Trong những năm qua, việc chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân được Quận ủy Cẩm Lệ quan tâm. Những khoảng trống về đời sống văn hóa, tinh thần của người lao động tại các khu công nghiệp đang dần thu hẹp; tuy nhiên vẫn chưa đủ để tạo chuyển biến thực sự trong đời sống công nhân.
Công nhân lao động rất cần được chăm lo tốt hơn về đời sống vật chất và tinh thần. |
Quận Cẩm Lệ hiện có trên 1.560 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có khoảng 150 doanh nghiệp sử dụng từ 20 lao động trở lên. Đội ngũ lao động trong ngành công nghiệp hiện có gần 30.000 người, trong đó lao động làm việc tại Khu Công nghiệp Hòa Cầm chiếm khoảng 70%.
Người lao động chủ yếu từ các địa phương lân cận, sống tạm bợ trong các khu nhà trọ, điều kiện sinh hoạt còn khó khăn. Nhà trọ xung quanh khu công nghiệp có những phòng chỉ rộng trên 10m2.
Điều kiện vệ sinh ở các khu nhà trọ thiếu thốn, cũ và xuống cấp. Tình trạng người lao động thường xuyên làm việc tăng ca nên không có thời gian để thư giãn, giải trí. Các điều kiện để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ về văn hóa tinh thần, nghỉ ngơi, học tập, giao lưu phục vụ công nhân vì vậy vẫn còn thiếu.
Anh Nguyễn Văn Sáng (quê Quảng Bình), công nhân làm việc trong Khu Công nghiệp Hòa Cầm, cho biết, 3 năm nay, gia đình anh gồm 4 người thuê một căn phòng rộng 15m2 ngay cạnh khu công nghiệp để tiện làm việc, sinh hoạt, phù hợp với điều kiện kinh tế.
“Cả ngày đi làm về mệt, tối đến có cái ti-vi, trẻ con giành nhau xem chương trình hoạt hình, nên chẳng mấy khi theo dõi tin tức thời sự, giải trí. Hàng xóm xung quanh cũng vậy, nên chẳng biết làm gì ngoài bốn bức tường”, anh Sáng nói. Tình trạng thiếu điều kiện giải trí, tiếp cận với văn hóa, thể thao là khá phổ biến trong công nhân lao động, nhất là đối với nữ công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Trước thực trạng trên, nhiều năm qua, Quận ủy Cẩm Lệ xây dựng và ký kết quy chế phối hợp với Đảng ủy Các khu công nghiệp để tiến hành hỗ trợ tích cực về vật chất, tinh thần cho công nhân. Theo Ban Dân vận Quận ủy Cẩm Lệ, qua khảo sát tình hình ở trọ của công nhân đồng thời làm việc với địa phương, khu dân cư, nhiều chủ nhà trọ đã đồng ý giảm tiền thuê trọ cho công nhân, giảm số lượng công nhân ở trọ nhằm bảo đảm diện tích tối thiểu theo quy định.
Bên cạnh đó, các điểm bán hàng tập trung được xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của công nhân, các phương án hỗ trợ lương thực, thực phẩm đủ cho công nhân sơ tán khi có mưa bão luôn sẵn sàng. Để góp phần cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân, Trung tâm Văn hóa-Thông tin Cẩm Lệ hằng năm đều phối hợp với Công đoàn Khu Công nghiệp Hòa Cầm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao vào các dịp đặc biệt như Tháng công nhân, các ngày lễ kỷ niệm của đất nước.
Theo lãnh đạo Quận ủy Cẩm Lệ, dù có những nỗ lực để cải thiện tình hình nhưng nhìn chung đời sống vật chất, tinh thần của người lao động vẫn còn nhiều khó khăn. Theo Phó Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ Trần Anh Đức, người sử dụng lao động chưa quan tâm đúng mức và chưa thực hiện nghiêm túc các chế độ, chính sách cho người lao động như tiền lương, bảo hiểm, khám sức khỏe cho công nhân. Các chính sách về nhà ở, hỗ trợ nhà ở cho công nhân lao động còn nhiều bất cập, thiếu cơ chế tài chính cụ thể để đầu tư nhà trọ, chung cư cho công nhân.
Vì vậy, cần triển khai mạnh mẽ hơn chính sách vĩ mô như hỗ trợ lãi suất, vốn vay ưu đãi thực hiện chủ trương xã hội hóa xây nhà chung cư cho công nhân; chính sách hỗ trợ để sớm triển khai Khu hỗn hợp thương mại, đáp ứng nhu cầu mua sắm, giải trí của công nhân.
Bài và ảnh: PHAN CHUNG