.
XÂY DỰNG CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA NĂM 1945-1946

Người Quảng có những đóng góp đặc sắc

.

Đó là nhận định của Phó Bí thư thường trực Thành ủy Võ Công Trí về đóng góp của người Quảng Nam - Đà Nẵng cho thành tựu của cách mạng Việt Nam những năm trước, trong và sau Cách mạng Tháng Tám tại tọa đàm “Đóng góp của người Quảng trong việc xây dựng Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa trong hai năm 1945-1946” diễn ra vào sáng 16-8.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An trình bày tham luận tại tọa đàm.  				                          Ảnh: THANH TÂN
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An trình bày tham luận tại tọa đàm. Ảnh: THANH TÂN

Tọa đàm do Hội Khoa học lịch sử phối hợp với Ban Văn xã - HĐND thành phố Đà Nẵng tổ chức, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà nghiên cứu, diễn giả, người yêu lịch sử trên địa bàn thành phố. Phó Bí thư thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng đến dự.

Gần 20 người Quảng là đại biểu Quốc hội khóa I

Trong phần đề dẫn, nhà sử học Bùi Văn Tiếng khẳng định, điểm khác biệt cơ bản giữa Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ mới đầu tiên được thành lập ở nước ta, sau Cách mạng Tháng Tám, so với thể chế quân chủ từng tồn tại trong lịch sử hàng ngàn năm trước đây là sự hình thành Quốc hội khóa I.

Người Quảng không chỉ góp phần đáng kể vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám mà còn không ngừng đóng góp trong quá trình xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong những năm 1945-1946, cụ thể là sự hình thành Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa (tháng 9-1945), Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa (tháng 1-1946), sự hình thành Quốc hội khóa I (tháng 1-1946), nhất là trong việc xây dựng chính quyền cách mạng tại Quảng Nam và Đà Nẵng vào thời điểm sau Tuyên ngôn Độc lập.

Sau cuộc tổng tuyển cử diễn ra trên cả nước, Quảng Nam - Đà Nẵng có 19 đại biểu (hoặc người nắm cương vị chủ chốt) của Quốc hội khóa I - cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tuy nhiên, những đóng góp to lớn của người Quảng được thể hiện cụ thể như thế nào, thực sự chưa có một tài liệu, công trình nghiên cứu hệ thống bài bản.

Trình bày tham luận, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An nhắc lại những năm tháng hào hùng của cả dân tộc, ôn lại những dấu mốc lịch sử quan trọng thời điểm trước, trong và sau Cách mạng Tháng Tám - đất nước ta giành độc lập, trong đó có sự đóng góp của những người con ưu tú đất Quảng như: Lê Văn Hiến, Phan Bôi, Cao Hồng Lãnh. Theo ông Nguyễn Đình An, đây là những bậc “khai quốc công thần”.

Tiếp đó, các tham luận của các tác giả Lưu Anh Rô, Nguyễn Trương Đàn, Trương Duy Hy... đều lần lượt bằng những góc nhìn khác nhau làm rõ thân thế, sự nghiệp, đặc biệt là những đóng góp tiêu biểu của cụ Huỳnh Thúc Kháng, Huỳnh Ngọc Huệ, Lâm Quang Thự, Trần Đình Tri, Lê Dung, Phạm Bằng, Nguyễn Thế Kỷ... - những đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Như cụ Huỳnh Thúc Kháng từng làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, trong giai đoạn Bác Hồ sang Pháp ký tạm ước đã đảm đương trách nhiệm quyền Chủ tịch nước, đập tan sào huyệt của Việt Nam Quốc dân Đảng phản động, trong vụ án Ôn Như Hầu (6-1946); ông Lê Văn Hiến - người Quảng đầu tiên tham gia xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, hơn 20 lần nắm giữ những vị trị cấp cao, 5 lần làm Bộ trưởng, được Hồ Chủ tịch nhìn nhận là “một nhà cách mạng lẫm liệt”...

Các tài liệu được dẫn ra tại tọa đàm cũng khẳng định: Quá trình xây dựng chính quyền địa phương vào thời điểm sau Tuyên ngôn Độc lập cho đến ngày Toàn quốc kháng chiến cuối năm 1946 không chỉ có công đóng góp của các đại biểu Quốc hội khóa I và người Quảng xa quê, mà còn có đóng góp của các cán bộ chính trị là người Quảng đang công tác ở Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ như: Võ Chí Công, Chế Viết Tấn, Nguyễn Ngọc Chấn...

