.

Áp lực nghề báo

.

Nghề nào cũng đều có áp lực nhưng với nghề báo, áp lực và thử thách luôn thường trực đối với những ai muốn dấn thân với nghề.

Chính điều đó làm nên sức hấp dẫn với những ai thật sự đam mê đi đến cùng những vấn đề “nóng” mà xã hội đang quan tâm. Đối với tôi, dù đã có 8 năm trong nghề nhưng vẫn luôn thấy mình cần phải cố gắng, nỗ lực để vượt qua những áp lực, thử thách trong từng bài viết.

Báo Đà Nẵng đến tay bạn đọc tại một triển lãm vì nạn nhân da cam ở thành phố Đà Nẵng.
Báo Đà Nẵng đến tay bạn đọc tại một triển lãm vì nạn nhân da cam ở thành phố Đà Nẵng.

Khi được giao một đề tài nóng và nhạy cảm như: Đi tìm mô hình cho Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng (lúc Bệnh viện Ung thư chưa chuyển sang mô hình công lập), đêm đó, tôi không ngủ được. Làm sao để tiếp cận nhân vật, nguồn tài liệu? Làm sao để vừa phản ánh đúng thực trạng, tìm ra nguyên nhân những vướng mắc nhưng vẫn không làm bạn đọc hiểu sai ý nghĩa tốt đẹp và tính nhân văn mà người sáng lập ra bệnh viện này đã tạo dựng. “Hoàn thành trong một tuần”, câu nói của “sếp” càng tạo thêm áp lực cho tôi.

Cùng với một đồng nghiệp đã có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi lên kế hoạch, đồng thời tìm được đúng những nhân vật hiểu rõ và dám nói ra những khó khăn, những tồn tại mà Bệnh viện Ung thư đang gặp phải. Bằng nhiều cách và mất nhiều công sức, chúng tôi đã tiếp cận được nhiều tư liệu quý, từ đó phát hiện những điểm mâu thuẫn, không thống nhất trong các con số “làm đẹp” từ các báo cáo, đi thẳng và nói thẳng những vấn đề mấu chốt dẫn đến khó khăn chất chồng của Bệnh viện Ung thư.

Đã có nhiều y, bác sĩ nản lòng, một số người muốn xin chuyển công tác. Vì vậy, làm sao để phản ánh đúng sự thật nhưng phải để vực dậy một công trình mang nhiều ý nghĩa và tâm huyết của cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đồng thời gỡ khó cho bệnh viện là điều chúng tôi luôn trăn trở.

“Viết bài này dễ đụng chạm đến nhiều vấn đề “nhạy cảm”, đụng chạm đến quyền lợi của nhiều người đó nhé”, câu nói bông đùa như lời nhắc nhở của một đồng nghiệp cũng làm chúng tôi đắn đo. Nhưng nghĩ đến lợi ích của những bệnh nhân nghèo hằng ngày phải đối mặt với bệnh tật, chúng tôi đã quên đi áp lực từ nhiều phía, vượt qua cả áp lực về thời gian để hoàn thành tuyến bài nhiều kỳ.

Để tuyến bài này lên trang, đến được tay bạn đọc, không chỉ có chúng tôi mà cả Tổng Biên tập và Tòa soạn cũng phải chịu rất nhiều áp lực. Cuối cùng bài báo đã được bạn đọc đón nhận và ủng hộ bằng nhiều ý kiến phản hồi tích cực, đầy tâm huyết. Ngay sau đó, lãnh đạo thành phố quyết định chuyển Bệnh viện Ung thư sang mô hình công lập, “gỡ khó” cho bệnh viện do mô hình hoạt động chưa phù hợp để bệnh viện phát huy hết công năng khám chữa bệnh cho người dân, nhất là người nghèo.

Với phóng viên, áp lực về thời gian thôi chưa đủ mà còn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Có lần, tôi và một đồng nghiệp thực hiện tuyến bài về việc chế biến xăng “dỏm” và phân phối trên khắp địa bàn Đà Nẵng. Cùng với đoàn kiểm tra thâm nhập tận kho xăng, chúng tôi cũng hơi lo lắng khi chủ cơ sở tái chế xăng bẩn có thái độ không hợp tác, thậm chí có ý định đốt kho xăng.

Tuy vậy, cuối cùng chủ cơ sở này đã chịu ký vào biên bản nhận hành vi sai trái. Một lần khác, đóng vai người đi mua đất xây mộ cho người thân để viết bài phản ánh nạn bán đất rừng làm mộ trái phép, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, tôi đến xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) và gặp những tay “cò” đất.

Khi tôi đã khai thác được khá nhiều thông tin từ “cò” đất và những người đi mua đất, một tay “cò” đất níu tôi lại và gằn giọng: “Từ trước đến nay toàn thấy người già đi mua đất xây mộ chứ ít khi gặp người trẻ như cô em đi hỏi mua. Thấy hơi lạ”. Tôi nhanh trí nói rằng, vì người thân ở xa nhờ hỏi giúp, anh ta mới thôi không chất vấn. Sau khi loạt bài khởi đăng, chính quyền địa phương cũng đã xử lý những đối tượng bán đất trái phép, xử lý các đối tượng “cò” đất.

Rất nhiều đồng nghiệp tâm sự rằng, áp lực về nghề không chỉ đến từ những khó khăn, nguy hiểm mà còn từ chính những con đường rải hoa hồng. Đó là sự cám dỗ từ những khoản tiền (không hề nhỏ so với nhuận bút bài viết) mà các đối tượng đưa ra nếu chúng tôi dừng bút, hủy bỏ bài báo. Đó còn là những hứa hẹn về chuyến du lịch hay những “quà tặng” giá trị khác, v.v...

Khi đó, nhà báo phải đứng trước nhiều sự chọn lựa, giữa lương tâm trách nhiệm của người cầm bút, sự thật cần được phơi bày, chân lý cần sáng tỏ với những khoản tiền lớn có thể đưa cả gia đình vượt qua khó khăn. Tôi nghĩ, áp lực đó còn lớn hơn cả sự nhọc nhằn, hiểm nguy trên đường tác nghiệp. Thực tế đã có những đồng nghiệp không giữ được mình, bẻ cong ngòi bút. Tuy nhiên, số người chọn chân lý, lẽ phải vẫn là đa số. Họ đã vượt qua được áp lực lớn nhất, đó là phải vượt qua chính mình.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.