.

Con đường nghĩa tình

.

Từ trung tâm thành phố, vượt qua chặng đường dài quanh co hơn 30km, chúng tôi đến thôn Phước Sơn, xã Hòa Khương, một xã còn nhiều khó khăn về nhiều mặt của huyện Hòa Vang.

Cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân giúp nhân dân xã Hòa Khương làm đường liên thôn.
Cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân giúp nhân dân xã Hòa Khương làm đường liên thôn.

3 giờ chiều, hơn 30 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 355, Vùng 3 Hải quân áo ướt đẫm mồ hôi đang thoăn thoắt đảo, gạt bê-tông; những cánh tay chắc khỏe đẩy những chiếc xe rùa đầy bê-tông chạy ngược xuôi không ngừng... Họ như những người thợ cầu đường thực thụ đang nỗ lực chạy đua với thời gian để bảo đảm tiến độ thi công con đường.

“Với tiến độ như thế này, đơn vị chúng tôi sẽ hoàn thành đủ 600m đường bê-tông liên thôn với kết cấu rộng 4m và độ dày của đường từ 18 - 20cm bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ thời gian đã đề ra để bàn giao cho địa phương theo kế hoạch. Những ngày đầu chưa quen việc, nắng nóng, phải vận chuyển nguyên vật liệu xa, một số anh em cũng mệt, nhưng bây giờ thì tinh thần của cán bộ, chiến sĩ đều hăng hái quyết tâm vượt chỉ tiêu đề ra”, Trung tá Phạm Phi Trường, Tiểu đoàn trưởng cho biết. Anh cũng là người trực tiếp phụ trách kỹ thuật vừa trực tiếp làm cùng bộ đội để động viên cán bộ, chiến sĩ.

Tiếp xúc với các hộ dân mà con đường đi qua, chúng tôi nhận thấy một điều chung nhất, đó là sự háo hức sau bao năm chờ đợi. Ông Trần Phương, 82 tuổi, cho biết là cả đêm qua ông không ngủ được chỉ mong trời mau sáng đón bộ đội về giúp dân.

Sáng dậy, ông không dắt bò đi chăn như thường lệ mà đóng cọc ở trong vườn rồi đi bộ một vòng quanh thôn để xem các chú bộ đội làm đường. Ông bảo, ông sống ở đây đã gần hết đời người, con đường hiện tại được làm khi ông còn là thanh niên, nó bị xuống cấp lâu lắm rồi đi lại khó khăn, ổ voi, ổ gà nhiều lắm, ban đêm con nít, người già vấp té gãy tay, chân là chuyện thường.

Ông Nguyễn Xuân, 73 tuổi thì cho biết: “Thấy bộ đội về làm đường cho dân tôi vui lắm, con cái đi làm xa cả nên dịp này phải nhờ mấy chú láng lại cái sân để phơi lúa cho khỏi sạn, có đường mới rồi buổi tối mang ghế ra trước ngõ ngồi hóng gió không lo bụi. Chúng tôi sẽ gọi con đường là “Đường nghĩa tình” để ghi nhớ công lao của các chú bộ đội”.

Chị Hà Thị Hương cũng không giấu được niềm vui: “Bộ đội về làm con đường này, bà con mừng lắm, trước đây mùa nắng thì cát bay bụi mù mịt, mùa mưa thì ngập, xe cộ không đi được khổ lắm, bây giờ thì yên tâm rồi. Không những vậy, hết giờ làm, các chú ấy lại tranh thủ giúp những hộ dân bên đường nâng cao ngõ, sửa lại sân, vườn, dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm”, vừa nói chị Hương vừa chỉ vào sân nhà mình chiều hôm qua được cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 giúp nâng cao nền, láng xi-măng bóng mịn.

Ông Đinh Ngọc Thiên, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương  xúc động nói sau cái bắt tay với Chuẩn đô đốc Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng 3 trên công trường: “Bộ đội Vùng 3 ân tình, gắn bó với nhân dân Hòa Khương bao năm nay rồi, không chỉ có công trình này mà đã có hàng chục công trình đường giao thông, nước sạch, nhà tình nghĩa được làm lên từ công sức của bộ đội Hải quân Vùng 3.

Địa phương chúng tôi còn khó khăn về nhiều mặt, rất nhiều tuyến đường liên thôn cần phải làm, để hoàn thành được các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới thì cần phải dựa vào một phần công sức của các anh, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp đỡ, hỗ trợ đối tượng chính sách, giữ vững an ninh trật tự ở địa phương thì mới hy vọng nhanh chóng hoàn thành được những mục tiêu kinh tế, xã hội đã đề ra”.

Thượng tá Hồ Xuân Sáu, Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị Vùng 3 cho biết: “Năm 2015, Vùng 3 Hải quân đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố tiến hành làm đường giao thông liên thôn tại thôn Phước Sơn, xã Hòa Khương với chiều dài hơn 600m. Đây là công trình nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới mà Bộ Tư lệnh Vùng 3 đã ký kết với chính quyền địa phương; công trình dự tính sẽ hoàn thành sau 20 ngày. Mặc dù thời tiết nắng nóng sẽ còn kéo dài trong những ngày tới nhưng với quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ như thế này, chắc chắn chúng tôi sẽ hoàn thành đúng tiến độ và bảo đảm tốt chất lượng của công trình”.

Người tất bật trên công trường nhất có lẽ là ông Trưởng thôn Phước Sơn, ông cứ chạy qua, chạy lại với chiếc mũ bảo hiểm trên đầu hò hét đám thanh niên thôn đang hì hục mồi nước cho chiếc máy bơm để kịp nước cho những mẻ bê-tông mới được đổ xuống đường trong niềm vui mừng được thể hiện trong từng ánh mắt, nụ cười của bà con trong thôn cũng như lãnh đạo, chính quyền địa phương nơi đây.

Bài và ảnh: NGỌC DƯƠNG

;
.
.
.
.
.