.

Chuyện chị Phiên

.

Buổi trưa, nhà chị Võ Thị Phiên (62 tuổi, tổ 83, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thương binh 4/4) rộn ràng bởi tiếng nhạc trên truyền hình, tiếng xào nấu và mùi thơm của cơm tỏa lan khắp căn nhà nhỏ. Căn nhà đúc lửng khang trang mà gia đình chị đang ở vừa được thành phố hỗ trợ xây mới…

Chị Phiên và niềm vui trong căn nhà mới.
Chị Phiên và niềm vui trong căn nhà mới.

Mâm cơm được bày biện với nhiều món hơn thường ngày, có lẽ do có khách. “Cơm bữa nay dẻo ngon lắm. Em ăn thử đi. Mấy chú trên quận vừa hỗ trợ nồi cơm điện mới thay chiếc nồi cũ”, chị Phiên cười bảo. Nói rồi, chị chuyển kênh tivi cho tôi xem. Tivi màn hình phẳng, màu sắc rất nét. “Chiếc tivi là quà của thành phố cho chị dịp khánh thành ngôi nhà này mấy hôm trước. Nhờ vậy, mình mới nắm bắt được các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước và tình hình phát triển của thành phố”, chị nói.

Cái tivi cũ nhỏ xíu đã đồng hành gần chục năm nay với chị vẫn nằm trên gác. Chị giữ nó như cất giữ một kỷ niệm.     

Cha và mẹ cùng hoạt động cách mạng nên cô bé Võ Thị Phiên từ nhỏ đã luôn sục sôi ngọn lửa yêu nước, mong muốn chiến đấu giải phóng quê hương. 14 tuổi tham gia cách mạng và sau đó bị địch bắt tù đày, Phiên đã trải qua hết nhà lao này đến nhà lao khác với nhiều vết thương trên thân thể do những ngón đòn tra tấn. “Tụi nó hết tra điện lại đến đổ nước xà phòng vào miệng. Đau lắm nhưng ai cũng kiên quyết bảo vệ bí mật của tổ chức”, chị Phiên nhớ lại. Hai năm bị địch bắt tù đày là những chuỗi ngày nếm mật nằm gai với nhiều đau đớn, ảnh hưởng đến sức khỏe của chị đến nay.

Hòa bình, chị về Đà Nẵng, công tác tại Công ty Thương nghiệp và tìm thấy hạnh phúc muộn màng. Nhưng rồi, khi hai cậu con trai nhỏ ra đời, chồng chị đã dứt áo ra đi bởi không chịu được gánh nặng áo cơm. Đạm bom đã im tiếng nhưng cuộc chiến của người lính từng bị địch bắt tù đày ấy dường như chưa kết thúc. Chị một mình lầm lũi nuôi hai con ăn học thành người.

Nghỉ hưu sớm nên lương thấp, chị không ngại việc gì; từ bán trứng vịt lộn đến bán chè… chị đều làm miễn có đủ tiền nuôi con. Rồi hai người con có gia đình và hai đứa cháu xinh xắn, kháu khỉnh ra đời, niềm vui của chị như được nhân đôi. Vì cuộc sống còn khó khăn nên 7 con người vẫn phải chen chúc trong căn nhà cấp 4 chỉ 36m2. Mùa nắng, chị ôm gối ra ngoài hiên nằm để nhường chỗ cho con cháu. Mùa mưa thì bao nhiêu xô chậu đều được “huy động” để hứng nước mưa từ những chỗ thủng của mái nhà.

“Nhớ lại mà vẫn còn rùng mình. Cứ mưa to, gió mạnh là cả nhà phải qua trú tạm nhà hàng xóm cho an toàn”, chị Phiên thổ lộ. Chiếc tủ duy nhất trong nhà cũng được chị dùng làm bàn thờ người cha thân yêu (cha chị Phiên là liệt sĩ - PV). Bây giờ, trong căn nhà đúc lửng khang trang với nhiều phòng sạch sẽ, thoáng mát, gia đình chị Phiên không còn lo lắng mỗi khi mùa mưa đến. Chị dành hẳn một phòng trên gác để làm phòng thờ. “Nhờ thành phố hỗ trợ 60 triệu đồng và gia đình vay mượn thêm, tui mới có căn nhà khang trang, kiên cố thế này. Nếu không thì không biết khi nào mới có thể làm được nhà. Sự quan tâm của thành phố khiến những gia đình chính sách như chúng tôi thấy ấm lòng”, chị xúc động nói.

Ông Thái Đình Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, chỉ riêng trong hai năm 2014 và 2015, Đà Nẵng tập trung nguồn lực từ ngân sách, vận động hỗ trợ xây và sửa chữa hơn 2.000 căn nhà cho đối tượng chính sách và hộ đồng bào dân tộc, với kinh phí trên 55 tỷ đồng (mỗi hộ được hỗ trợ từ 20-60 triệu đồng)

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.