.
CHUYỆN CỦA NGƯ DÂN

Sát cánh cùng ngư dân vươn khơi

.

Mỗi chuyến biển vươn khơi đều chở nặng những ước mong. Mong một vụ mùa bội thu. Mong trời yên biển lặng. Những chiếc tàu của ngư dân nhỏ bé giữa biển khơi nhưng không đơn độc bởi luôn có các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng dõi theo, giúp đỡ.

Ngư dân quận Sơn Trà đăng ký thủ tục xuất bến.
Ngư dân quận Sơn Trà đăng ký thủ tục xuất bến.

Cứ vào những ngày biển động hay có gió bão, không khí tại Đồn Biên phòng Sơn Trà lại “căng như dây đàn”. “Tại sao chúng tôi chưa được ra khơi?”, “Chúng tôi đã chuẩn bị xong hết, gió cũng chưa lớn lắm, chắc là không sao nên các anh cho tàu chúng tôi xuất hành đi”… Đó là những  thắc mắc của ngư dân, thậm chí còn có những câu nói “khó nghe” khi ngư dân nhất quyết “đòi” ra biển trong khi thời tiết có nhiều diễn biến bất lợi. Áp lực, căng thẳng đổ dồn lên các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng.

“Chúng tôi phải giải thích cho ngư dân hiểu là tất cả đều vì sự an toàn của chính họ. Thậm chí phải “dọa”, phải cứng rắn thì họ mới chịu nghe.  Vậy nên, mỗi khi có lệnh “cấm biển” từ chỉ huy báo về là anh em phải chuẩn bị để làm… công tác tư tưởng cho ngư dân”, Thượng tá Nguyễn Ánh Dũng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sơn Trà nói vui.

Không chỉ những ngày có bão, gió; ngày bình thường, công việc của các chiến sĩ Biên phòng cũng khá nhiều. Nào là tuyên truyền cho bà con nắm được luật Biển, luật Chủ quyền biên giới quốc gia. Nào là kiểm soát tàu vào ra; kiểm tra các giấy tờ đăng kiểm, các chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, số lượng thuyền viên, phao cứu sinh, phương tiện chữa cháy…

Âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà là nơi có số lượng tàu thuyền nhiều của các tỉnh miền Trung vào ra với khoảng 50 ngàn lượt tàu thuyền vào ra hằng năm. Bởi vậy, chỉ riêng công tác kiểm tra, kiểm đếm, đăng ký thủ tục tàu thuyền vào ra cũng không đơn giản và mất nhiều thời gian. Dẫu vậy, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sơn Trà vẫn bảo đảm theo dõi sát sao số lượng để nếu cần thông tin gì về tàu thuyền là có ngay, chính xác.

Những chuyến tàu nối đuôi nhau cập cảng với những mẻ cá tươi rói đầy khoang. Và đằng sau đó, có những người lính mang quân hàm xanh lặng lẽ với nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên cho những chuyến tàu.

Một số quy định đối với ngư dân khi hoạt động trên biển

Thực hiện Quyết định số 22/2012/QĐ-UBND ngày 8-5-2012 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về việc ban hành Quy chế quản lý thông tin liên lạc giữa các tàu khai thác hải sản xa bờ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22-10-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão, khi hoạt động trên biển, ngư dân phải đảm bảo duy trì thông tin liên lạc thường xuyên với Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố Đà Nẵng theo tần số ICOM  9105 kHz hoặc qua Đà Nẵng Radio liên lạc trực tiếp với Trực ban Tác chiến BĐBP thành phố (0511.3.821884), cụ thể như sau:

1. Trong điều kiện thời tiết bình thường: Thuyền trưởng tàu cá phải báo cáo ít nhất 1 lần trong ngày cho BĐBP thành phố về vị trí tàu, sản lượng đánh bắt, số lượng lao động trên tàu, tình trạng tàu cá của mình và tình hình an ninh, trật tự trên vùng biển đang khai thác.

2. Khi có áp thấp nhiệt đới hoặc tin bão xa: Thuyền trưởng tàu cá phải báo cáo ít nhất 2 lần trong ngày cho BĐBP thành phố về vị trí tàu, số lượng lao động, tình trạng tàu cá của mình và tình hình an ninh, trật tự trên vùng biển đang hoạt động.

3. Khi bão gần, bão đã vào biển Đông: Thuyền trưởng tàu cá phải báo cáo ít nhất 3 lần trong ngày cho BĐBP thành phố về vị trí tàu, số lượng lao động, tình trạng tàu cá của mình và tình hình an ninh, trật tự trên vùng biển đang hoạt động.

4. Khi tàu cá đang trong vùng ảnh hưởng của bão: Thuyền trưởng tàu cá phải giữ liên lạc liên tục 24/24 giờ với BĐBP thành phố và phát tín hiệu cấp cứu khi phương tiện bị nạn.

5. Khi bão tan: Thuyền trưởng tàu cá phải báo cáo ngay cho BĐBP thành phố về vị trí, tình trạng của người và tàu cá của mình, đồng thời giữ liên lạc 24/24 giờ với BĐBP thành phố để hướng dẫn, giúp đỡ khắc phục sự cố và điều động lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn.

6. Khi tàu cá bị nạn: Thuyền trưởng tàu cá phải thông báo kịp thời cho các tàu cá gần nhất, đồng thời báo cáo ngay cho BĐBP thành phố biết về vị trí, tình trạng tàu cá của mình để huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu.

7. Khi phát hiện tàu cá khác bị nạn: Thuyền trưởng tàu cá phải đưa tàu của mình đến hỗ trợ ứng cứu kịp thời, nhanh chóng thông báo các tàu cá gần nhất đến hỗ trợ và báo cáo với BĐBP thành phố để hướng dẫn, giúp đỡ hoặc điều động lực lượng, phương tiện ứng cứu.

Quỳnh Nga (tổng hợp)

Bài và ảnh: Kim Ngân

;
.
.
.
.
.