Những bài học lịch sử còn nguyên giá trị

Không chỉ nhắc lại những chiến công đáng tự hào của Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn gian khổ 1945-1946, gắn với những tên tuổi, những nhân sĩ, chí sĩ, nhà văn hóa ưu tú đất Quảng, tọa đàm với những câu chuyện “cười ra nước mắt” về chuyện học chữ, chuyện cứu đói, phong trào cắt tóc... của những người từng sống trong ngày độc lập đầu tiên đã giúp những người có mặt tại tọa đàm hiểu giá trị của nền độc lập, tự do hôm nay.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Võ Công Trí khẳng định đóng góp của người Quảng trong việc bảo vệ thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám là “đặc sắc” và không thể tách rời sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người Quảng đã có mặt ở mọi lĩnh vực, mọi thời khắc lịch sử quan trọng trong giai đoạn lịch sử cam go của đất nước.

Điều đáng tiếc là những tài liệu lịch sử còn lại chưa lột tả hết công lao của họ. Song, có điều chắc chắn là đối với những đại biểu dân cử của Quảng Nam - Đà Nẵng trong buổi đầu tiên ấy, họ đã dồn hết tâm sức cống hiến cho dân, cho nước, vì dân mà phục vụ. Họ đã để lại bài học không bao giờ cũ rằng, đã là người đại diện của dân thì tâm phải sáng, chí bền, vì nhân dân phục vụ, vì quốc gia, xã tắc cống hiến quên mình.

Đóng góp của người Quảng và cách ứng phó với “thù trong, giặc ngoài”, bảo vệ thành quả cách mạng dù cách đây 7 thập niên vẫn còn vẹn nguyên giá trị, nhất là đối với sự nghiệp giữ gìn an ninh trật tự, chủ quyền biên giới đất liền và biển, đảo của Tổ quốc trong bối cảnh tình hình thế giới cũng như khu vực phức tạp hiện nay.

Việc tìm hiểu đóng góp của người Quảng trong xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa giai đoạn 1945-1946 cũng để lại nhiều bài học về công tác Quốc hội, tinh thần dân chủ trong công tác bầu cử hiện nay. Chính tinh thần cầu thị, khát vọng tự do dân chủ đã tạo cho Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thực hiện được những nhiệm vụ lịch sử thần kỳ trong thời khắc lịch sử cam go nhất.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Võ Công Trí cũng đề nghị các nhà nghiên cứu, chuyên gia tiếp tục trao đổi, tiếp thu, nghiên cứu làm rõ thêm những nội dung lịch sử liên quan đến đóng góp của người Quảng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.

“Buổi tọa đàm là một đợt sinh hoạt chuyên đề không chỉ có giá trị về mặt học thuật, mà còn có ý nghĩa giáo dục về truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực tự cường, đồng thời thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ cha anh là những người con xứ Quảng đã hy sinh xương máu, vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước”, đồng chí Võ Công Trí nói.

Kết luận tọa đàm “Đóng góp của người Quảng vào việc xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong hai năm 1945-1946”, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng, đại diện Ban tổ chức, kiến nghị lãnh đạo thành phố xem xét lấy tên 9/19 đại biểu Quốc hội khóa I (hoặc tiền thân của Quốc hội khóa I), người Quảng (hoặc sinh sống công tác tại Quảng Nam - Đà Nẵng) chưa được đặt tên, để đặt tên đường là Phạm Bằng, Phan Diêu, Nguyễn Thế Kỷ, Võ Sạ, Đinh Tựu, Phan Thao, Trần Viện và Lê Dung, Cao Hồng Lãnh; đề xuất chuyển địa chỉ 42 Bạch Đằng - từng là nơi làm việc của các “công thần” Lê Văn Hiến, Huỳnh Ngọc Huệ, Lê Dung, Trần Đình Tri... vào thời gian đầu của chính thể Việt Nam dân chủ Cộng hòa thành Bảo tàng hành chính công vụ của thành phố; nghiên cứu chuyển đổi sở hữu ngôi nhà 114 Bạch Đằng (hiện thuộc sở hữu tư nhân) vốn là Hiệu sách Việt Quảng, đây được coi là di tích gắn với tên tuổi và hoạt động của các đồng chí Phan Thanh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Phan Bôi, Lê Văn Hiến, Nguyễn Sơn Trà, Thái Thị Bôi, Nguyễn Xuân Nhĩ...; tổ chức đợt tuyên truyền về Thư Bác Hồ gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945, với đối tượng tham gia là học sinh các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thành phố, như một hoạt động cụ thể thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Hình thức đơn giản, ngắn gọn nhất là tổ chức đọc lại thư Bác trong lễ khai giảng năm học 2015-2016. 

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.