Một trong những tồn tại lớn nhất mà đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều lên tiếng tại Hội thảo “Xúc tiến đầu tư và phát triển dịch vụ logistics” vừa được tổ chức tại Đà Nẵng là hạ tầng giao thông chưa bảo đảm.
Khi vào nút giao thông, việc xe đầu kéo container đi chung với mô-tô rất nguy hiểm. Trong ảnh: Xe container vào nút giao thông đầu cầu Tiên Sơn chuẩn bị lên cầu. |
Sau khi cảng Sông Thu và cảng Sông Hàn được chuyển về khu vực cảng Tiên Sa đã “giải phóng” cho tuyến đường Trần Phú khỏi “gánh nặng” đáng kể khi không còn phải đón nhận hàng trăm lượt xe tải lớn hoạt động ngày đêm. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc tuyến đường ra vào khu vực cảng Tiên Sa hiện nay là đường Ngô Quyền-Yết Kiêu phải “gánh” thêm rất nhiều xe tải, xe container hoạt động.
Đặc biệt, khi lượng hàng hóa thông qua cảng Tiên Sa liên tục tăng từ 4 triệu tấn các năm 2010 và 2011, đến nay đã vượt qua 6 triệu tấn/năm, khiến cho tuyến đường ra vào cảng trở nên nhộn nhịp với lượng xe tải lớn, xe container tăng vọt. Điều đó khiến tuyến đường này bộc lộ nhiều hạn chế cần sớm khắc phục để các phương tiện ra vào cảng thuận lợi hơn.
Là tuyến đường cuối nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, nên tuyến đường Ngô Quyền-Yết Kiêu đã được thiết kế khá rộng rãi có dải phân cách rộng 1 mét ở giữa; mỗi chiều 3 làn xe đúng tiêu chuẩn cho phép xe tải lớn, xe container hoạt động. Đó là chưa kể đường Ngô Quyền còn có thêm 2 đường gom với chiều rộng 5,5 mét.
Hơn 10 năm trước, khi tuyến này được khánh thành đưa vào khai thác đã trở thành một trong những tuyến đường không những lớn, đẹp và hiện đại mà còn làm thay đổi đáng kể diện mạo đô thị của quận Sơn Trà. Tuy nhiên, do đặc điểm là tuyến đường ra vào cảng biển nhưng lại đi qua khu vực dân cư đông đúc của quận Sơn Trà nên ngay từ đầu đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Hiện nay, trên khoảng 5km từ cầu Tiên Sơn đến cảng Tiên Sa, tuyến đường này phải “vượt” qua nhiều nút giao thông có mật độ phương tiện lưu thông tăng mạnh như cầu Tiên Sơn, cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước và vòng xoay ngã 5 đường Ngô Quyền-Nguyễn Công Trứ-An Nhơn 3.
Không những vậy, tại các nút giao thông nằm trên đường Ngô Quyền như nút giao thông đầu cầu Sông Hàn, cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng... do có đường gom, nhưng lại tổ chức giao thông hai chiều nên khi vào nút giao thông các phương tiện đi lại khá hỗn loạn.
Theo ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng, đây là “điểm trừ” của cảng khi đi tiếp thị với khách hàng, nhất là đối với các nhà vận tải, doanh nghiệp logistics quốc tế. Với họ, việc xe đầu kéo container, xe tải lớn đi chung với các phương tiện 2 bánh, xe thô sơ, nhất là khi vào các nút giao thông không có cầu vượt là điều tối kỵ vì rất dễ xảy ra tai nạn giao thông.
Theo kế hoạch của Cảng Đà Nẵng, sau khi đầu tư cảng Tiên Sa giai đoạn 2 hoàn tất, lượng hàng hóa thông qua cảng sẽ đạt mức 14 triệu tấn hàng hóa/năm. Đây là một áp lực rất lớn cho tuyến đường Ngô Quyền-Yết Kiêu khi phải “gánh” lượng xe tăng gấp gần 3 lần so với trước đây.
Đặc biệt, khi tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây thực sự phát huy hiệu quả, hàng hóa xuất nhập khẩu của các nước trong khu vực đều qua Cảng Tiên Sa, lúc đó tình trạng giao thông trên tuyến đường này sẽ gặp khó khăn hơn và đi kèm theo đó là nguy cơ tai nạn giao thông cũng rất dễ xảy ra.
Vì vậy, tại hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, ngay từ bây giờ, các cơ quan chức năng và địa phương cần sớm có kế hoạch chỉnh sửa nâng cấp, tổ chức lại giao thông để tuyến đường Ngô quyền-Yết Kiêu phát huy hiệu quả, phục vụ tốt cho lượng hàng hóa thông qua cảng, đồng thời giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Bài và ảnh: Trần Luân Sơn