Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước (1911-1941), Nguyễn Ái Quốc về với đất mẹ giữa lúc các cuộc khởi nghĩa và binh biến đã nổ ra như những phát súng đầu tiên báo hiệu thời kỳ đấu tranh mới.
Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội (tháng 8-1945). Ảnh tư liệu |
Từ đây, Người trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đến khởi nghĩa thắng lợi, với kết quả khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu sự ra đời của nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á; tạo nên phong trào đấu tranh giành độc lập ở các nước thuộc địa trên toàn thế giới.
Để chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám, từ năm 1942 đến 1945, Việt Minh đã lần lượt xuất bản “Chiến thuật du kích”. Đây là một trong những tác phẩm đầu tiên của Hồ Chí Minh viết về quân sự. Lời viết ngắn gọn, giản dị nhưng đầy đủ, phù hợp với việc huấn luyện quân sự thời kỳ này. Mười ba chương của tác phẩm là cẩm nang quý giá, kết tinh nghệ thuật quân sự của tổ tiên với chiến tranh nhân dân cách mạng. Không ít các tướng lĩnh quân đội nhân dân Việt Nam đã từng được khai tâm bằng cuốn sách giáo khoa quân sự vở lòng này.
Sau khi về nước, Người quyết định thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, với bản chỉ thị ngắn gọn, súc tích, đầy đủ, có tính cương lĩnh quân sự của Đảng ta. Cuối bản chỉ thị đã khẳng định: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang, nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”. Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng gồm 34 chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy.
Tháng 2-1945, Hồ Chí Minh lên đường sang Trung Quốc tiếp xúc với các lực lượng đồng minh để đặt đúng cuộc chiến đấu của dân tộc trong bối cảnh quốc tế. Đêm 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp độc chiếm Đông Dương. Ngày 12-3-1945, Đảng ta kịp thời ra chỉ thị lịch sử: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Một cao trào kháng Nhật, cứu nước tiến tới tổng khởi nghĩa dâng lên trong cả nước. Các cuộc đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị và khởi nghĩa từng phần phát triển khắp nơi. Khu giải phóng Việt Bắc ra đời (4-6-1945) bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên; trở thành căn cứ địa của cả nước và là hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam mới. Đại bản doanh của cách mạng chuyển từ Pắc Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) là nơi có chính quyền cách mạng, lại thuận tiện liên lạc với cả nước.
Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã đi đến những ngày cuối. Phát-xít Đức đã bị tiêu diệt (5-1945), Liên Xô chuyển quân về phía đông, chuẩn bị tuyên chiến với Nhật. Tình hình chuyển biến rất nhanh chóng, Đảng ta phải tranh thủ từng giây, từng phút, không thể để lỡ cơ hội. Lúc đó, Hồ Chí Minh lại ốm nặng, Người dặn dò công việc và nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Chúng ta quyết giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Việt Nam. Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 13 đến 15-8-1945. Đại hội quốc dân Tân Trào họp ngày 16 và 17 tháng 8 năm 1945 đã quyết định tổng khởi nghĩa, lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, xin thề: “Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước”, để giành lại độc lập cho Tổ quốc.
Ngày 19-8, hàng chục vạn đồng bào Hà Nội mít-tinh, chiếm lĩnh phủ khâm sai bù nhìn. Ngày 23-8, 15 vạn đồng bào Huế khởi nghĩa chiếm dinh thự của triều đình Huế và bọn tay sai. Ngày 25-8, một triệu đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn biểu tình thị uy buộc viên khâm sai bù nhìn phải từ chức, Ủy ban Nhân dân lâm thời Nam Bộ ra mắt đồng bào. Ngày 30-8, Bảo Đại thoái vị, tự nhận là người dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ. Chế độ thực dân hơn 80 năm, chế độ phong kiến hàng ngàn năm đã bị lật nhào. Cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám chỉ diễn ra trong vòng hơn 10 ngày nhưng Đảng và nhân dân ta đã chuẩn bị tới 15 năm từ 1930 đến 1945, qua 3 cao trào cách mạng.
Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác-Lênin ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, mở ra kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập tự do gắn liền với chủ nghĩa xã hội với Quốc kỳ mới, Quốc ca mới, Quân đội mới, Nhân dân mới, Chính phủ mới, Chế độ mới.
Bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của những bản yêu cầu gửi cho Hội nghị Véc-xây mà Hồ Chí Minh đã viết năm 1919 và chương trình Việt Minh được viết năm 1941. Hơn nữa, bản Tuyên ngôn độc lập là sự noi gương và thực hành những tư tưởng về độc lập và nhân quyền của cách mạng Mỹ 1776; về tự do, bình đẳng, bác ái của cách mạng Pháp 1789; về dân tộc, dân quyền, dân sinh của cách mạng Trung Quốc 1911; về tính triệt để của cách mạng vô sản Nga 1917. Quan niệm mới và đặc sắc của Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập là phải gắn liền quyền con người với quyền dân tộc. Độc lập tự do của dân tộc là điều kiện tiên quyết cho quyền cá nhân mỗi con người.
70 năm trôi qua, hằng năm cứ đến dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, các cấp, các ngành, các địa phương đều tổ chức long trọng. Trong nhân dân có những cụ bà, cụ ông đã ngoài tám, chín mươi tuổi vẫn cất lên những lời ca: “Bao chiến sĩ anh hùng”, “Mười chín tháng Tám quốc dân là ngày khởi nghĩa, cờ bay muôn nơi…”, chúng ta như đang sống lại những năm tháng hào hùng của dân tộc. Cách mạng thực sự là ngày hội của quần chúng.
NGUYỄN THỊ KIM OANH
(Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng)