Nhìn lại chặng đường 40 năm qua của đối ngoại Đà Nẵng, có thể thấy được sự nỗ lực và những bước tiến không ngừng của những người mang trọng trách kết nối Đà Nẵng với thế giới.
Đoàn Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa DCND Lào thăm và làm việc tại Đà Nẵng. |
Đó là kết quả của sự hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn từ phía Bộ Ngoại giao, sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo thành phố và sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại.
Sau ngày giải phóng, tháng 4-1975, Phòng Ngoại vụ, cơ quan phụ trách đối ngoại của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) được thành lập. Trải qua quá trình hình thành và phát triển không ngừng từ Phòng Ngoại vụ trực thuộc Ủy ban quân quản thành phố Đà Nẵng (tháng 4-1975), sau đó là Ban Ngoại vụ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (tháng 1-1984), Ban Đối ngoại tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (tháng 6-1987), Sở Kinh tế Đối ngoại (tháng 8-1990), Phòng Ngoại vụ trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (tháng 9-1996), Phòng Ngoại vụ trực thuộc Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng (đầu năm 1997) và Sở Ngoại vụ (tháng 11-1997 đến nay), công tác đối ngoại luôn làm tròn nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào việc “kết nối Đà Nẵng với thế giới”, hội nhập với khu vực, tranh thủ nguồn lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
40 năm qua, thành phố Đà Nẵng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, mang diện mạo của một thành phố trẻ, năng động và hiện đại. Công tác đối ngoại thành phố cũng trải qua một chặng đường không ngừng trưởng thành, phục vụ đắc lực vào quá trình xây dựng, phát triển thành phố. Đó cũng chính là sự tiếp nối liên tục của quá trình tiếp cận, trưởng thành và phát triển trên cả ba phương diện: ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa. Nếu giai đoạn 1975-1997 được xem là giai đoạn tiếp cận, giai đoạn 1997-2006 là giai đoạn tích lũy kinh nghiệm thì giai đoạn 2006-2015, đối ngoại Đà Nẵng trưởng thành và chuyển sang bước phát triển mới.
Giai đoạn 1975-1997, đối ngoại thành phố thực hiện đón tiếp các đoàn khách quốc tế, phục vụ công tác tuyên truyền đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ vật chất của các nước, các tổ chức quốc tế cho công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng thành phố và hợp tác, giúp đỡ về đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, kinh tế, giáo dục cho các tỉnh kết nghĩa của Lào và Campuchia.
Sở Ngoại vụ Đà Nẵng đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì. |
Giai đoạn 1997-2006, hoạt động đối ngoại tập trung ngoại giao chính trị, thông qua việc tiếp đón các đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc tại thành phố và xây dựng, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các địa phương trên thế giới. Ngoại giao kinh tế chủ yếu là hoạt động tiếp nhận các dự án ODA và NGO cho xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề cho quá trình xây dựng và phát triển thành phố.
Dấu ấn nổi bật nhất trong giai đoạn này là sự kiện Đà Nẵng được Bộ Ngoại giao đề xuất Chính phủ chọn làm địa điểm tổ chức các cuộc họp quan trọng trong chuỗi sự kiện của Hội nghị cấp cao APEC vào năm 2006. Đây là sự kiện lớn, mang tầm vóc quốc tế, tạo dấu ấn đáng nhớ trong công tác đối ngoại, góp phần giới thiệu, quảng bá rộng rãi thành phố Đà Nẵng.
Với những kinh nghiệm được tích lũy, đội ngũ cán bộ đối ngoại ngày càng chủ động, nhạy bén. Giai đoạn 2007-2015 đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của đối ngoại Đà Nẵng. Số lượng đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Đà Nẵng giai đoạn này tăng đáng kể (riêng lãnh đạo thành phố đã đón tiếp và làm việc với gần 728 đoàn và hơn 6.400 lượt người), trong đó có nhiều đoàn quan trọng như đoàn Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Tổng thống Hy Lạp, Tổng thống Singapore, Hoàng thái tử Nhật Bản, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào...
Các hoạt động hợp tác song phương đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm đã đưa quan hệ giữa thành phố với các địa phương các nước ngày càng ổn định, bền vững. Hiện nay, thành phố đã ký kết 62 Biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác với 34 địa phương của 16 quốc gia, tạo tiền đề và cơ sở cho việc hợp tác trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Vị trí, vai trò của Đà Nẵng ngày càng được nâng cao trong hợp tác song phương với các địa phương trên tuyến EWEC và các nước ASEAN, hợp tác đa phương trong các diễn đàn quốc tế, tăng cường quan hệ với các tổ chức quốc tế lớn. Bên cạnh đó, ngoại giao văn hóa với nhiều hình thức phong phú, đa dạng thực sự phát huy vai trò sức mạnh mềm, cầu nối giữa Đà Nẵng và các địa phương trên thế giới, thúc đẩy tình đoàn kết, hữu nghị, cùng hợp tác và phát triển. Nổi bật là Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế (từ năm 2008) đã quảng bá và để lại những ấn tượng sâu sắc về hình ảnh thành phố Đà Nẵng mới mẻ, đầy sức sống, hiện đại và văn minh.
Bước chuyển rõ nét nhất của giai đoạn này là ngoại giao kinh tế trở thành nhiệm vụ trọng tâm. Việc triển khai Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tăng cường công tác đối ngoại kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” một cách chủ động, nhạy bén đã tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài phục vụ quá trình phát triển thành phố.
Cùng với việc chủ động tìm kiếm và thực hiện đồng bộ các giải pháp, giá trị viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài giai đoạn này đạt hơn 1.123 tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào việc thực hiện các chương trình trọng điểm của thành phố như “5 không”, “3 có”.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ đón tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp từ các nước (riêng Nhật Bản đã có hơn 100 đoàn) đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật cùng với việc hỗ trợ các đơn vị của thành phố kết nối với các đối tác nước ngoài cũng như xúc tiến vận động các dự án, chương trình hợp tác kinh tế đã góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào Đà Nẵng.
Theo đó, tính đến năm 2015, Đà Nẵng đã có 39 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, 6 dự án ODA Nhật Bản được vận động thành công với tổng giá trị 7.460.728 USD.
Nhìn lại chặng đường 40 năm qua của đối ngoại Đà Nẵng, có thể thấy được sự nỗ lực và những bước tiến không ngừng của những người mang trọng trách kết nối Đà Nẵng với thế giới. Đó là kết quả của sự hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn từ phía Bộ Ngoại giao, sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo thành phố và sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại.
Ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp đó, Sở Ngoại vụ qua các năm đều được UBND thành phố tặng bằng khen, Cờ thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều bằng khen của các Bộ, ngành. Năm 2012, Sở Ngoại vụ vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì của Chủ tịch nước.
Công tác đối ngoại đang bước tiếp một chặng đường phát triển mới, hứa hẹn nhiều dấu ấn và thành công mới.
Chắc chắn sẽ có không ít những thách thức và thời cơ phía trước, nhưng với quyết tâm, bản lĩnh và sự nhạy bén của những người làm công tác đối ngoại, hy vọng rằng hoạt động đối ngoại Đà Nẵng tiếp tục mang về những “quả ngọt” trên con đường “kết nối Đà Nẵng với thế giới”.
LƯƠNG MINH SÂM
Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng