Mức đóng cao, chất lượng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT) còn hạn chế… là những khó khăn được đưa ra tại Hội nghị công tác BHYT năm học 2015-2016, do Sở GD&ĐT và Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 23-9.
Có BHYT sẽ đỡ tốn kém chi phí khi học sinh khám chữa bệnh tại các bệnh viện. |
Khám chữa bệnh bằng BHYT còn hạn chế
“BHXH thành phố cần có những biện pháp tích cực trong việc phối hợp với các trung tâm, cơ sở y tế trên địa bàn Đà Nẵng cải thiện điều kiện chăm sóc để người bệnh được phục vụ tốt hơn, yên tâm hơn khi sử dụng thẻ BHYT khám chữa bệnh. Có như vậy mới khuyến khích hơn nữa việc mua BHYT đối với học sinh”, thầy Lê Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú nêu ý kiến.
Đồng quan điểm này, cô Nguyễn Thị Minh Huệ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, cho rằng việc khám chữa bệnh bằng BHYT còn nhiều thủ tục rườm rà. “Có trường hợp học sinh bị bệnh đến cơ sở y tế tại địa phương khám nhưng cơ sở này yêu cầu phải có giấy xác nhận của nhà trường và nhiều thủ tục khác”, cô Huệ nói. Cũng theo cô Huệ, phải cho học sinh thấy mình được hưởng những quyền lợi như thế nào thì mới động viên các em tham gia khám chữa bệnh BHYT.
Tại nhiều trường ở huyện Hòa Vang, việc học sinh tham gia BHYT còn hạn chế, chỉ đạt 92%. Theo ông Đặng Hùng Thương, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang, đời sống nhân dân trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn nên việc thực hiện BHYT học sinh đạt 100% là rất khó. “Chúng tôi đã tuyên truyền, vận động rất nhiều, nhưng chất lượng dịch vụ khám điều trị bệnh tại các trạm y tế xã chưa đáp ứng yêu cầu của người bệnh, đăng ký tuyến trên thì bị hạn chế và đi lại khó khăn”, ông Thương cho biết.
Cũng theo nhiều đại biểu đại diện các trường, dù đã được Nhà nước phụ cấp kinh phí (30% số tiền phải nộp) nhưng mức thu BHYT hiện nay vẫn còn cao. Bên cạnh đó, việc thu tiền BHYT ngay từ đầu năm và thu 1 lần khoản tiền phải nộp cả năm làm nhiều phụ huynh bức xúc. “Các khoản thu tập trung vào đầu năm, trong đó có BHYT, nên phụ huynh kêu khó. Vì vậy, nên chia nhỏ khoản tiền BHYT theo từng đợt và cần có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan bảo hiểm xã hội về việc thu theo từng tháng, hay từng quý như thế nào và quyền lợi của học sinh khi đóng theo tháng, hay quý”, bà Nguyễn Thị Như Quỳ, Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Hải Châu nêu ý kiến.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu còn hạn chế
Mỗi năm học, mỗi học sinh được trích 7% số tiền BHYT, cụ thể là 43.470 đồng để được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường như: sơ cấp cứu ban đầu, từ đơn giản đến có sử dụng trang thiết bị; tuyên truyền giáo dục sức khỏe bằng tài liệu, phương tiện, dụng cụ thực hành…
Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, hiện nay, mạng lưới y tế trường học và cán bộ chuyên trách về y tế còn thiếu nên chưa đáp ứng được công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh. “Hiện hầu hết trường tiểu học và THCS trên địa bàn Hòa Vang chưa có cán bộ y tế đúng chuyên môn. Ngoài ra, một số trường chưa có phòng y tế riêng mà phải ngăn vách làm phòng tạm”, ông Đặng Hùng Thương nói.
Còn theo ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên thuộc Sở GD&ĐT, việc thực hiện BHYT học sinh - sinh viên theo Luật BHYT tại một số trường hiện chưa được quan tâm đúng mức nên tỷ lệ các em tham gia chưa đạt độ bao phủ theo lộ trình.
“Việc một số trường thống kê, xác định số học sinh - sinh viên diện hộ nghèo, học sinh - sinh viên là con em của gia đình người có công, thân nhân sĩ quan quân đội, công an không đầy đủ gây trở ngại trong đánh giá tỷ lệ các em tham gia BHYT”, ông Vương nói.
Đồng thời, ông Vương thừa nhận hiện nay biên chế cán bộ y tế trường học còn thiếu, phải kiêm nhiệm nhiều công việc, điều này làm ảnh hưởng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học.
Trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, thành phố Đà Nẵng có hơn 200.000 học sinh - sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, đạt 94% trong tổng số em tham gia. Cùng thời gian này, có hơn 300.000 học sinh - sinh viên được điều trị ngoại và nội trú với chi phí hơn 53 tỷ đồng. |
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