.
Xử lý đối tượng bán hàng rong, chèo kéo khách

Bài cuối: Vào cuộc quyết liệt

.

Nhiều năm qua, Đà Nẵng đã xử lý được phần nào tình trạng lang thang xin ăn, chèo kéo khách, góp phần quan trọng trong việc ổn định trật tự xã hội. Tuy nhiên, việc xử lý dứt điểm tình trạng này vẫn là bài toán khó cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương.

Xin ăn trá hình dưới hình thức bán vé số.
Xin ăn trá hình dưới hình thức bán vé số.

Đẩy đuổi lòng vòng

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, đối với việc xử lý tình trạng lang thang xin ăn, nay là lang thang xin ăn biến tướng và bán hàng rong đeo bám, chèo kéo khách, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương và các sở, ngành, địa phương cũng triển khai thực hiện từ lâu, được dư luận cả nước đánh giá cao. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, còn nhiều bất cập dẫn đến việc không thể xử lý dứt điểm.

Theo bà Hưng, công tác phối hợp còn khá nhiêu khê. Bà Hưng dẫn chứng, khi phát hiện đối tượng dùng loa phóng thanh để bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo khách, đa số địa phương không xử lý dứt điểm ngay mà đẩy đuổi đi nơi khác, dẫn tới tình trạng “đẩy vòng”, quận này đẩy qua quận kia, gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng. Sở dĩ có tình trạng này do công an một số địa phương không phối hợp xử lý mà đòi hỏi phải có chỗ cất tài sản, phải có biên bản, phải có bàn giao…

Thêm một nguyên nhân khiến đối tượng “lờn” lực lượng chức năng là nhiều địa bàn không có tình trạng xin ăn, chèo kéo khách thì không tổ chức ra quân xử lý. Vậy là các đối tượng chạy về các địa bàn này ẩn náu. Ngoài ra, nhiều địa phương làm theo kiểu “giã gạo”, đối phó, ra quân xong rồi ngừng nghỉ. Lợi dụng điều đó, các đối tượng hành nghề.

Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Thành, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH quận Sơn Trà cho rằng: “Phần lớn các đối tượng bán hàng rong đều từ các tỉnh khác đến nên công tác tuyên truyền của địa phương chưa hiệu quả. Nhiều đối tượng di chuyển đến nhiều địa bàn khác nhau, nay đây mai đó nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn”.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Hưng nêu quan điểm: “Nếu chúng ta cứ giở quy định, giở luật, ngại va chạm thì không thể xử lý được tình trạng lang thang xin ăn, lang thang xin ăn biến tướng và bán hàng rong đeo bám, chèo kéo khách. Vì vậy, phải rất linh hoạt trong xử lý. Với những vi phạm lấn chiếm vỉa hè, an toàn giao thông thì rất dễ xử phạt, nhưng hành vi lang thang xin ăn biến tướng và bán hàng rong đeo bám, chèo kéo khách rất khó phát hiện… Vì thế, nếu theo quy định cứng nhắc thì không làm gì được”.

Cũng theo bà Hưng, phải nghĩ ra cách làm cụ thể, phù hợp với địa phương, cần thiết có bảng hướng dẫn rõ ràng, người dân không được làm gì, nếu vi phạm bị xử phạt như thế nào… Qua kinh nghiệm xử lý các đối tượng hành nghề tại địa phương, ông Nguyễn Văn Đào, Thường trực xử lý lang thang xin ăn phường Nam Dương (quận Hải Châu), đề xuất cần có chế tài hành chính xử lý nghiêm việc bán hàng rong tại những nơi có quy định cấm hoạt động này. Với những đối tượng xin ăn biến tướng, nếu đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội thì phải kéo dài thời gian lưu trú hơn, tránh tình trạng họ vào rồi ra lại tiếp tục hoạt động như trước, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ khi họ trở về địa phương.

“Điều quan trọng là thành phố cần tăng cường kiểm tra việc đăng ký tạm trú, tạm vắng, thực hiện tốt việc đăng ký, quản lý tạm trú tại các cơ sở kinh doanh cho thuê lưu trú, nhà trọ, nhà cho thuê... để ngăn chặn tình trạng người từ nơi khác tập trung về Đà Nẵng bán hàng rong kết hợp xin ăn. Các địa phương cần tổ chức đối thoại với đối tượng hàng rong, phân loại gia đình, nắm tình hình kinh tế, định hướng chuyển đổi ngành nghề”, ông Đào nói.

Ông Đoàn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch quận Hải Châu, cho rằng cần thực hiện đồng loạt các giải pháp mới mong xử lý dứt điểm. Ra quân xử lý chỉ là đỉnh điểm, cao trào, nhưng việc kiểm tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm, tuyến đường phải được làm thường xuyên, không tạo sơ hở cho các đối tượng thực hiện hành vi. “Phải dựa vào dân, nhất là lực lượng xe ôm, xe thồ, nếu phối hợp tốt thì họ chính là những người phát hiện đối tượng xin ăn chèo kéo khách để báo cho các cơ quan chức năng. Đồng thời, lồng ghép vào các phong trào hoạt động của các đoàn thể như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Cựu chiến binh…”, ông Sơn nói.

Vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã “bật đèn xanh” cho các cơ quan chức năng khi khuyến khích họ mạnh dạn làm, không sợ sai và sẵn sàng ký những văn bản chỉ đạo mà những việc làm đó có thể chưa được quy định, chỉ do thành phố quy định.

Sự vào cuộc quyết liệt, những giải pháp linh hoạt được kỳ vọng là liều thuốc “mạnh”, trị dứt điểm tình trạng bán hàng rong, xin ăn biến tướng, chèo kéo khách tồn tại lâu nay.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ - KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.