức đấu thầu công khai nếu như có từ 2 nhà đầu tư trở lên tham gia; qua đó chọn nhà đầu tư có khả năng đáp ứng được yêu cầu theo đúng tinh thần Nghị định Nghị định 69/2008/NĐ-CP và Nghị định 59/2014/NĐ-CP. Đấu thầu công khai, minh bạch mà con của nguyên lãnh đạo quận trúng thầu thì người dân cũng không thắc mắc gì.
Về vấn đề này, ông Trần Khôi, Chánh Văn phòng UBND quận Thanh Khê cho hay: Sau khi lắng nghe dư luận nhân dân phường Xuân Hà, lãnh đạo UBND quận đã dừng việc chỉ định thầu xã hội hóa KVC của phường Xuân Hà, giao UBND phường căn cứ các quy định của pháp luật để thực hiện chủ trương xã hội hóa KVC. Trước đó, tại buổi tiếp xúc với cử tri phường Xuân Hà, các đại biểu HĐND thành phố thuộc tổ đại biểu quận Thanh Khê đã trả lời ngay cử tri rằng: Việc xã hội hóa KVC phải thực hiện công khai, minh bạch đúng quy định pháp luật.
Mặt trận không được giám sát đầu tư cộng đồng Theo phản ánh của Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Xuân Hà, việc thi công KVC phần diện tích do thành phố đầu tư hơn 246 triệu đồng không có sự giám sát đầu tư cộng đồng. Chủ đầu tư dự án cũng như đơn vị thi công không phối hợp để Mặt trận phường triển khai giám sát đầu tư của cộng đồng theo tinh thần Quyết định 80/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Công trình thi công theo phương thức chìa khóa trao tay. |
Bài và ảnh: ĐOÀN SƠN